- Việc giải quyết và khắc phục hậu quả sau sự việc ở Vũng Áng đến đâu rồi, thưa Phó Thủ tướng?
- Hiện Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công an, Công an các tỉnh phối hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho khu kinh tế, đảm bảo để việc đó không xảy ra nữa, tiếp tục điều tra, truy tố xét xử các đối tượng phá hoại vi phạm pháp luật, bởi tính chất phá hoại đã nhìn thấy rõ. Các Bộ, UBND tỉnh tiếp tục rà soát với các doanh nghiệp (DN) về những thiệt hại để có giải pháp cụ thể hỗ trợ nhằm đưa các DN trở lại hoạt động, cả DN nước ngoài và Việt Nam; phục hồi những nhà xưởng bị phá hoại, bị đốt. Những DN khó khăn về lương phải có giải pháp hỗ trợ cho người lao động có lương để trở lại làm việc, đồng thời cần có những giải pháp về hỗ trợ tài chính, cơ chế thuế, trên cơ sở rà soát kỹ để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Đối với DN cần hỗ trợ cấp bách thì các ngành, địa phương đang phải ngồi lại tìm giải pháp.
Khó khăn nhất là lao động cao cấp
-Vừa rồi, Trung Quốc đã đưa rất nhiều công nhân về, chúng ta có giải pháp gì để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt ?
- Có khoảng 3.800 lao động Trung Quốc đã về nước nên chúng ta phải làm việc với từng DN để phân loại loại lao động sẽ thiếu. Trước hết, các nhà thầu phải làm việc với các nhà thầu Trung Quốc để yêu cầu bảo đảm lao động như điều kiện trong hợp đồng. Nếu họ không đáp ứng được yêu cầu về lao động thì phải xem loại lao động nào mình đáp ứng được.
Tôi đã chỉ đạo các tập đoàn trong nước, các Bộ phải lưu ý tập trung đáp ứng nhu cầu lao động thiếu này. Khó nhất hiện nay là các lao động cao cấp, kỹ sư, thiết kế. Ngay trong chỉ thị của Thủ tướng, những thủ tục về lao động cũng phải được tháo gỡ tối đa, để trong lúc khó khăn cung ứng được lao động, để thời gian bị chậm của các dự án được hạn chế nhất và quay trở lại hoạt động sớm nhất.
Thủ tướng cũng đã có thư động viên, gửi Chủ tịch Tập đoàn Fomosa, thể hiện cam kết của Chính phủ là giữ vững trật tự an ninh, an toàn, bảo đảm cho nhà đầu tư và người lao động nước ngoài tại đây. Chính phủ luôn đứng bên cạnh DN và cùng DN tháo gỡ khó khăn, khắc phục thiệt hại.
Chưa có thông tin Fomosa muốn Việt Nam đền bù 3 triệu USD
- Thưa Phó Thủ tướng, vừa qua có thông tin Fomosa muốn Việt Nam đền bù 3 triệu USD. Vậy sau khi Thủ tướng có chỉ đạo về các hỗ trợ, quan điểm của họ như thế nào ?
- Tôi đã làm việc trực tiếp với họ, họ cho biết đang phối hợp với UBND tỉnh để thống kê, rà soát nên chưa có số đó. Như tôi đã nêu, việc này Thủ tướng đã giao UBND các địa phương phối hợp với DN rà soát, các Bộ cũng sẽ rà soát để có số liệu. Tuy nhiên, quá trình rà soát phải có thời gian, trước mắt chúng ta phải tập trung khôi phục sản xuất, xây dựng lại nhà xưởng, bố trí các lực lượng công nhân quay trở lại làm việc, không chỉ công nhân nước ngoài mà cả công nhân Việt Nam. Khi tôi vào, công nhân còn rất vắng, số lao động đi làm việc trở lại rất ít. Tôi đã yêu cầu phải báo cáo thường xuyên về số lượng công nhân đi làm việc trở lại.
- Thủ tướng đã chỉ đạo có thể miễn, giảm thuế cho các DN tại Bình Dương, Vũng Áng. Vậy, giải pháp này có cần phải xin phép Quốc hội hay không, thưa Phó Thủ tướng?
- Ở đây là những chỉ đạo khung của Thủ tướng, còn lại phải rà soát cụ thể với từng DN, mỗi DN sẽ có một hình thái hỗ trợ khác nhau, phải làm việc cụ thể chứ không ốp cái khung đó vào. Những chính sách miễn, giảm thuế sẽ làm trong thẩm quyền của Chính phủ, nếu những gì vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ xin phép Quốc hội. Để biết được có vượt thẩm quyền của Chính phủ hay không thì cần phải chờ rà soát đã.
-Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!