Sáng nay (9/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống thiên tai và luật Đê điều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục đích của sửa đổi, bổ sung lần này nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng, chống thiên tai và đê điều.
Theo Bộ trưởng Cường, dự thảo luật đề nghị thành lập thêm Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư để tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Theo đó, quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, không tổ chức thu quỹ; sử dụng bộ máy hiện có của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để quản lý và đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế.
Lý do được ông Cường đưa ra đó là, hiện Quỹ phòng chống thiên tai mới có ở cấp tỉnh nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, Thường trực Ủy ban tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thường trực Ủy ban này đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ T.Ư và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay, Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương thu tiền đóng góp của người dân và doanh nghiệp ở các địa phương đã có nhiều cái không đồng thuận. Bây giờ lại sinh ra Quỹ ở T.Ư thì lại sinh ra tổ chức bộ máy.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn báo cáo giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây thì hiện có 8/48 Quỹ phòng, chống thiên tai địa phương chưa sử dụng được tiền của quỹ cho hoạt động phòng chống thiên tai. Bà Nga đặt câu hỏi: “Liệu có phải vì 8 ông không chi được tiền mà phải thành lập quỹ ở T.Ư để điều phối hay không?”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hiện tại cả nước có 61/63 tỉnh thành lập Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh, thu được 2.500 tỉ đồng nhưng tới nay mới chi được 1.000 tỉ đồng, còn lại 1.500 tỉ đồng vẫn chưa chi được. Do đó, cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để làm công tác điều phối. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế ủng hộ, viện trợ thiên tai cho Việt Nam nhiều nhưng không có cơ quan nào tiếp nhận.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm cần có quỹ này nhưng phải nghiên cứu báo cáo giám sát về các quỹ ngoài ngân sách vừa qua để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải nghiên cứu cơ chế điều hoà để đảm bảo sự công bằng giữa những nơi có nguồn thu, mức sống trung bình của người dân cao nhưng ít xảy ra thiên tai so với nơi thường xuyên phải chịu thiên tai, nơi khó khăn.