Khi các thầy, cô giáo trẻ quyết tâm ra khỏi “lối mòn”

Một buổi dạy Giáo dục công dân của thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM).
Một buổi dạy Giáo dục công dân của thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Họ là những giáo viên trẻ ở thành phố mang tên Bác, giàu nhiệt huyết, đầy lòng yêu nghề, luôn muốn tìm những lối đi mới, sáng tạo ra những phương pháp dạy mới để đem những điều tốt đẹp nhất đến với học trò của mình.

Tìm ra những “lối đi mới”

Yêu cầu của giáo dục trong thời đại hiện nay là hướng đến đổi mới phương pháp dạy học, tăng hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục… Và những giáo viên trẻ chính là những người thầy cực kì năng động, nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, ứng dụng công nghệ hiện đại và các phương pháp mới lạ đến tự sáng tạo cá nhân để biến những giờ học tưởng chừng khô khan thành những buổi “thực hành kiến thức” đầy lý thú.

Trong nhiều năm qua, thầy giáo Lê Thiên Phúc, giáo viên môn Sinh học và Công nghệ, Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM đã triển khai rất nhiều chuyên đề để dạy học theo định hướng STEM cho học sinh.

Một trong những chuyên đề thú vị nhận được kết quả rất tích cực mà thầy xây dựng là chuyên đề kết hợp môn Công nghệ lớp 10 với các kiến thức về phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi, nông - lâm - ngư - thủy sản, lương thực - thực phẩm, tài chính- doanh nghiệp... và môn Sinh học ở học kì 1 của lớp 11 với kiến thức về thực vật. Mục tiêu của chuyên đề là nhằm giúp học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn; tự tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng có trong các loại rau củ quả để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.

Học sinh được chia thành nhóm, tổ chức các buổi ghi nhận về an toàn thực phẩm trong thực tế tại gia đình và các chợ, thông qua cách thức phỏng vấn và ghi lại bằng quay clip, chụp ảnh. Học sinh còn được tham gia hoạt động tự chuẩn bị bữa ăn ngon, an toàn cho nhóm của mình.

Sau những tiết học lý thú ấy, học sinh đã trang bị cho mình kiến thức về thực phẩm an toàn, tươi ngon, kĩ năng tính toán khẩu phần ăn cho bản thân và gia đình, kĩ năng đi chợ, nấu ăn...

Đồng thời, những tiết học mới lạ ấy còn khiến các em tăng cường thêm các kĩ năng “mềm” rất cần thiết cho sau này như làm việc đội nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào làm việc, kĩ năng thuyết trình, giao tiếp...

Với những chuyên đề thú vị ấy, thầy giáo Lê Thiên Phúc đã nhận nhiều giải thưởng về sáng tạo trong công tác giảng dạy như giải Khuyến khích cấp thành phố khi tham gia Cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin” do Sở GD&ĐT TP HCM phối hợp với Microsoft tổ chức, giải Nhất tại Cuộc thi “Sáng kiến Cộng đồng năm 2018” do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức...

Thầy giáo Lê Thiên Phúc (Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM) bên các học trò.

Thầy giáo Lê Thiên Phúc (Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM) bên các học trò.

Năm nay, Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 đã vinh danh 8 giáo viên mầm non. Mỗi một cô giáo, với cách làm mới mẻ của riêng mình, đã khiến cho học trò mầm non được thụ hưởng những phương pháp dạy mới mẻ, lý thú, đi cùng tình thương của các cô dành cho học trò nhỏ. Như cô giáo Nguyễn Thị Trang Thanh, Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 12) đã ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Là một trong những giáo viên đầu tiên của quận 12 được cử đi học tập kỹ năng dạy học với bảng tương tác, cô đã mạnh dạn sử dụng các phần mềm công nghệ đổi mới hoạt động dạy trẻ làm quen với chữ cái. Trên nền bảng tương tác, học sinh dễ dàng phân biệt chữ cái qua màu sắc và hình dạng, chọn màu để tô chữ hoặc gạch chân chữ muốn lựa chọn, qua đó tăng thêm khả năng ghi nhớ kiến thức cho học sinh.

Hay cô giáo Nguyễn Duy Anh Tâm, Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7) đã thiết kế nên giờ học không giấy bút, tranh ảnh mà dùng phương pháp “kể chuyện bằng xúc xắc”, thông qua các con xúc xắc bằng vải để học sinh lần lượt kể nên những câu chuyện do chính mình sáng tác. Phương pháp này giúp hoc sinh hứng thú, vui vẻ, lại giúp các em phát triển tư duy.

Để học trò yêu mỗi giờ thầy cô dạy

Đối với các thầy, cô giáo dạy các môn học thuộc về xã hội như Văn, Sử, Địa hay cả... Giáo dục công dân, để học sinh yêu thích, có hứng thú với môn học quả không dễ dàng. Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý “coi nhẹ” các môn học xã hội, hoặc vì coi là “phụ”, hoặc vì không nằm trong kế hoạch ôn luyện của các em nhắm đến những ngành học cho tương lai.

Chính vì thế, để học sinh chú ý và yêu thích môn học, các thầy, cô giáo phải tâm huyết, nhiều nỗ lực sáng tạo vượt bậc.

Như cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh sinh năm 1992, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM. Điều khiến môn Văn của cô được các học sinh đón nhận, đó là bởi cô thực sự yêu bộ môn mình giảng dạy và lồng ghép các cảm xúc của mình vào mỗi một bài giảng.

Dạy Văn, cô lập nên nhiều chương trình rất thú vị mang đầy tính tương tác. Như dự án “Thế giới có bao xa” về văn học nước ngoài, thực hiện với học sinh lớp 10 và lớp 11. Cô giáo trẻ cho học sinh mở gian hàng, thuyết trình, đóng kịch… để tìm hiểu về các quốc gia có tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn.

Dạy học liên môn Ngữ văn - Lịch sử, cô giáo Quỳnh Anh mời các nghệ sĩ nhạc dân tộc tới trình diễn. Trong tiết học của cô, học trò được trải nghiệm cách đánh đàn, tương tác với nghệ sĩ bằng cách đọc lên bài ca dao để nghệ sĩ diễn tấu. Cô giáo trẻ còn thực hiện dự án liên quan đến tác phẩm văn học trong nước.

Cô giáo trẻ, với cách dạy học đặc biệt ấy đã khiến đám học trò nhỏ ngập tràn cảm xúc sau mỗi tiết học, từ đó khơi gợi niềm yêu thích, hứng thú đối với các tác phẩm văn học, với văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nước nhà, chịu tìm tòi đọc thêm các tư liệu, tác phẩm bên ngoài giáo trình. Đó là một thành công, một niềm vui lớn với người làm công tác giảng dạy.

Một người thầy yêu nghề, thầy Nguyễn Đức Huy, giáo viên Trung tâm GDTX quận 4, TP HCM thì đưa chương trình giảng dạy môn Văn lên Internet. Với phương pháp riêng của mình, thầy ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học Văn cho học sinh. Thầy hướng dẫn học sinh tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ độc lập, học sinh tự viết blog, soạn giáo án điện tử làm thơ, sáng tác văn học, viết nhật kí... Biến giờ học thành giờ “vui mà học” của các em.

Văn học đã khó, dạy Giáo dục công dân mà khiến các em học sinh “mê” thì càng khó hơn. Và thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM) đã làm được điều ấy. Hàng chục năm nay, thầy Tuấn Anh chính là một “hiện tượng” trong đổi mới giảng dạy tại TP HCM. Giờ dạy của mình, thầy Tuấn Anh rất “bắt kịp” thời sự khi đưa các vấn đề nóng hổi của xã hội, phù hợp với tiết học để thông qua đó phân tích, giảng dạy, tương tác với học sinh.

Thầy còn dùng các phương pháp trực quan sinh động khác như cho học sinh đóng kịch, kết hợp nghe nhạc, thưởng thức nghệ thuật... Những bài học sinh động nhưng sâu sắc của thầy truyền tải đã chạm được cảm xúc của học sinh. Trong nhiều giờ học, cảm em đã khóc vì cảm động.

Thầy Tuấn Anh cũng triển khai những dự án truyền cảm hứng về sống đẹp cho đội viên, học sinh thành phố thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện và chia sẻ trên mạng xã hội với thiếu nhi.

“Giờ đây, các em học sinh có nhiều điều kiên để học tập, trau dồi kiến thức, có nhiều cơ hội để sau này có thể phát triển để thành công, giàu có. Nhưng điều cần trước hết là tạo cho các em một nền tảng về đạo đức, ý thức công dân. Có như thế, sau này dù các em có thành công hay không, cũng trở thành những người tốt, sống hữu ích. Đó là mong muốn của tôi, tất cả nỗ lực của tôi cũng hướng đến mục tiêu ấy”, thầy Tuấn Anh đã chia sẻ như thế.

Công việc giảng dạy vất vả, nhiều áp lực, thu nhập không cao, những thầy, cô giáo có thể chọn con đường dễ đi, chọn những phương pháp an toàn để giảng dạy, thế đã đáng quý lắm rồi. Nhưng, những thầy, cô giáo ấy đã chọn cho mình con đường khó, đi ra khỏi lối mòn, tìm cách để trao truyền những giá trị tốt đẹp nhất của việc học đến với học trò. Họ không chỉ là những người trẻ tâm huyết, yêu nghề mà còn đầy dũng cảm và trách nhiệm với trọng trách của nghề cao quý mà họ đang mang.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?