EDM, nhạc dân tộc và màu sắc riêng
Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với EDM (âm nhạc điện tử) và một số thể loại đương đại khác không phải là câu chuyện mới. Từ trước đến giờ, thị trường nhạc Việt thỉnh thoảng vẫn chào đón những sản phẩm kết hợp chất liệu âm nhạc xưa và nay khá thành công, giữ vị trí cao trên các bảng xếp hạng trong nước, tạo thành hiện tượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện kết hợp các màu sắc âm nhạc với nhau đã có nhiều khác biệt. Chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống đặt trong dòng chảy hiện đại, đi cùng một số yếu tố khác đang giúp nhạc Việt trở nên đặc sắc hơn.
Nhà sản xuất K-ICM vừa giới thiệu sản phẩm âm nhạc đầu tiên mang tên Chân mây, kết hợp cùng ca sĩ Phương Thanh. Chân mây là ca khúc mở đầu album Hoa mà nhà sản xuất này sẽ ra mắt lần lượt trong thời gian sắp tới. Chân mây và cả album Hoa của K-ICM là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Chất liệu truyền thống trong dự án thể hiện ở nhiều khía cạnh từ sự kết hợp các loại nhạc cụ vốn quen thuộc trong đàn dây như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm... đi cùng lời nhạc sử dụng nhiều từ Hán - Việt; cho tới hình thức MV, những cá nhân xuất hiện trong từng khung hình đều mặc cổ phục với lối trang điểm, làm tóc theo phong cách xưa tạo ra sự hài hòa về tổng thể.
Chân mây sau khi ra mắt nhận được sự ủng hộ của khán giả với hơn 1,1 triệu lượt xem trên YouTube sau một tuần phát hành. Trên các nền tảng trực tuyến khác như iTunes, Spotify, Apple Music, ca khúc đạt lượt nghe khá ấn tượng. Những con số này chưa phải là thành tích “khủng”, bởi từng có nhiều sản phẩm của ca sĩ Việt “leo top” trending YouTube nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, xét về thể loại âm nhạc, tên tuổi nghệ sĩ và một số yếu tố khách quan như thời điểm ra mắt, sự cạnh tranh với các sản phẩm được giới thiệu cùng lúc, thì thành tích của Chân mây hiện tại là khả quan.
Ngoài Chân mây, See tình của Hoàng Thùy Linh cũng là một trong những sản phẩm được chú ý trong thời gian gần đây. Nếu Chân mây đưa âm nhạc truyền thống trở thành chất liệu chính, thì See tình lại dùng yếu tố truyền thống như một nét điểm xuyết, chấm phá trong âm nhạc. Mở đầu MV, một đoạn nhạc đờn ca tài tử được vang lên nhằm gợi mở về không gian văn hóa miền Tây mà Hoàng Thùy Linh muốn chuyển tải sau đó. Nữ ca sĩ khá khéo khi đưa chất liệu văn hóa vùng miền vào trong trang phục, bối cảnh sông nước, ẩm thực, làng nghề truyền thống. See tình tiếp tục là sản phẩm khẳng định lối đi riêng của Hoàng Thùy Linh và ê-kíp, khi thổi vào âm nhạc các yếu tố văn hóa truyền thống theo hướng hiện đại, tiệm cận với thị hiếu của người nghe trẻ.
Trong nhóm sản phẩm kết hợp chất liệu cũ - mới, Còn chi đâu nữa anh do người đẹp Hà Thu thể hiện khá nổi bật. Ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác mang âm hưởng dân ca, trữ tình được hòa âm trên nền nhạc EDM. So với Chân mây và See tình, sự đầu tư về mặt hình ảnh của Còn chi đâu nữa anh không hề kém cạnh. Tuy nhiên, giọng hát của Hà Thu chưa thật thuyết phục khán giả. MV hiện nhận được hơn 350.000 lượt nghe trên YouTube sau hơn mười ngày ra mắt.
See tình của Hoàng Thùy Linh cũng là một trong những sản phẩm gây được tiếng vang thời gian gần đây |
Cơ hội để nhạc Việt xuất ngoại?
Nhà sản xuất K-ICM (nghệ danh của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Bảo Khánh) cho biết trong album Hoa, ngoài ca sĩ Phương Thanh, anh sẽ kết hợp với nhiều giọng ca khác như Bùi Anh Tuấn, Đồng Lan, Văn Mai Hương, Trung Quân, và mỗi ca khúc sẽ là một sự thử nghiệm mới với âm nhạc dân tộc. Ở album này, NSƯT Hải Phượng đảm nhận vai trò cố vấn, hỗ trợ K-ICM hoàn thiện hơn về yếu tố nhạc dân tộc trong các sáng tác.
“Ước mơ của tôi khi chọn sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và EDM, hay rộng hơn là các thể loại thịnh hành đương thời, nhằm mục đích giới thiệu với người trẻ rằng âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất đẹp, có nhiều nhạc cụ rất độc đáo, đặc sắc. Xa hơn, khi đưa những sáng tác này ra thế giới, cùng với MV quảng bá cảnh sắc Việt Nam, tôi nghĩ khán giả các nước sẽ bất ngờ và cảm thấy ấn tượng”, K-ICM chia sẻ.
Về con đường đưa nhạc Việt ra thế giới, K-ICM cho biết anh đang nghiên cứu cho những màn kết hợp độc đáo hơn. Trong đó, sản phẩm thực hiện cùng ca sĩ Đồng Lan sẽ kết hợp giữa nhạc Jazz và âm nhạc dân tộc. “Đó là bài toán khó, bởi tôi chưa từng nghĩ có ngày nhạc Jazz sẽ vang lên cùng các nhạc cụ dân tộc. Nếu sự kết hợp này thành công, được khán giả đón nhận, sẽ là tín hiệu tốt để chúng tôi tiếp tục sáng tạo. Tôi biết nếu chỉ đi theo một màu sắc âm nhạc, bản thân phải liên tục tìm tòi, làm mới liên tục, vì nếu không, khán giả sẽ thấy nhàm chán. Nhưng hiện tại, kho chất liệu âm nhạc dân tộc vẫn còn rất nhiều để khai thác, nên điều quan trọng là tôi có đủ khả năng thực hiện hay không mà thôi”, K-ICM chia sẻ. Nhà sản xuất trẻ cũng tìm cách đưa các sản phẩm âm nhạc phát hành trên nhiều nền tảng có độ phủ sóng lớn, nhằm tiếp cận nhanh chóng hơn với khán giả quốc tế.
Ước mơ của K-ICM cũng là điều mà nhiều ca sĩ Việt khác mong muốn khi chọn cách kết hợp giữa dân gian và nhạc hiện đại. Như Hoàng Thùy Linh, con đường cô đang đi cũng hướng tới mục đích xa hơn, không chỉ chinh phục được khán giả trong nước, mà còn có thể quảng bá văn hóa Việt thông qua âm nhạc.
Chinh phục khán giả quốc tế là hành trình dài, bởi khó có thể nhìn thấy ngay kết quả hay sự ảnh hưởng bước đầu, nhưng xét về tiềm năng, một số sản phẩm nhạc Việt hiện tại hoàn toàn có khả năng tạo ra kỳ tích. Đặt trong thời điểm các nền tảng mạng xã hội, kênh phát hành phủ sóng toàn cầu, việc đưa nhạc Việt vừa có yếu tố truyền thống, vừa hiện đại ra ngoài lãnh thổ đã không còn quá khó. Vấn đề còn lại, là trong từng sản phẩm, người làm nhạc phải thực hiện chỉn chu, sáng tạo, thì giấc mơ nhạc Việt xuất ngoại mới mong trở thành sự thật.