Khắc phục tình trạng “thiếu thật, thừa ảo” nhân lực điều dưỡng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm và đưa ra thảo luận tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng toàn quốc năm 2022, vừa được Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chưa phát huy được vai trò của điều dưỡng

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện.

Trong thời gian qua, hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng đã bước đầu được thành lập ở các cấp. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh. “Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là “nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ”.

Đáng nói, điều dưỡng không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như lĩnh thuốc, lĩnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa… Khối lượng công việc lớn gây áp lực lên điều dưỡng và ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả chăm sóc người bệnh.

Ngoài ra, các điều dưỡng cũng chịu thiệt thòi khi các chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là phẫu thuật, thủ thuật do các bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp được đưa rất ít vào danh mục bảo hiểm y tế thanh toán.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, thiếu điều dưỡng và có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện. Trong đó, có những nguyên nhân sự đãi ngộ trong nền kinh tế thị trường và tự chủ bệnh viện khiến công sức lao động của người điều dưỡng chưa được đãi ngộ tương xứng; Vị thế vai trò của người điều dưỡng đã được quan tâm nhưng nhiều Sở Y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của người điều dưỡng.

Một số quy định của Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp khiến một số phòng điều dưỡng có xu hướng bị sáp nhập vào các phòng khác nếu không có đủ 7 biên chế khiến vai trò quản lý điều dưỡng yếu đi, trong khi chăm sóc điều dưỡng đóng vai trò trụ cột chuyên môn quan trọng của bệnh viện. Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ điều dưỡng được giao trách nhiệm, quyền hạn nhưng cũng chưa phát huy được vai trò của mình…

Tìm cách khắc phục

Cũng theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề. Tỷ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ khoảng 1,8. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển, nhân lực điều dưỡng của Việt Nam “thiếu thật, thừa ảo”. Chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hàng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Còn theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015, cứ 4 điều dưỡng mới ra trường thì chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.

Hiện Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện có nhiều nội dung mới như: quy định việc đặt người bệnh là trung tâm của quá trình chăm sóc, người bệnh vào viện phải được quan tâm, chăm sóc đáp ứng 14 nhu cầu chăm sóc cơ bản, đẩy mạnh chăm sóc đa ngành.

Trao quyền chủ động nhiều hơn cho điều dưỡng như thực hiện nhận định lâm sàng, chẩn đoán điều dưỡng, phân cấp chăm sóc, phối kết hợp với các chức danh chuyên môn trong bệnh viện để triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc người bệnh.

Trao quyền điều hành và hoạt động của hệ thống quản lý điều dưỡng trong bệnh viện mà đứng đầu là trưởng phòng điều dưỡng, sau đó là các điều dưỡng trưởng ở các khoa lâm sàng từ quản lý nhân lực, điều hành công việc hàng ngày cho đến đề xuất tuyển dụng, đào tạo liên tục và đề xuất mua sắm vật tư, trang thiết bị liên quan đến hoạt động chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; quy định phương tiện, trang thiết bị tối thiểu phục vụ chăm sóc người bệnh; gắn trách nhiệm và sự tham gia của các Khoa, Phòng chức năng vào quá trình và chất lượng chăm sóc người bệnh...

Thông tư này góp phần đổi mới vai trò, vị thế của điều dưỡng trong hành nghề, chuyển từ thụ động sang chủ động; đầu tư và phát triển công tác điều dưỡng bảo đảm thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, trong giai đoạn tới hội nhập ASEAN, hội nhập quốc tế, cần phải thay đổi phương thức hoạt động của điều dưỡng. Để đề cao vai trò điều dưỡng trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022 - 2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện. Chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú trên 80%; có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.