Xâm phạm quyền tác giả ngày càng tinh vi
Quá trình điều tra, cảnh sát xác định từ năm 2014, một đối tượng (quê Lâm Đồng) có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng.
Nghi phạm thuê hai người có trình độ kỹ thuật cao thực hiện lập trình, quản trị, vận hành website www.phimmoi.net. Do trang web này đã tồn tại khá lâu cũng như đã bị đánh bản quyền rất nhiều lần. Đồng thời, trang web này thường xuyên đăng quảng cáo game đánh bạc online, thu lợi nhuận rất lớn nên Công an TP HCM quyết định khởi tố vụ án hình sự với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến các bộ phim.
Dù pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam; nhưng hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung và trên môi trường internet nói riêng vẫn đang diễn ra hằng ngày đối với tất cả các loại hình tác phẩm; từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính…
Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… Các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ.
Vụ án này có thể mở ra một án lệ mới cho các vụ việc tương tự sau này, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam, theo TS. LS Lê Ngọc Khánh (Cty Luật TNHH TGS, Đoàn LS TP Hà Nội).
LS Khánh cho rằng, trong vụ việc này, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cụ thể là sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể có quyền; và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; Quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ - SHTT).
Theo LS Khánh, về cơ bản, các hành vi của nhóm người nói trên đã vi phạm Điều 20 Luật SHTT; có dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 BLHS.
Tùy vào tính chất, mức độ, thiệt hại thực tế và số tiền thu lợi bất chính… mà những người này phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khoản của Điều 225 BLHS. Nếu cá nhân phạm tội, mức phạt có thể lên đến 3 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng.
Cần người dùng “chung tay”
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền tác giả với tác phẩm, LS Khánh đưa ra một số kiến nghị.
Với môi trường internet, cần triển khai nghiên cứu các biện pháp công nghệ để đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền. Chẳng hạn, với những trang web có người quản lý, biện pháp được áp dụng là gửi yêu cầu xóa vi phạm với người quản lý. Nếu người quản lý biết web có xâm phạm mà không xóa thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới với chủ trang web.
Cụ thể như Youtube, một ngày có cả ngàn video được upload, gồm cả video vi phạm và không vi phạm. Việc xác nhận video có vi phạm hay không với người quản lý Youtube rất khó khăn. Nhưng nếu người dùng feedback (phản hồi) lại về nội dung xâm phạm thì trách nhiệm của người quản lý là phải xóa, nếu không họ cũng sẽ liên đới.
Bên cạnh đó, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cần tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục về ảnh hưởng của việc xâm phạm bản quyền tác giả.
“Với số lượng người dùng internet cực lớn như hiện nay, chúng ta có thể xây dựng các chuyên đề tuyên truyền online – sử dụng chính môi trường này để lan tỏa được thông điệp và định hướng hành vi của người dùng trong xã hội; cho họ thấy rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm về bảo vệ bản quyền sản phẩm. Muốn ngăn chặn tình trạng xâm phạm bản quyền, việc người dùng phát hiện, báo cáo sai phạm là rất cần thiết, từ đó thì các cơ quan chức năng sẽ kịp thời vào cuộc xử lý”, LS Khánh nói.
Theo LS Khánh, với chủ thể quyền SHTT, do đặc thù của loại tài sản này là vô hình, có thể được lan tỏa nhanh trên internet và đặc biệt đối với quyền tác giả, quyền liên quan chủ thể xác lập quyền tự động không cần đăng ký kể cả hoạt động cấp quyền (li-xăng) nên cơ quan chức năng rất khó xác định có xâm phạm hay không nếu chủ thể quyền không trình báo. Bởi thế, các chủ thể có quyền nên tự chủ động bảo vệ tài sản. Khi phát hiện sai phạm cần trình báo để được hỗ trợ; hoặc ủy quyền cho các tổ chức đại diện để theo dõi xâm phạm cũng như cấp quyền (li-xăng) thay cho mình.