Theo điều tra ban đầu, từ việc tham gia nhóm chơi, kinh doanh lan trên mạng xã hội, trong các ngày 15/8 và 28/8, ông Đỗ Văn Thưởng (trú tại huyện Di Linh) đã mua của Bùi Văn Sỹ 4 cây lan Hồng Yên Thủy và 1 chậu lan Hồng Mỹ Nhân đột biến gen với giá 440 triệu đồng bằng hình thức giao dịch trực tiếp. Để tạo lòng tin, Bùi Văn Sỹ đã viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa.
Đến ngày 30/8, Bùi Văn Sỹ tiếp tục đem 2 chậu lan đột biến gen khác đến huyện Di Linh để bán cho ông Thưởng với giá 1,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phát hiện hoa lan Sỹ bán chỉ là hoa lan thông thường, không đúng như thỏa thuận trước đó, ông Thưởng đã trình báo sự việc tới Công an huyện Di Linh.
Nhận được tin báo, Công an huyện Di Linh đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra.
Qua làm việc, Bùi Văn Sỹ thừa nhận, số hoa lan đã bán cho ông Thưởng là đều là hoa lan thông thường, không phải hoa lan đột biến gen như rao bán và thỏa thuận trước đó với ông Thưởng, đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền 440 triệu đồng.
Theo Công an huyện Di Linh, lợi dụng phong trào chơi hoa lan, nhất là những giống lan hiếm hoặc loại đột biến gen, không ít đối tượng đã lập các tài khoản trên mạng xã hội rao bán lan phi điệp đột biến gen với giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Công an huyện Di Linh khuyến cáo người dân nên thận trọng trong các hình thức giao dịch mua lan qua mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.