Trong đơn kiến nghị gửi báo Pháp Luật Việt Nam, anh Hoàng Phú Lâm (SN 1977, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) cho biết, con trai anh là cháu Hoàng Minh Châu (SN 2011) mắc chứng rối loạn phát triển và rối loạn tự kỷ.
Năm học 2017- 2018, theo quy định về độ tuổi, cháu Châu sẽ vào học lớp 1 trường tiểu học xã Kiền Bái. Tuy nhiên, dựa trên tình trạng thực tế về vận động và nhận thức, các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng đã đánh giá cháu chậm phát triển so với độ tuổi hiện tại, chỉ tương đương với đứa trẻ lên 3.
Các bác sỹ cũng đưa ra lời khuyên rằng cháu cần phải học hòa nhập và can thiệp cá nhân để phát triển bình thường. Vì lý do trên, vợ chồng anh Lâm quyết định cho cháu xin học lại lớp 5 tuổi thêm một năm nữa. Tuy nhiên, nguyện vọng này của gia đình bị từ chối với câu trả lời của cô Hiệu trưởng trường Mầm non xã Kiền Bái rằng "cháu đã hết độ tuổi mầm non".
Quá bất ngờ trước sự khước từ trên, anh Lâm đã làm đơn đề nghị gửi lên Phòng Giáo dục huyện Thủy Nguyên với mong muốn tìm được chỗ học kịp thời và phù hợp cho cháu. Tuy nhiên, tại huyện Thủy Nguyên nói riêng và hầu hết các quận huyện khác tại Hải Phòng nói chung đều chưa có một trung tâm giáo dục chuyên biệt giáo dục cho trẻ tự kỷ, do đó, việc tìm được môi trường giáo dục phù hợp quả là quá khó khăn.
Trao đổi với Pháp Luật Việt Nam, ông Bùi Đức Hiệp - Trưởng phòng Giáo dục huyện Thủy Nguyên cho biết, theo Điều 21 Luật Giáo dục quy định thì giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Do vậy việc cô Vũ Thị Thúy, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Kiền Bái không tiếp nhận cháu Châu vào học là hoàn toàn đúng quy định. Với những trường hợp như Châu, gia đình nên cho cháu theo học một lớp mầm non tư thục dành riêng cho trẻ tự kỷ hoặc cho cháu theo học lớp 1 trong thời gian 1 năm hoặc dài hơn để cháu hòa nhập được với bạn bè.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Thúy, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Kiền Bái cũng chia sẻ: "Hiện, lớp 5 tuổi tại nhà trường đã quá tải với 42 cháu, các cô giáo thì không được đào tạo bài bản để dạy trẻ tự kỷ như cháu Châu và cũng không có bất cứ chế độ riêng nào. Như vậy, nếu cháu tiếp tục theo học mầm non, cháu sẽ khó mà có sự biến chuyển về nhận thức.
Không phải nhà trường không dành tình thương cho trẻ, nhưng trước tiên chúng tôi phải làm đúng quy định. Cụ thể, theo đúng Điều lệ trường mầm non do Phòng Giáo dục huyện Thủy Nguyên đã ban hành và Công văn số 485 do Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường ký ngày 19/4/2017 về việc quy định đối tượng tuyển sinh năm học 2017-2018 thì các trường mầm non chỉ tuyển sinh với các cháu dưới 6 tuổi".
Như vậy, dù muốn nhận cháu Châu vào học lại thêm 1 năm nữa nhưng các cô giáo tại trường Mầm non xã Kiền Bái cũng không dám nhận bởi sợ làm trái quy định pháp luật. Hệ quả là con trẻ thiệt thòi, còn phụ huynh học sinh thì "lao đao" đi tìm một môi trường giáo dục phù hợp hơn.
Anh Hoàng Phú Lâm bày tỏ sự bức xúc và bất lực nói: "Sau này còn nhiều đứa trẻ khác cũng sẽ bị từ chối như vậy. Các cháu sẽ học ở đâu? Không lẽ bắt đứa trẻ có ngôn ngữ bằng đứa 2 tuổi, nhận thức bằng đứa 3 tuổi đi học lớp 1 sao?"
Trường hợp của cháu Minh Châu nói trên cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ khác ở Việt Nam có cùng cảnh ngộ.