Cân nhắc thận trọng một số chính sách
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay, 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của TP; tiếp thu có chọn lọc những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thời gian qua; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, thực tế, hiện nay cả nước có 5 TP trực thuộc Trung ương thì có 3 TP đã áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.
Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù và khác với quy định của luật thì quy định trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đúng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với dự thảo Nghị quyết, theo đó, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở các quận, phường tại TP. Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Mô hình này cũng tương tự như mô hình đang được thực hiện tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định rất nhiều nội dung khác với quy định của pháp luật hiện hành. Điển hình là quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Theo Đại biểu, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết thì chính quyền địa phương ở các quận tại TP Hải Phòng là UBND quận. Đồng thời, Khoản 3 Điều 1 quy định chính quyền địa phương ở các phường tại TP Hải Phòng là UBND phường. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 44 và Điều 58 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cấp chính quyền địa phương ở quận gồm có HĐND quận và UBND quận. Cấp chính quyền địa phương ở phường gồm có HĐND phường và UBND phường.
Bên cạnh đó, tại Điều 8, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng có quy định UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND.
"Vì vậy, nếu không phải là Nghị quyết thí điểm mà quy định cấp chính quyền địa phương chỉ có UBND như dự thảo quy định là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”, Đại biểu phân tích.
Hay như quy định về phân cấp, phân quyền, theo Đại biểu, tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định UBND TP Hải Phòng quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hải Phòng cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP Hải Phòng, UBND quận huyện, TP.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng phát biểu tại phiên họp. |
Từ những ví dụ nêu trên, Đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết có rất nhiều nội dung khác với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó cần phải cân nhắc thận trọng một số chính sách quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị trong tương lai.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cả nước hiện có 5 TP trực thuộc Trung ương nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các TP này không giống nhau. Vì vậy, khi ban hành cũng như tổ chức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, phải nghiên cứu, rút được kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện trước đó.
Lưu ý việc ban hành thêm một Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng cũng sẽ làm tăng thêm tình trạng thiếu thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị trên cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ, ngành quan tâm, giúp Hải Phòng tổ chức được chính quyền đô thị một cách thuận lợi, không làm phát sinh những vấn đề như tại một số địa phương vừa qua.
“Chúng ta phải khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Nếu không làm như vậy, tới đây có địa phương nào lại đề xuất được áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội phải xem xét từng địa phương thì cũng rất khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm đánh giá, tổng kết thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại 10 địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện, qua đó xem chính sách nào phù hợp, hiệu quả có thể áp dụng chung thì nghiên cứu luật hóa, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước.
“Quốc hội quyết định vấn đề chung cho cả nước thực hiện, không thể đặc thù cho nơi này mà không đặc thù cho nơi khác. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cũng chỉ ra rằng, hiện nay, các TP trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc Hội.
Do đó, Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua.
Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.