Năm 2017, đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục được hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, tạo điều kiện củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ ở tất cả các cấp. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/10/2017, số cán bộ tư pháp - hộ tịch đạt 18.768 người, trong đó có 17.534 công chức và 1.234 cán bộ hợp đồng, trong đó 7.213/11.224 xã, phường, thị trấn đã bố trí từ 02 người trở lên – bao gồm cả cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng (chiếm 64,2% xã, phường, thị trấn trên cả nước); đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ từ Trung cấp Luật trở lên là 87,7%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết mâu thuẫn về tăng khối lượng công việc với giảm biên chế trong các cơ quan tư pháp, pháp chế; công chức tư pháp - hộ tịch tư pháp cấp xã thường xuyên biến động. Trong đó, đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch giảm 111 người.
Nhiều nơi, đặc biệt các tỉnh miền núi, đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, phường còn rất thiếu, trong khi khối lượng công việc không ngừng tăng. Đơn cử ở Cao Bằng, số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã là 309 người/199 xã phường, thị trấn. Trong đó có 206 xã có 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch, 3 xã có 3 cán bộ. Còn lại chỉ có 1 cán bộ tư pháp/xã. Hay ở Bắc Kạn, toàn tỉnh có 187 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã /122 xã phường, thị trấn (có 70 xã đã bố trí được 2 công chức tư pháp - hộ tịch).
Theo phản ánh của nhiều địa phương khác, trong khi số lượng biên chế cán bộ tư pháp hộ tịch eo hẹp thì đội ngũ này vẫn phải kiêm nhiệm làm thêm nhiều công việc khác nhau. Do đó, nhiều địa phương đề nghị, Bộ Tư pháp tham mưu, có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ số lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để đảm đương nhiệm vụ, bố trí cán bộ chuyên trách hộ tịch, tránh việc công chức tư pháp - hộ tịch đảm đương nhiều nhiệm vụ công tác tư pháp như hiện nay.
Trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp giúp các địa phương có cơ sở bố trí đủ số lượng công chức tư pháp - hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Các văn bản nêu trên đều khẳng định việc bố trí số lượng công chức cấp xã cần ưu tiên bố trí thêm cho chức danh tư pháp - hộ tịch, ưu tiên bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều và không bố trí công chức tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm công tác khác.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Hàng năm, Bộ Tư pháp đều thực hiện rà soát, tổng hợp tình hình tổ chức - cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương để kịp thời kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm bố trí, kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định về phân cấp quản lý biên chế và bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy hiện nay, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối từ nguồn biên chế được giao của tỉnh, có giải pháp cụ thể để bố trí, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch theo quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV và các văn bản có liên quan, bên cạnh đó tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, báo cáo Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến đặc thù công tác tư pháp ở cấp xã để bố trí hợp lý đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.