Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, châu Á đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới để vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế của châu lục là một động lực của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, kinh nghiệm đổi mới hơn 3 thập kỷ qua tại Việt Nam cho thấy sự năng động, sáng tạo, khả năng điều chỉnh chính sách kịp thời và tinh thần khởi nghiệp có tính quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế. “Chúng tôi hiểu rằng nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của mỗi quốc gia”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng thông tin, Việt Nam đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung vào các lĩnh vực là đầu tư công, tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
“Trong 3 năm tới, tổng giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ước tính lên tới hàng chục tỷ USD, trong đó một phần sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội đầu tư rất tốt và tôi mong rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không bỏ lỡ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và thành công tại Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, để tạo “sức bật” mới cho nền kinh tế, Việt Nam quyết tâm cải cách, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trọng tâm là đổi mới thể chế kinh tế, ưu tiên phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chúng tôi hiểu rằng con người chính là cốt lõi, là yếu tố quyết định và sẽ tiếp tục dành nguồn lực thoả đáng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển”, Phó Thủ tướng nói. Cùng với cải cách trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để ứng phó hiệu quả với các thách thức và hướng đến sự thịnh vượng chung của cả khu vực, trước hết cần duy trì hoà bình và ổn định tại châu lục thông qua tăng cường hợp tác và tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia, dân tộc; tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của từng quốc gia; giải quyết bất đồng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương LHQ và các cam kết, thỏa thuận khu vực; thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác hiện có, đặc biệt là các diễn đàn của ASEAN, ASEAN với các đối tác, EAS, APEC, ASEM…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần tăng cường kết nối cứng và mềm, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và di chuyển lao động giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích, hướng đến sự phát triển bền vững của cả khu vực…
Theo hãng tin Nikkei, trong bài phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 22, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đề cập đến việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo đất ở biển Đông, bao gồm xây các đường băng, cảng biển và triển khai các thiết bị quân sự tới khu vực này; cảnh báo các hoạt động này có thể dẫn đến việc quân sự hóa hơn nữa biển Đông.
Cựu Thủ tướng Singapore nhấn mạnh rằng các tranh chấp ở vùng biển này không thể giải quyết bằng khái niệm “kẻ mạnh có quyền”, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sẽ dấy lên các nguy cơ xung đột. Trong bối cảnh như vậy, ông Goh tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.