Sau 10 năm học tập tại Anh, giữa thời điểm đỉnh cao của một pianis quốc tế, cô trở về và kết hôn với nghệ sỹ opera Hàn Quốc. Vài năm trở lại đây, tên tuổi của vợ chồng cô gắn với một dự án âm nhạc “ Dàn hợp xướng kì diệu” dành cho trẻ em thiệt thòi như những giấc mơ xa vời bỗng chạm tay tới được…
Làm việc với trẻ em và đóng góp cho xã hội
Lưu diễn ở khắp nơi trên thế giới nhưng nghệ sĩ Trang Trịnh vẫn dành nhiều thời gian ở Việt Nam để thực hiện dự án âm nhạc cho trẻ em thiệt thòi? Hẳn là có nhiều khó khăn, trở ngại khi thực hiện?
- Ai đó từng nói rằng, một xã hội văn minh đến đâu cần nhìn vào cách họ đối xử với những người yếu thế như thế nào. Tôi luôn muốn được làm việc cùng trẻ em và bằng cách nào đó đóng góp cho xã hội. Tôi rất yêu đất nước mình và nhận thấy có nhiều cơ hội, thời điểm phù hợp để thực hiện những dự định tại Việt Nam.
Tôi muốn dùng toàn bộ tuổi 20 để góp sức cho cộng đồng. Mong muốn của chúng tôi là được sống với tuổi trẻ của mình một cách hết mình nhất, không lãng phí nhất. Về nước, song song với công việc giảng dạy, biểu diễn âm nhạc, Trang Trịnh và Park Sung Min còn sáng lập và điều hành “Dàn hợp xướng và giao hưởng kỳ diệu”, một dự án âm nhạc dành cho những em bé có hoàn cảnh thiệt thòi. Dự án này được lấy cảm hứng từ một chương trình đào tạo âm nhạc xã hội ở Venezuela, bắt đầu từ một mô hình nhỏ và hiện giờ đã lan rộng ra 54 quốc gia trên thế giới. Với “Dàn hợp xướng diệu kỳ”, chúng tôi dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn biết đàn, biết hát.
Dự án này được khởi đầu từ tháng 8/2013. Có lẽ khó khăn lớn nhất là ở tư tưởng và niềm tin. Khi về Việt Nam, tôi từng tự hỏi tại sao mình quyết định hoạt động xã hội, công việc này sẽ mang lại điều gì? Ngoài ra, cách nhìn nhận về tầm quan trọng của âm nhạc ở Việt Nam chưa cao, chúng ta vẫn quen nghĩ đó là một môn phụ với những giá trị chưa được nhận thấy rõ. Vì vậy, tôi cần có niềm tin để vượt qua ý niệm này và tôi tin vào ý nghĩa nhân văn, cái đẹp trong âm nhạc.
Ở Anh từng có một nghiên cứu về nghề nghiệp trong tương lai và thông số họ đưa ra khá bất ngờ là có tới 80% nghề nghiệp trong số đó vẫn chưa tồn tại. Câu hỏi họ đặt ra là bạn phải giáo dục cho một đứa trẻ thế nào để hiểu được 80% số nghề nghiệp trong tương lai đó? Cuối cùng câu trả lời của họ là cần học các bộ môn nghệ thuật như hội họa, kịch, âm nhạc… bởi nó góp phần giáo dục tính sáng tạo cho trẻ em, một tố chất rất cần cho nghề nghiệp trong tương lai.
Bạn có thể nói rõ hơn về dàn hợp xướng này?
- “Dàn hợp xướng kỳ diệu” là tập hợp các em nhỏ được lựa chọn từ các trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ mồ côi tại Hà Nội. Mỗi tuần, vào chiều chủ nhật các em sẽ lên chuyến xe buýt “kỳ diệu” đến từng điểm để đón các em đến với lớp học âm nhạc. Ngoài việc được học hát, các kiến thức cơ bản về âm nhạc và cảm thụ âm nhạc, việc rèn luyện hợp xướng sẽ mang tới cho các em sự tự tin, tính kỷ luật, khả năng hoạt động nhóm, và trên hết là khả năng lắng nghe. Một buổi học kéo dài 2 tiếng, gồm nhiều hoạt động khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu vào việc luyện tập “hợp xướng”.
Bạn biết đấy, việc đào tạo các em vốn dĩ không biết gì về âm nhạc không hề đơn giản. Nhưng bằng tình yêu với các em, cả hai vợ chồng đã không quản ngại khó khăn. Park Sung Min (chồng cô) còn làm nhiều động tác rất hài hước cho các em thấy đỡ ngần ngại. Mình đã gặp những ánh mắt sung sướng, hạnh phúc của các em khi lên xe đến Dàn hợp xướng để tập luyện. Các em như có một gia đình riêng, có bạn bè, thầy cô để chia sẻ và nhất là lại được học nhạc, được ngồi lên xe đi khắp thành phố.
Ai đó nói, “khi trao đi một bông hoa, tay bạn sẽ còn lại hương thơm”. Dường như có rất nhiều vẻ đẹp trong công việc bạn đang làm?
- Trong muôn ngàn những bài học giá trị về cuộc sống, âm nhạc dạy cho chúng ta bài học về vẻ đẹp. Vẻ đẹp của âm nhạc được tạo nên bởi sự hòa hợp (harmony) giữa các nốt nhạc, giữa các nhạc cụ, giữa nhiều giọng hát trong một dàn hợp xướng. Cũng giống như vậy, vẻ đẹp trong cuộc sống bắt đầu từ việc mỗi người tìm thấy sự hòa hợp với chính mình, lắng nghe, tôn trọng và yêu thương bản thân. Rộng lớn hơn là giữa người với người, giữa mỗi cá nhân với thế giới, thiên nhiên, xã hội và các nền văn hóa khác nhau. Đây cũng là điều mà dự án “Dàn hợp xướng kỳ diệu” mong muốn đem đến cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua việc học nhạc và biểu diễn, các em sẽ học được các giá trị sống tốt đẹp, tăng sự tự tin vào bản thân và nuôi dưỡng ước mơ.
Dự án này không nhằm phát hiện tài năng, biến các bé trở thành nghệ sỹ hay dùng âm nhạc để kiếm sống mà muốn thông qua âm nhạc để giúp các bé nhận ra các giá trị sống tốt đẹp. Thí dụ, Trang Trịnh dùng âm nhạc để dạy các bé biết yêu trật tự. Cô chơi một bản nhạc và nói với các bé: Bản nhạc này không im lặng nhưng rất trật tự, nốt này chơi xong mới đến nốt kia… Giống như khi đi trên đường, đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi. Khi chúng ta lưu ý trật tự đó thì sẽ không bao giờ xảy ra tắc đường.
Đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 2/12 vừa qua |
Cô gái dương cầm hạnh phúc
Theo bạn, đâu là điều ý nghĩa nhất mà bạn đã mang lại cho các em nhỏ?
- Ngoài học hát (sắp tới là học chơi nhạc cụ) và được biểu diễn ở nhiều nơi, các bé học được cách cố gắng để sống tốt hơn mỗi ngày. Âm nhạc cũng rất cần trật tự nếu không chỉ là “noise” (tiếng ồn). Âm nhạc càng đẹp càng có trật tự lớn và các bé học được tính kỷ luật đó qua việc cùng hợp xướng.
Đặc biệt, khi đứng trên sân khấu, các em thấy được sự trông đợi của người xem, giúp tạo nên sự tự tin, có thể nhận ra giá trị của mình. Tôi luôn nói với các em, chúng ta đứng trên sân khấu chỉ có người chuyên nghiệp và người không chuyên, người cố gắng và người chưa cố gắng hết sức, chứ không hề có người giàu hay người nghèo, người có cha mẹ hay không có cha mẹ.
Các bạn có xuất phát điểm không may mắn thường tự ti. Mẹ Teresa có nói rằng: “Khi con người nghèo thì việc không có một mái nhà trên đầu không phải nỗi đau lớn nhất, mà nỗi đau lớn nhất là họ không là ai cả”. Tôi muốn là khi đặt chiếc đàn vào tay một em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thì em không còn “không là ai cả” nữa, em nhỏ bắt đầu có tiếng nói của riêng mình. Dù xuất phát điểm không may mắn như mọi người, nhưng em biết rằng nếu mình muốn thì mình có thể nắm bắt lấy cơ hội.
Cảm xúc của bạn ra sao khi đêm nhạc với hơn 350 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thuộc 8 dàn hợp xướng tham gia vào đêm nhạc “Vui ca - Sing For Joy 2017” diễn ra vào tối 2/12 vừa qua cùng các trẻ em thiệt thòi tại Nhà hát Lớn Hà Nội?
- Khi những nốt nhạc cuối cùng lắng xuống, những giọt nước mắt vỡ òa trong tiếng vỗ tay không ngớt của 600 khán giả, chúng tôi biết rằng những cố gắng và nỗ lực của mình trong thời gian qua đã được khán giả ghi nhận. Đêm diễn đã kết thúc với sự thăng hoa của nghệ thuật và lắng đọng của cảm xúc. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác hạnh phúc lâng lâng ấy, khi hơn 350 nghệ sĩ với 17 quốc tịch khác nhau, người nhỏ nhất mới lên 9, người lớn tuổi nhất đã ngoài 60 cùng nhau hòa giọng hát ngân vang ca khúc When you believe, ca khúc chủ đề của buổi diễn.
Mang thông điệp về “Niềm hy vọng”, ca khúc “When you believe” là một lời nhắn gửi của chúng tôi tới tất cả khán giả yêu âm nhạc, rằng trong cuộc sống sẽ có những lúc khó khăn làm ta chùn bước, nhưng chỉ cần chúng ta biết tin tưởng và hy vọng thì mọi điều đều có thể xảy ra: “You will when you believe”.
Bạn có nghĩ đến việc mở trường dạy nhạc để truyền tình yêu âm nhạc cổ điển cho thế hệ tiếp theo?
- Tôi thích Tốt-Tô-Chan và ngôi trường của cô bé ấy, một nơi đầy sáng tạo, niềm hy vọng và tình yêu thương. Tôi cũng mong ước sẽ được giảng dạy âm nhạc trong môi trường như vậy, và nhất là cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Tại sao bạn được gọi là cô gái dương cầm hạnh phúc?
- Tôi luôn thấy vui khi chơi piano. Điều kỳ diệu là bằng cách nào đó mà chính tôi cũng không rõ, niềm vui ấy có thể truyền tới trái tim của một người khác. Có lẽ vì thế mà người ta gọi tôi là nghệ sỹ dương cầm hạnh phúc.
Bản thân tôi có rất nhiều công việc phải làm như luyện tập thường xuyên từ 4-6 tiếng mỗi ngày. Một năm tôi luôn dành khoảng hai tháng đi tu nghiệp và biểu diễn ở Anh, Mỹ, Hong Kong, Hàn Quốc... Sắp tới, tôi cũng dự định tổ chức một khóa học dành cho người lớn giúp họ cảm thụ về âm nhạc cổ điển. Với nhịp sống gấp gáp hiện nay, việc hòa nhập nhạc cổ điển với cuộc sống là việc làm khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhạc cổ điển cũng luôn có những lớp khán giả riêng và đây là thời điểm các nghệ sĩ cổ điển cần phải nỗ lực để đưa âm nhạc đến gần hơn với khán giả.
May mắn với tôi là có được người bạn đời là nghệ sĩ opera. Điểm chung giữa chúng tôi là đều yêu cái đẹp, có suy nghĩ nghệ thuật cần phải gắn liền với cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi có nhiều cơ hội biểu diễn cùng nhau và tìm thấy niềm vui thực sự ở dự án “Dàn hợp xướng kỳ diệu” này. Là nghệ sĩ biểu diễn nhiều nơi, có công việc ở Hàn Quốc, Italy, nhưng anh vẫn dành thời gian lớn ở Việt Nam với công việc chỉ huy hai dàn hợp xướng của trẻ em thiệt thòi và dàn hợp xướng phụ nữ Hàn Quốc tại Việt Nam (khoảng 40, 50 người). Năm ngoái, ở Luala Concert Thu Đông, anh cũng đã mang dàn hợp xướng này đến hát cho người dân Việt Nam nghe.
Trân trọng cảm ơn nghệ sỹ về những chia sẻ!
Trang Trịnh tên đầy đủ là Trịnh Mai Trang, sinh năm 1986 tại Hà Nội, từng giành giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ năm 1996, 1997. Năm 2004, học cử nhân âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM) với học bổng Sterndale Bennett và hoàn thành thạc sĩ vào năm 2010, làm việc một năm tại Anh trong dàn nhạc cũng như lưu diễn độc tấu tại các nước châu Âu. Một số giải thưởng: giải Nhất cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival “Paganini” tại London (2006), Frances Simmer Prize dành cho người xuất sắc cuộc thi độc tấu Piano (2007), Greta Parkinson dành cho người có thành tích học tập xuất sắc (2008), Mozart Prize tại Jacque Samuel Competition (2009), Giải Nhì tại Liszt.