Điều tra ban đầu xác định, Duẩn liên hệ với một Cty về kỹ thuật ôtô ở Hà Nội để hợp thức hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo với 18 ôtô của 4 cá nhân. Duẩn bị xác định đã nhận 198 triệu đồng từ 4 người trên để lo các thủ tục này.
Duẩn sau đó làm trái quy định để cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho 18 ôtô và hưởng lợi hơn 150 triệu đồng.
Trước đó, ngày 31/1, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi tố, tạm giam Lê Văn Ngân (Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-01V), Tăng Xuân Huy và Vũ Mạnh Hiền (đều là Phó Giám đốc Trung tâm) để điều tra tội Nhận hối lộ. Cùng tội danh, cảnh sát khởi tố, tạm giam 10 đăng kiểm viên của Trung tâm này.
Theo điều tra ban đầu, để được đăng kiểm nhanh, chủ ôtô khi đến làm thủ tục tại 29-01V thường để 100.000-200.000 đồng trong xe. Ai không chủ động, các đăng kiểm viên sẽ “gợi ý”.
Hơn nữa, khi phát hiện thêm lỗi của xe, đăng kiểm viên sẽ yêu cầu đưa thêm tiền để được “cho qua”. Nếu chủ phương tiện không đưa tiền, đăng kiểm viên sẽ yêu cầu đưa về sửa chữa, khi nào đạt thì quay lại. Việc đăng kiểm bỏ qua lỗi kỹ thuật của xe khi kiểm định chỉ áp dụng ở các giai đoạn thủ công, không can thiệp vào hệ thống.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm 29-01V kiểm định khoảng 60-70 ôtô và thu lợi bất chính 6-8 triệu đồng. Tiền nhận hối lộ, lãnh đạo trung tâm và nhân viên sẽ chia theo tỷ lệ thỏa thuận, trong đó giám đốc hưởng nhiều nhất, nhà chức trách cáo buộc.
Ngày 30/1, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng bắt 5 người thuộc Trung tâm đăng kiểm 29-15D để điều tra tội Nhận hối lộ, với cáo buộc nhận tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng của mỗi chủ xe để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm.
Hơn một tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh: Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Người có chức vụ cao nhất đến hiện tại bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, đây là vụ án tham nhũng có hệ thống, hành vi sai phạm được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới đến lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo phòng kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ theo tháng, quý của trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động; bỏ qua lỗi vi phạm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định.