Đằng sau những tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 là những cảnh báo, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2011 có dấu hiệu tích cực. Ảnh minh họa. |
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá
Tổng cục Thống kê nhận định: “Diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất lợi tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 vẫn mang nhiều tín hiệu tích cực, khẳng định tính đúng đắn của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội”.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Với những kết quả và tồn tại của tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011, đòi hòi các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”. |
Chính phủ đã nhận định, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP ước đạt 5,57%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại trong thời gian gần đây và có chiều hướng giảm dần, thu chi ngân sách đạt khá, tổng thu đạt 49% dự toán năm và bội chi giảm (bằng 23% mức bội chi ngân sách Nhà nước cả năm), kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch.
Thị trường ngoại tệ và kinh doanh vang đã ổn định, tỷ giá được kiểm soát trong biên độ cho phép, dự trữ ngoại tệ đang được cải thiện trở lại, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi, cắt giảm đầu tư công, trong 6 tháng, cả nước đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 80.550 tỷ đồng (khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011).
Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội
Dù thực hiện chính sách “thắt chặt tài chính, tiết kiệm đầu tư” nhưng đầu tư cho các mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo, tam nông vẫn được duy trì, quan tâm và các vấn đề an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực với các chính sách cụ thể. Tổng dư nợ cho vay các chương trình, chính sách an sinh xã hội đến 30/6/2011 ước đạt gần 95.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ.
Ước tạo việc lam cho khoảng 722.800 người (bằng 45,2% kế hoạch năm), trong đó xuất khẩu lao động khoảng 44.000 người (đạt 50,6% kế hoạch năm). Chi hơn 9.000 tỉ đồng để thực hiện trợ cấp khó khăn cho một số đối tượng hưởng lương ngân sách, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi và hộ nghèo...
Điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp; điều chỉnh chính sách đối với người cao tuổi, đã tăng mức hỗ trợ và có thêm khoảng 600.000 người được hưởng trợ cấp thường xuyên; hỗ trợ có mục tiêu cho 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như 62 huyện nghèo. Nhờ đó, đời sống của người dân nói chung và người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách nói riêng cũng giảm bớt khó khăn dù chịu ảnh hưởng của lạm phát. Công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại đạt kết quả tốt.
Kiên trì vượt qua lạm phát
“Lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, mặt bằng lãi suất còn cao, sản xuất kinh doanh vì thế cũng vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm và giảm thu nhập, nhập siêu còn cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn...”. Đó là những hạn chế, yếu kém của tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mà Chính phủ đã chỉ ra nhằm tìm giải pháp khắc phục thích hợp trong những tháng cuối năm.
TS.Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN: “Cái được lớn nhất trong việc triển khai Nghị quyết 11 là chúng ta đã vượt lên những suy nghĩ, hạn chế cố hữu từ trước đến nay trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và giá. Chúng ta đang đi đến cùng của nguyên tắc thị trường trong quản lý giá. Đây là vấn đề rất khó khăn vì đụng chạm và phải hy sinh. Tuy chính phủ đã rất quyết liệt nhưng những khuyết điểm của nền kinh tế đến nay vẫn chưa có những chuyển biến lớn”. |
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường giá cả, trong đó cần kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục tìm kiếm để mở rộng thị trường xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của hàng nội địa về giá cả, mẫu mã, tính năng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nội địa ra thị trường thế giới, nhờ đó giảm nhập siêu.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Kiên quyết cắt giảm nguồn đầu tư vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật cần thiết, đồng thời ưu tiên và tập trung vốn cho các các công trình đã đầu tư sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Tích cực hỗ trợ để duy trì việc làm cho người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương, đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho các hộ nghèo, người có thu nhập thấp để khuyến khích, động viên, giúp người lao động ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
Những giải pháp này tiếp tục được “nhắc lại” nhưng mang “dáng dấp” hoàn toàn mới vì dựa trên những kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011. Thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp này chính là “con đường” để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2011 - năm “bản lề” trong đời sống chính trị, kinh tế và quá trình phát triển mới của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề” Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề nên phải tiếp tục thực hiện nhất quán, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bằng những chính sách vĩ mô và cụ thể, có tính cơ bản, lâu dài đã được đưa ra để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phải khẩn trương thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Đây là đòi hỏi khách quan vừa cơ bản, vừa cấp thiết của quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 cũng sẽ góp phần thiết thực tạo thêm các tiền đề cho nhiệm vụ quan trọng này”. |
Huy Anh