Theo báo cáo của các bộ, ngành thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, tính đến tháng 10/2017, 100% các Bộ, ngành đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục thông tin pháp luật hoặc cung cấp văn bản pháp luật trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và góp ý đối với dự thảo văn bản. Một số bộ, ngành đã xây dựng các cơ sở dữ liệu pháp luật và đã xây dựng, phát hành các Bản tin liên quan đến hoạt động của DN để kịp thời cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành cũng như những nghiên cứu, bình luận, trao đổi các nội dung VBQPPL liên quan đến hoạt động của DN.
Năm 2017, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành Trang hỗ trợ pháp lý cho DN trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Còn tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính có trang Thông tin pháp luật Tài chính thường xuyên giới thiệu văn bản, điểm tin văn bản pháp luật mới cho DN. Là một trong những Bộ đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật để phổ cập thông tin và hoạt động xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, cơ chế chính sách đến các đối tượng quan tâm, đặc biệt là cộng đồng DN, Bộ Công Thương đã xây dựng chuyên trang Thông tin pháp luật Công Thương. Còn Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và duy trì các chuyên mục “VBQPPL”, “Lấy ý kiến dự thảo VBQPPL”, “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải”, “Bộ thủ tục hành chính” giúp các DN được tiếp cận, tra cứu thuận tiện, sử dụng miễn phí các thông tin, quy định pháp luật để điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động của mình.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, ngoài trang chính thì các đơn vị của Bộ như Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng và vận hành 2 cơ sở dữ liệu về đơn và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về VBQPPL trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng liên quan đến hoạt động của DN đăng tải trên trang thông tin điện tử. Còn Thanh tra Bộ cập nhật thường xuyên các VBQPPL về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giúp DN khai thác, sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh.
Ở địa phương, tính đến tháng 10/2017, 100% các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử của địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật tập hợp các VBQPPL do địa phương ban hành, đăng tải các VBQPPL liên quan đến hoạt động của DN như thuế, hải quan, tổ chức DN, đầu tư… Nhiều Sở Tư pháp còn xuất bản các bản tin, báo để cung cấp thường xuyên các thông tin pháp luật cho DN.
Việc xây dựng và vận hành các Trang thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của DN tại các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã góp phần cung cấp thông tin về các văn bản pháp lý cho DN, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Nhiều trang thông tin được xây dựng, hoạt động nhưng không được đầu tư duy trì dẫn đến thông tin chưa được cập nhật thường xuyên. Việc DN tiếp cận thông tin pháp lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi gần 60% DN được hỏi thông qua phiếu khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp có ý kiến về việc khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến các biểu mẫu, thủ tục hành chính cho DN; gần 70% DN có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và gần 80% DN có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến kế hoạch và quy hoạch.
Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của chuyên trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho DN trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp để hỗ trợ các địa phương trong việc giải đáp pháp luật cho DN, đảm bảo giải đáp pháp luật một cách thống nhất, nhanh chóng, thuận tiện cho DN; thí điểm các hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN hiệu quả như online, mạng lưới tư vấn pháp luật… Cùng với đó, cần thiết thành lập hoặc bố trí một bộ phận cán bộ chuyên trách để điều hành hoạt động trang thông tin này nhằm tạo kênh chính thức của Nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.