Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) nâng mức thuế đối với con cá tra có nguy cơ “treo ao” ngành công nghiệp cá tra Việt Nam và lấy mất cả vạn việc làm.
Cá tra xuất khẩu gặp khó ở thị trường Mỹ |
Theo Bộ Công thương, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2012 đạt 1,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Hiện tại Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra và cá basa lớn thứ hai của Việt Nam.
Trước đây các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ được hưởng thuế suất khá hợp lý và để bán được nhiều hàng hơn, các DN cùng nhau hạ giá thành sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuống còn khoảng 2,35 – 2,4 USD/kg (FOB) loại 1, khiến cho mối làm ăn của các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ giảm mạnh, từ khoảng 67.000 ha mặt nước xuống còn hơn 33.000 ha. Để giữ thị phần trong nước, các nhà nuôi cá đã tác động mạnh lên DOC thông qua các vụ kiện chống bán phá giá.
Nhiều năm nay, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã tìm cách ngăn cản các DN Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ, bằng cách gây sức ép đối với các cơ quan chức năng để xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn.
Trong tổng số 17 DN thủy sản của nước ta chịu thuế suất chống bán phá rất cao, 0,19- 3,87 USD/kg, hầu hết các DN đều sốc. Công ty Docifish chịu thuế cao nhất 3,87 USD/kg; các DN chịu thuế dao động từ 0,77- 1,81 USD/kg, chỉ có Công ty Vĩnh Hoàn chịu thuế thấp nhất với mức 0,19 USD/kg.
Ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng giám đốc Cty CP chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho rằng: Đây là phán quyết vô cùng bất lợi cho DN thủy sản nói riêng và ngành cá tra nước ta nói chung. Bởi mức thuế chống bán phá giá được áp cao thì DN không có lời và có thể buộc phải bỏ thị trường này. Ông Nguyễn Văn Đạo -Tổng giám đốc Cty Gò Đàng cũng than, mức thuế mà DOC áp cho Gò Đàng 1,81 USD/kg là quá cao. Nếu mức thuế không thay đổi thì Gò Đàng chính thức rút lui khỏi thị trường Mỹ.
Nhiều DN cho rằng, Bộ Thương mại Mỹ thay đổi trong việc chọn nước thứ ba (Indonesia thay vì Bangladesh) làm cơ sở để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam là không hợp lý. Bởi sản lượng nuôi cá tra ở Indonesia không nhiều, chi phí giá thành của Indonesia khá cao. Trong khi người nuôi cá tra ở Việt Nam có tay nghề cao, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại và không ngừng phát triển.
Không chỉ DN, người nuôi cá tra ở miền Tây Nam bộ cũng đứng ngồi không yên trước nỗi lo “treo ao” hàng loạt. Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá tra hiện giao động từ 21.000- 22.000 đồng/kg, người nuôi lỗ vốn từ 2.000- 3.000 đồng/kg. “Khi đầu ra của con cá tra bị nghẽn thì việc sản xuất càng bết bát hơn”, ông Trần Quốc Thà, nông dân chuyên nuôi cá tra ở TP.Cần Thơ than thở.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên (xã Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) cho biết trước đây gia đình ông có 10ha nuôi cá tra nay chỉ còn 1ha, người nuôi cá tra quanh vùng đã giảm rất mạnh do “càng nuôi càng lỗ”. Huyện Châu Phú tỉnh An Giang xưa là “vựa’ cá tra nay chỉ còn 5 xã nuôi và diện tích cũng giảm dần. Nghề nuôi cá tra đã không sinh lợi, nay bán qua thị trường Mỹ phải chịu giá cao ngất ngưởng khiến nhiều nông dân càng thêm thất vọng và âu lo.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, nhận định: Theo kinh nghiệm nhiều năm, khi con cá tra có nhiều biến động như bị đưa vào danh sách đỏ, áp thuế chống bán phá giá… thì người nuôi sẽ hoang mang bán đổ bán tháo, dẫn đến giá cá sẽ sụt giảm nghiêm trọng, người nuôi còn lỗ nặng hơn.
“Vấn đề hiện nay là Nhà nước phải làm sao cho người nuôi ổn định tâm lý. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để cứu người nuôi như cho vay vốn ưu đãi, tìm thị trường tiêu thụ mới…”, ông Hải đề xuất.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chính thức phản đối quyết định này của DOC.
Đại diện VASEP cho biết, VASEP cùng với các DN cá tra Việt Nam chuẩn bị khởi kiện DOC lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT). Bởi phán quyết DOC đưa ra hôm 14/3 là phán quyết cuối cùng, Việt Nam chỉ có hai cách để thay đổi kết quả là xem lại các sai số trong tính toán số liệu mà DOC sử dụng và kiện DOC lên CIT.
Không nên bán tháo Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP khuyến cáo, khi các doanh nghiệp bị thuế cao phải ngưng xuất khẩu, các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải tìm những nhà cung cấp thay thế để có hàng buôn bán. Do đó, doanh nghiệp và người dân không nên hoang mang bán tháo cá tra, người mua lợi dụng ép giá. Theo đại diện VASEP, không phải tất cả công ty đều ngưng xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian tới do mức thuế cao, vì theo luật, hiện vẫn có 8 công ty giữ được mức thuế suất cũ 0-0,03 USD/kg. |
Trần Thế - A Huyền