Kịch bản kích cầu du lịch lần 2
Nếu dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát, từ tháng 10, Khánh Hoà sẽ tiếp tục kích cầu theo chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Nha Trang biển gọi”, với mục tiêu quý IV/2020 sẽ đạt 350.000 lượt khách, phục hồi 100% hệ thống dịch vụ du lịch cơ bản, đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch (bao gồm lưu trú, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn viên, khu vui chơi giải trí và các hoạt động dịch vụ tiện ích đô thị). Trong đó, ưu tiên duy trì hoạt động kích cầu du lịch địa phương với chủ đề “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa”.
Ngành du lịch tỉnh An Giang cho biết sẽ phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách dịp lễ, tết.
Đáng nói, từ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tỉnh An Giang đã tổ chức các chương trình kích cầu du lịch nội địa - An Giang năm 2020 với thông điệp “An Giang - Điểm đến an toàn thân thiện” và phát động “Chương trình kích cầu du lịch nội địa - An Giang năm 2020”.
Theo đó, ngành du lịch tỉnh này có dấu hiệu phục hồi. Trong 8 tháng năm 2020, An Giang đón khoảng 4,8 triệu lượt khách, giảm 40% so với cùng kỳ, ước đạt 74% so với kế hoạch năm 2020.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tập trung triển khai đảm bảo các điểm đến du lịch an toàn, xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới chất lượng ưu đãi, thu hút du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại An Giang trong những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, ngành triển khai thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm du lịch An Giang, với mục tiêu khôi phục 90% lượng khách và doanh thu đối với thị trường khách đến các khu, điểm du lịch An Giang sau dịch.
Các hoạt động bao gồm: cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới; giảm giá vé tham quan, giá dịch vụ tại các khu du lịch điểm đến; giảm giá phòng và các dịch vụ liên quan cho các đoàn khách của doanh nghiệp lữ hành... Mục tiêu quan trọng nhất là nhanh chóng phục hồi, tăng năng lực cạnh tranh để tái khởi động một nền công nghiệp không khói sôi động trở lại….
Trong khi các địa phương đang tự cứu lấy mình thì được biết, kịch bản kích cầu du lịch lần 2 đang được Tổng cục Du lịch gấp rút hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” mà mở rộng đối tượng với người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế được nối lại. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này”.
Tóm lại, trong khi chờ kịch bản kích cầu lần 2 được ban hành, các tỉnh, thành vẫn phải tích cực hành động, không để du lịch “đứt quãng”. Đây là nhiệm vụ chung, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh bên cạnh nhiệm vụ phục hồi, phát triển du lịch.
Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh không xuất hiện ca mới trong cộng đồng nhiều ngày qua, các cấp, ngành vẫn phải đề cao cảnh giác, không lơ là, coi thường dịch bệnh, bởi nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xác định phòng chống dịch là trường kỳ, cũng như dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh tại đơn vị cũng như trên địa bàn.
Phép thử sau đại dịch
Cẩn trọng với sản phẩm du lịch có yếu tố văn hoá Việt cũng là vấn đề mà khi kích cầu du lịch cần lưu ý. Mới đây, dư luận phát lộ và lên án vụ việc một chủ đầu tư dựng tượng giống “đội quân đất nung” của Tần Thủy Hoàng tại khu “Vạn lý Trường Thành” ở Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt) có yếu tố xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Cụ thể, “đội quân đất nung” mang khiên có họa tiết trống đồng trong khi giáp trụ, mũ mão, binh khí thì nguyên mẫu các đội quân phong kiến Trung Quốc; còn “Vạn lý Trường Thành” lại có lính Việt với áo vải, cờ đào đứng canh...
Sau khi bị cộng đồng phản ứng gay gắt về sự nhập nhèm, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, công trình này đã bị ngành Văn hoá du lịch Lâm Đồng xử lý và yêu cầu dỡ bỏ. Quả thực, sau cú “giáng bồi” của đại dịch, ngành du lịch đang “khát” những sản phẩm mới mẻ, nhưng không thể thiếu cẩn trọng đối với các dự án văn hoá, lịch sử, tâm linh…
Vụ việc gióng một hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị làm du lịch có thể đầu tư, xây dựng bất cứ một kỳ quan thế giới thu nhỏ nào ở Việt Nam nhưng phải là một dự án chỉn chu, có sự tư vấn, thẩm định của các nhà chuyên môn, cũng như được cấp phép đúng luật.
Không thể lợi dụng sự phục hồi của ngành du lịch, các dự án du lịch – văn hoá – lịch sử “xô bồ”, tốn kém tiền của, thời gian và có biểu hiện lệch lạc, xuyên tạc văn hoá Việt Nam để phải được quản lý, ngăn chặn kịp thời, tránh để sự nhập nhèm, lai căng văn hoá ảnh hưởng đến du khách, đặc biệt là người trẻ tuổi.
Thiết nghĩ, đến nay đại dịch Covid-19 đã không còn là một “cơn ác mộng” của ngành du lịch nữa mà trở thành một phép thử cho toàn “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam này.
Mở lại đường bay quốc tế
Bộ Giao thông Vận tải mới có văn bản báo cáo lên Chính phủ về việc mở lại các đường bay quốc tế. Theo đó, dự kiến ngày 15/9, Bộ đề xuất mở lại đường bay thương mại tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc 9; và dự kiến ngày 22/9 với Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia. Đề xuất này được đánh giá có tính an toàn cao, dựa trên nguyên tắc đã kiểm soát dịch bệnh tốt và tương đồng với chúng ta, đồng thời xuất phát từ đề xuất của nước bạn về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với thị trường nội địa, sau một thời gian ngắn tạm dừng khai thác vì ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch, từ ngày 9/9 Vietnam Airlines đã khai thác trở lại 6 đường bay nội địa gồm: Hà Nội - Chu Lai/Tuy Hòa, Hải Phòng - Điện Biên, Vinh - Buôn Ma Thuột/Đà Lạt và Huế - Đà Lạt để đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong nước.