Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đồng ý mở rộng thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng qua hệ thống bưu điện tại 7 tỉnh, TP gồm: Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Thuận, Cần Thơ, Hậu Giang. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Để chuẩn bị cho công tác này, Bộ LĐTB&XH yêu cầu Sở LĐTB&XH các tỉnh, TP phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoàn thiện Đề án Thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng qua hệ thống bưu điện và trình Chủ tịch UBND tỉnh, TP phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo Phòng LĐTB&XH cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội cấp xã giám sát việc chi trả của cơ quan bưu điện để bảo đảm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng “đúng kỳ - đủ số tiền - đến tận tay đối tượng hưởng chế độ, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng”; kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc nếu có và thanh quyết toán theo đúng quy định.
Hiện nay, hàng tháng, ngành Bưu điện thực hiện chi trả hơn 170 tỉ đồng cho khoảng 115 nghìn đối tượng tại 6 địa phương gồm: Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP HCM và Đồng Nai mà tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên thí điểm áp dụng chi trả. Đến tháng 6/2017, việc thí điểm chi trả theo hình thức mới đã được triển khai tại 6 tỉnh trên. Như vậy, với việc mở rộng thí điểm này, từ ngày 1/1/2019, sẽ có 13 tỉnh, TP thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC qua bưu điện.
Có thể nói, những năm qua, công tác tri ân NCC đã có nhiều điểm sáng với một loạt những hoạt động của ngành LĐTB&XH như việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng với tinh thần không để bất cứ NCC nào không được hưởng chế độ; khai trương và vận hành, hoàn thiện Cổng thông tin quốc gia về mộ liệt sĩ... Đặc biệt, trong năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 30.523 tỷ đồng trợ cấp ưu đãi cho NCC, đảm bảo kinh phí đầy đủ, kịp thời.
Theo Bộ Tài chính, năm 2018, đã giao dự toán 30.523,3 tỷ đồng cho Bộ LĐTB&XH để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi cho NCC. Trong số kinh phí này đã bao gồm 50 tỷ đồng kinh phí thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu. Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã bổ sung 1.712 tỷ đồng để thực hiện Pháp lệnh NCC. Về đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC, tổng kinh phí đã hỗ trợ năm 2018 là 8.140 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã hoàn thành việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC.
Về đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền bố trí trong dự toán đầu năm 2018 là 437,8 tỷ đồng. Đối với đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Bộ Tài chính đã giao dự toán 50 tỷ đồng để điều tra, thu thập thông tin và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng hoặc phương pháp giám định gen. Ngoài ra, năm 2018, Bộ LĐTB&XH đã bố trí 201,922 tỷ đồng từ nguồn trong nước để xây dựng 18 dự án trung tâm điều dưỡng cho NCC. Theo số liệu giải ngân của Kho bạc Nhà nước, các dự án trên đã giải ngân được 119,926 tỷ đồng, đạt 59,4% kế hoạch vốn...