"Ai mà không thích hoa quả Việt Nam nhưng có đâu mà mua hả em?. Nếu không mua hàng Trung Quốc thì chẳng lẽ lại nhịn à?", chị Phạm Tuyết Mai (đường Lê Lai, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) nói khi được hỏi về xuất xứ của các loại quả lê, nho mà chị đang chọn.
Thổ cẩm bán ở chợ Cốc Lếu nay cũng được nhập từ bên kia biên giới. Ảnh: M.H. |
Hàng Việt ở đâu?
Có một nghịch lý đáng buồn là người tiêu dùng Lào Cai sẵn sàng mở lòng, thậm chí rất thích dùng sản phẩm thuần Việt, song thị trường dường như không thể đáp ứng được nhu cầu thiết thực đó. Bằng chứng là những mặt hàng nông sản thương hiệu Việt như bưởi da xanh, cam Vinh, thanh long ruột đỏ, nhãn... có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều được người dân Lào Cai ưa chuộng tại các hội chợ nông nghiệp, thậm chí "cháy hàng" dù giá không hề rẻ.
Như vậy, triển vọng thị phần dành cho hàng Việt tại Lào Cai không hề hạn hẹp, người dân bất đắc dĩ phải mua hàng ngoại chẳng qua vì thiếu vắng hàng trong nước.
Là đầu mối giao thương với thị trường khổng lồ Trung Quốc, tại Lào Cai, các mặt hàng tiêu dùng xuất xứ từ quốc gia phương Bắc chiếm tới gần 80% thị phần. Chị Hà Thị Lâm, tiểu thương kinh doanh hàng gia dụng tại chợ Cốc Lếu A - nơi được coi là trung tâm mua sắm hàng Trung Quốc tại Lào Cai cho biết: "Thị trường Trung Quốc nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam rất nhanh, ví dụ như biết Việt Nam mùa hè hay mất điện họ tung ra rất nhiều các sản phẩm tích điện vừa rẻ vừa tiện dụng, hầu như mình cần gì là có cái đó nên hàng bán chạy lắm".
Có lẽ vì vậy, phần lớn các mặt hàng được bày bán tại đây có nguồn gốc "made in China", từ những vật dụng nhỏ như kim khâu đến hàng gia dụng, thời trang, điện tử đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo chị Lâm, so với hàng nhập từ Hà Nội, nhập hàng từ Trung Quốc chi phí thấp hơn, vì tiết kiệm được phí vận chuyển.
Tại nhiều phiên chợ vùng cao, hàng ngoại ngập tràn từ dược phẩm đến các mặt hàng gia vị, thực phẩm, thời trang, điện tử, bánh kẹo, đồ chơi cho trẻ em. Ngay cả chợ phiên ở những điểm du lịch nổi tiếng như Bắc Hà, Sa Pa cũng có rất ít hàng Việt Nam. Thậm chí những mặt hàng truyền thống như thổ cẩm và hàng may mặc cũng đều là hàng nhái của Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc sang Lào Cai thì cũng chỉ biết cười xòa vì gặp toàn những đồ "quen mặt".
Không chỉ là “vận động”
Trong quý III năm 2012 đã có 3 phiên chợ hàng Việt về với nông thôn, vùng cao lần đầu tiên được tổ chức tại các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Mường Khương nhằm giới thiệu các sản phẩm Việt chất lượng để người tiêu dùng Lào Cai được sử dụng những sản phẩm tốt nhất và giá cả hợp lý nhất.
Tại hội chợ, các doanh nghiệp ưu tiên chương trình bán hàng Việt khuyến mại, thu hút trên 10 vạn lượt khách tham quan mua sắm, tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Đa phần người tiêu dùng đều nhận xét hàng hóa trong nước hiện nay đã có sự đổi mới đáng kể về chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành.
Qua hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành công thương Lào Cai đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 1.100 thông báo khuyến mại hàng Việt Nam với nhiều hình thức như: tặng quà, giảm giá, gửi hàng dùng thử...
Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn xây dựng các chương trình truyền thông về cuộc vận động; trong đó, tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, như lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ điện dân dụng.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lào Cai cũng tăng cường kiểm tra công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại.
Thế nhưng, để hàng Việt thực sự cạnh tranh được với hàng Trung Quốc trên thị trường thì còn là một chặng đường dài gian nan. Vấn đề không chỉ là quyết tâm chính trị, những khẩu hiệu kêu gọi “dùng hàng Việt là yêu nước”, mà đòi hỏi đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
Lào Cai nói riêng, các tỉnh biên giới nói chung vẫn là những địa phương nghèo nên càng dễ hiểu khi người dùng hàng Trung Quốc là chủ yếu, bởi chỉ cần chênh lệch từ 500 đồng đến 1.000 đồng/sản phẩm là người tiêu dùng sẵn sàng chuyển sang mua hàng rẻ hơn. Vì vậy, cốt lõi vẫn là nâng cao mức sống cho người dân, có như vậy mới có thể nâng cao “sức đề kháng” trước cơn lốc hàng ngoại.
Hương Thu