Kết thúc tốt đẹp Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) lần thứ 17

Kết thúc tốt đẹp Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) lần thứ 17
(PLO) - Ngày 17/5/2017 tại thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia, Hội nghị lần thứ 17 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày làm việc khẩn  trương, liên tục. Trước thềm ASLOM cũng đã diễn ra cuộc họp Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN do Xinh-ga-po chủ trì. Đoàn cán bộ liên ngành Tư pháp, Công an, Kiểm sát của Việt Nam do Bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn đã tham dự và đóng góp tích cực cho Hội nghị. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng cử đại diện tham dự sự kiện này. 

Bên lề Hội nghị, Trưởng ASLOM Việt Nam Đặng Hoàng Oanh cũng đã có các cuộc gặp và thảo luận song phương với 5/9 trưởng các đoàn Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Lào để thảo luận một số vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp song phương giữa Việt Nam với các nước nói trên, qua đó thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực ASEAN.

Mục đích của ASLOM 17 là kiểm điểm, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nội dung, sáng kiến trong lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia thành viên ASEAN kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM 9) được tổ chức tại Bali, Indonesia tháng 10 năm 2015 đến nay; bàn công tác chuẩn bị tổ chức ALAWMM 10, dự kiến được tổ chức tại Lào vào năm sau, 2018. 

Các vấn đề chính được đề cập, rà soát, thảo luận và thống nhất tại ASLOM 17 được chia thành 5 nhóm: (i) Những vấn đề chung về hợp tác qua phát biểu của các Trưởng đoàn; (ii) Nhóm nội dung về thông tin pháp luật; (iii) Nhóm nội dung về tư pháp hình sự; (iv) Nhóm nội dung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại; và (v) các Sáng kiến, nội dung khác.

Bài viết dưới đây tóm tắt những nội dung và kết quả chính của ASLOM 17 và các cuộc gặp song phương, bao gồm 4 phần: (1) Mục đích và nội dung của Hội nghị; (2) Kết quả Hội nghị; (3) Các cuộc gặp song phương; (4) Đánh giá và Kiến nghị.

I. Những vấn đề chung về hợp tác qua phát biểu của các Trưởng đoàn   

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Chưởng lý Malyasia cùng trưởng đoàn các nước thành viên đều bày tỏ vui mừng trước những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế  ASEAN đã được hình thành từ cuối 2015, nhấn mạnh vai trò quan trọng ngày càng lớn của của hợp tác pháp luật và tư pháp, đặc biệt là thông qua cơ chế Hội nghị ALAWMM và ASLOM, trong việc hỗ trợ đạt được sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực ASEAN. Nhận thức việc xây dựng nhà nước pháp quyền là nhân tố chính trong  tiến trình thúc đẩy hội nhập ASEAN nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra, các nước thành viên đều cam kết thực thi những hành động thích hợp kịp thời để ASLOM và ALAWMM hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan khác của ASEAN và đồng thời, đóng vai trò chủ động trong hợp tác với các tổ chức khác trong khu vực và trên trường quốc tế nhằm xây dựng một một khung khổ pháp lý hoàn thiện, đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập trong khu vực Đông Nam Á, nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết sâu rộng hơn, vững mạnh hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực.   

Trưởng đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 17 - bà Đặng Hoàng Oanh - đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN  từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, từ một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á đã trở thành  một thiết chế liên kết chặt chẽ, một bộ máy hoàn chỉnh và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng; nhận thức những thời cơ, vận hội mới cũng như những thách thức không nhỏ cần vượt qua trước bối cảnh đã thành lập cộng đồng của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Bà Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và khẳng định bí quyết tạo nên một ASEAN như hôm nay chính là ở tinh thần đoàn kết vì mục tiêu xây dựng “một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung”. . Việt Nam nhất trí với các nước thành viên, cho rằng các mục tiêu và khuôn khổ cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong những năm tới nói riêng và mục tiêu xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN trong tương lai nói chung không thể hoàn thành nếu thiếu một nền tảng pháp lý vững chắc, nhằm cụ thể hóa các cam kết chính trị thành các ràng buộc mang tính pháp lý giữa các quốc gia thành viên, hoạt động theo pháp luật và lấy người dân làm trung tâm. Trong bối cảnh đó, việc củng cố, tăng cường vai trò của Hội nghị ALAWMM và ASLOM càng cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

1. Nhóm nội dung về hợp tác thông tin pháp luật

Các nội dung về thông tin pháp luật, bao gồm (i) Thiết lập danh bạ các cơ quan pháp luật ASEAN; (ii) Trao đổi các đoàn cán bộ pháp luật sang khảo sát giữa các quốc gia thành viên ASEAN; (iii) Chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN (AGLOP); (iv) Cơ quan đầu mối thông tin pháp luật ASEAN; (v) Tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN... là các nội dung được thực hiện định kỳ và thường xuyên với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu cũng như cập nhật, chia sẻ thông tin pháp luật giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Về trao đổi các đoàn cán bộ pháp luật và thực hiện Chương trình đào tạo cán bộ ASEAN (AGLOP): ASLOM 17 tiếp tục ghi nhận những biến chuyển tích cực và kết quả đạt được cũng như đánh giá cao việc tham gia của Xinh-ga-po, Thái Lan, Indonexia và đặc biệt là Việt Nam vào các hoạt động này bằng việc cử và tiếp nhận nhiều đoàn cán bộ của các nước thành viên sang học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tham gia các diễn đàn pháp luật trong khu vực.

Về Diễn đàn pháp luật ASEAN, Hội nghị đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao  việc Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mối liên hệ với ASEAN” với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN, đại diện Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và nhiều chuyên gia đến từ Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Thụy Sỹ.

Diễn đàn nói trên là sự tiếp nối thành công kết quả của Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 năm 2008 với chủ đề “Tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại”, nhằm tiếp tục triển khai Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường trương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy kết nối giữa các nước thành viên ASEAN và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, nâng cao nhận thức của khu vực về tầm quan trọng của hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp quốc tế. Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Sáng kiến, Việt Nam đang xây dựng đề xuất gửi Ban Thư ký ASEAN và một số Quỹ hợp tác ASEAN về việc tổ chức một số Hội thảo chuyên sâu về nội dung này. Các nước thành viên nhất trí nên tiếp tục tổ chức Diễn đàn Pháp luật ASEAN về những nội dung mà các bên quan tâm nhằm triển khai các Sáng kiến đã được ALAWMM  thông qua như hài hòa hóa pháp luật thương mại, hợp tác về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tăng cường tiếp cận công lý, trao quyền pháp lý cho người nghèo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, buôn bán người qua biên giới, phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia....

2.  Nhóm nội dung về hợp tác trong lĩnh vực  tư pháp hình sự

Hợp tác về tư pháp hình sự là các các nội dung truyền thống và được bắt đầu sớm trong khuôn khổ ALAWMM và ASLOM với sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia thành viên ASEAN. Nhiều nội dung hợp tác về tư pháp hình sự đã được thảo luận và đánh giá về tiến độ, kết quả đạt được tại ASLOM lần này. Hội nghị đánh giá cao những thành công đạt được trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, đặc biệt là việc tất cả các nước thành viên đã phê chuẩn và tích cực thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự giữa các nước thành viên ASEAN (MLAT), xây dựng Hiệp định mẫu song phương về hợp tác trong lĩnh vực dẫn độ...

Về Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự giữa các nước thành viên ASEAN (MLAT): Việt Nam thông báo với các nước thành viên về việc đang tiến hành các thủ tục nội bộ để xem xét, quyết định việc Việt Nam đăng cai tổ chức Phiên họp lần thứ 8 Nhóm công tác về Hiệp định này trong năm 2018.

Việt Nam cũng cập nhật thông tin ngoài cơ chế hợp tác đa phương thông qua Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định song phương về lĩnh vực này với Lào vào 6/7/1998 (có hiệu lực vào 19/2/2000); với In-đô-nê-xi-a vào tháng 6/2013; đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định với Cam-pu-chia và liên hệ thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về Hình sự với Thái Lan, Mi-an-ma và CHDCND Lào.

Để thực hiện tốt Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Việt Nam đề xuất các nước thành viên ASEAN cần thúc đẩy thực hiện các hoạt động rà soát, báo cáo, đánh giá tình hình tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước kể từ khi Hiệp định có hiệu lực cho đến nay; Tăng cường cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin nhanh và thuận tiện hơn giữa các quốc gia thành viên để bảo đảm thực hiện tốt Hiệp định; Nghiên cứu và tiến tới ký kết Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước trong khu vực, với những đặc thù của các nước láng giềng trên cơ sở khung của Hiệp định mẫu và; Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo khu vực liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự để các quốc gia thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp cũng như đưa ra được các giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc.

Về  xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ (MAET): Chia sẻ quan điểm với một số nước thành viên khác, Việt Nam mong muốn có cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ giữa các nước ASEAN với hình thức song phương hoặc đa phương. Tuy nhiên, dẫn độ là vấn đề phức tạp nên mỗi nước sẽ có quy định pháp luật khác nhau và các phương thức áp dụng cũng khác nhau. Việt Nam cho rằng nên xây dựng Hiệp định mẫu về dẫn độ để trên cơ sở đó, các nước thành viên có thể đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về nội dung này. ASLOM nhất trí việc các nước thành viên tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện dẫn độ trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp định mẫu và vào thời điểm thích hợp, sẽ xem xét khả năng xây dựng một Hiệp định dẫn độ trong khu vực mang tính ràng buộc pháp lý.  Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Hiệp định mẫu.

Ngoài việc tham gia Xây dựng Hiệp định mẫu khu vực về dẫn độ, Việt Nam cũng thông báo với Hội nghị việc chúng ta đã ký Hiệp định dẫn độ với Vương quốc Cam-pu-chia và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a; chuẩn bị đàm phán Hiệp định về dẫn độ với Lào và đang trao đổi với Thái Lan về chủ trương đàm phán Hiệp định song phương về dẫn độ.

 Xây dựng Luật mẫu về an ninh hàng hải: Ma-lai-xi-a - nước chủ động đưa ra Sáng kiến này đã có báo cáo đánh giá những tồn tại trong việc triển khai xây dựng Luật mẫu trên cơ sở tập hợp ý kiến của tất cả các quốc gia thành viên và đề xuất rút Sáng kiến này khỏi chương trình thảo luận của ASLOM. Đề xuất này đã được các nước thành viên nhất trí. Việt Nam đánh giá cao đề xuất của Malaysia cùng quyết định của ASLOM và cho rằng đây là cách tiếp cận mạnh dạn và thực tế hơn trong ASEAN, nhằm hạn chế việc các nước thành viên đề xuất nhiều Sáng kiến không có tính khả thi trong thời gian vừa qua. 

         3. Nhóm nội dung về  hợp tác trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại

Hài hoà hoá pháp luật thương mại ASEAN

Hội nghị đã nghe các nước thành viên cập nhật thông tin về triển khai Sáng kiến này qua việc xây dựng, ban hành nhiều quy định pháp luật về trọng tài, thương mại điện tử, mua bán hàng hoá quốc tế, giới thiệu những công cụ pháp lý tiên tiến trong các lĩnh vực chính của pháp luật thương mại như mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử, trọng tài... cũng như tạo cơ hội để các nước thành viên chia sẻ những bước phát triển mới về quy định pháp luật quốc gia liên quan đến Sáng kiến này.

Hội nghị đánh giá cao Việt Nam trong bước tiến mới của chúng ta nhằm  thực hiện Sáng kiến này, thể hiện ở việc ngày 18/12/2015, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn việc gia nhập Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 để trở thành thành viên thứ 84 của Công ước. Công ước có hiệu lực ràng buộc với Việt Nam từ ngày 1/1/2017.

Cụ thể, Hội nghị đã ghi nhận báo cáo của Trưởng nhóm công tác ASLOM về Hài hòa hóa pháp luật thương mại với những nội dung cụ thể như sau:

a)    Về lĩnh vực trọng tài, một số nước thành viên cập nhật về những thay đổi trong nội luật nước mình liên quan đến nội dung này. Tính đến nay, tất cả các nước thành viên ASEAN đều đã là thành viên của Công ước New York về Công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài năm 1958 (Công ước New York). Hầu hết hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này của các nước ASEAN đều là những quy định được chỉnh sửa lại cho phù hợp trên Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài. Nhóm công tác đã nhất trí đề nghị các nước thành viên sớm cung cấp tài liệu về pháp luật trọng tài với ghi chú rõ về những sửa đổi so với Luật Mẫu của UNCITRAL về trọng tài để trình Ban Thư ký Nhóm Công tác để hoàn thiện và gửi cho các thành viên.

b)   Về Bản Hướng dẫn của Hiệp hội Luật gia Châu Á (ALA) về việc Công nhận phán quyết của Trọng tài, Nhóm Công tác nhất trí việc Ban Thư ký Thư ký Nhóm Công tác sẽ gửi các dự thảo Sổ tay hướng dẫn thực hành lấy ý kiến thành viên Nhóm Công tác. Ban Thư ký và Trưởng Nhóm Công tác sẽ thảo luận để tìm một vị trí chung cho nhóm công tác về nội dung này và gửi tới Hiệp hội Luật gia Châu Á (ALA) để thiết chế này phản hồi. Nếu cần thiết, sẽ tổ chức buổi làm việc với đại diện của ALA để thảo luận các dự thảo này. Trưởng Nhóm Công tác cũng đề xuất, sau khi văn kiện này được hoàn thiện, sẽ có thể trình lên ASLOM với khuyến nghị ALAWMM phê duyệt các Hướng dẫn này tại kỳ họp tới. Sau khi được thông qua, các Hướng dẫn này sẽ được gửi tới các tổ chức trọng tài các nước thành viên ASEAN.

c)   Về Hội đồng tư vấn: ALA đã hỗ trợ xác định các ứng viên cho Hội đồng Tư vấn nhằm trợ giúp các nước thành viên trong việc triển khai pháp luật trọng tài của mình. Nhóm công tác nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề còn “vướng” này trong nội dung tăng cường cơ chế phối hợp và hợp tác giữa ALA với ASLOM.

d)   Về hài hòa hóa các quy định của pháp luật liên quan đến Mua bán Hàng hóa Quốc tế, các thành viên Nhóm công tác thông tin việc các nước thành viên ASEAN vẫn đang trong tiến trình giải quyết các vấn đề nội bộ và nâng cao năng lực của các nước thành viên nhằm hỗ trợ việc gia nhập Công ước Viên về Mua bán Hàng hóa Quốc tế (CISG). Một số nước thành viên chia sẻ thông tin về việc đang chuẩn bị các thủ tục gia nhập CISG. Việt Nam cũng cập nhật thông tin về việc đã gia nhập và trở thành thành viên thứ 84 của Công ước CISG. 

e)    Liên quan đến nội dung Hài hòa hóa pháp luật về Thương mại Điện tử, Hội nghị ghi nhận việc tất cả thành viên Nhóm Công tác đều không phải là cơ quan xây dựng chính sách về lĩnh vực này ở các quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhiều nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp luật cần thiết điều chỉnh lĩnh vực này. Hội nghị ghi nhận hầu hết thành viên Nhóm Công tác thuộc các nước đã xây dựng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử trên cơ sở Luật Mẫu UNCITRAL 1995 về Thương mại Điện tử. Những quy định này chưa đầy đủ vì chúng không điều chỉnh các giao dịch thông qua Internet. Hội nghị cũng ghi nhận Công ước Liên hợp quốc năm 2005 về Sử dụng Giao dịch Điện tử trong Hợp đồng Quốc tế (ECC) đã cập nhật về nội dung này. Một số thành viên Nhóm Công tác đề xuất ASLOM có thể xây dựng một Luật Mẫu ASEAN về giao dịch điện tử nhằm điều chỉnh các nội dung  cả về thương mại điện tử, định danh diện tử cũng như nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên Nhóm Công tác, trong đó có Việt Nam.

f)    Nhóm Công tác cũng ghi nhận báo cáo của Singapore về việc nước này mới thành lập Tòa Thương mại quốc tế Singapore (SICC), cơ quan có thể coi như một công cụ trong việc hài hòa hóa việc diễn giải các quy định về pháp luật thương mại.

Tăng cường Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các nước ASEAN

Các nước thành viên ASEAN đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mối liên hệ với ASEAN” vào tháng 11/2016.

Diễn đàn này là sự tiếp nối thành công kết quả của Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 năm 2008 với chủ đề “Tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại”, nhằm tiếp tục triển khai Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường trương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy kết nối giữa các nước thành viên ASEAN và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, nâng cao nhận thức của khu vực về tầm quan trọng của hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp quốc tế. Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Sáng kiến, Việt Nam đang xây dựng đề xuất gửi Ban Thư ký ASEAN và một số Quỹ hợp tác ASEAN về việc tổ chức một số Hội thảo chuyên sâu về nội dung này.

Các nước thành viên nhất trí nên tiếp tục tổ chức thêm các Diễn đàn Pháp luật ASEAN về những nội dung mà các bên quan tâm nhằm triển khai các Sáng kiến đã được ALAWMM  thông qua như hài hòa hóa pháp luật thương mại, hợp tác về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tăng cường tiếp cận công lý, trao quyền pháp lý cho người nghèo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, buôn bán người qua biên giới, phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia....

 

4. Các Sáng kiến, nội dung hợp tác khác

Tự do hoá các nghề pháp lý tại các nước thành viên ASEAN

ALAWMM 9 đã nhất trí với báo cáo cập nhật thông tin của Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên về lộ trình triển khai tự do hoá các nghề pháp lý trong khu vực do Uỷ ban điều phối các dịch vụ pháp lý thực hiện. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên trong việc cập nhật thông tin và ban hành các quy định pháp luật để thực hiện Sáng kiến này và mong muốn Sáng kiến này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiến trình tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý trong ASEAN.

     Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN

Hội nghị đã nghe Ban Thư ký ASEAN cập nhật về việc thành lập  Hội nghị Chánh án ASEAN (ASEAN Chief Justice Meeting – ACJM). ACJM được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, được tổ chức thường niên và do Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức.

Tháng 6/2016, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công ACJM lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các đại biểu là Chánh án các nước ASEAN. Tại Hội nghị này, ACJM đã chính thức đổi tên thành Hội đồng Chánh án ASEAN (Council of ASEAN Chief Justice – CJAC) và sau Hội nghị, CACJ đã tiến hành các thủ tục để đề nghị Tổng thư ký ASEAN công nhận chính thức CAJC là một thể chế liên kết của ASEAN theo quy định tại Phần I, phụ lục 2 Hiến chương ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN đã có thư thông báo việc sửa đổi Phụ lục 2 của Hiến chương để ghi nhận CACJ  là một thể chế liên kết của ASEAN bên cạnh Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA). Tại Hội nghị lần thứ 5 của CAJC tổ chức tại Brunei vào tháng 3/2017 vừa qua, Chánh án các nước đã thống nhất phương hướng hoạt động và các công việc cần tiến hành trong thời gian tới để xây dựng và phát triển CACJ.

Xây dựng Hiệp định  ASEAN về bảo tồn môi trường biển và duyên hải

 Sáng kiến này của Ma-lai-xi-a (được nêu ra tại ASLOM 15 năm 2013) với mục đích xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung trong ASEAN về bảo tồn môi trường biển và vùng duyên hải, bảo đảm phát triển bền vững trong khu vực. Tuy nhiên tại các kỳ họp gần đây, một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã từng băn khoăn việc bảo tồn môi trường vùng biển và vùng duyên hải là nội dung đa lĩnh vực và xuyên quốc gia, chứ không chỉ thuộc chức năng của một Hội nghị Bộ trưởng ASEAN chuyên ngành cụ thể . Việt Nam cho rằng Sáng kiến này có thể vượt quá thẩm quyền của Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN. Tại Hội nghị lần này, Malaysia đã đề nghị và được ASLOM chấp nhận việc dừng triển khai Sáng kiến này trong khuôn khổ ALAWMM. 

Hiệp định ASEAN về Chuyển giao tù nhân (ASEAN Transfer of Prisoners) (đề xuất của Ma-lai-xi-a) và Hiệp định ASEAN về chuyển giao người bị kết án (ASEAN Convention on Transfer of Sentenced Persons (ACTSP) (đề xuất của Phi-lip-pin)

Tại Hội nghị, các nước thành viên cũng được nghe báo cáo cập nhật và thảo luận 2 đề xuất có cùng bản chất, đó là Sáng kiến của Ma-lai-xi-a về Hiệp định ASEAN về Chuyển giao tù nhân và đề xuất của Phi-lip-pin về Hiệp định ASEAN về chuyển giao người bị kết án (ASEAN Convention on Transfer of Sentenced Persons (ACTSP). Do đây thực chất là một Sáng kiến nên hai quốc gia chủ trì đã thống nhất sẽ phối hợp đồng tổ chức các sự kiện triển khai, trước mắt là Hội thảo về Hiệp định của ASEAN về chuyển giao người bị kết án ((ACTSP) dự kiến vào tháng 9/2017 tại Philipines.

 Đề xuất của Thái Lan về Nhóm tư vấn Hội thảo ASEAN về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự.

 Với  mục đích đẩy mạnh hơn nữa tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Thái Lan đã tổ chức thành công Hội thảo ASEAN về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự, tổ chức nhiều Diễn đàn pháp luật nhằm tạo diễn đàn để các nước thành viên trao đổi và chia sẻ thông tin về tăng cường các thiết chế tư pháp hình sự và phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới. ASLOM đánh giá cao, hoan nghênh Thái Lan và nhất trí với đánh giá của nước này, cho rằng việc triển khai Sáng kiến nêu trên sẽ góp phần tăng cường vai trò của ASLOM trong việc rà soát các vấn đề pháp lý nhằm đẩy mạnh hợp tác xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định phù hợp với tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới năm 2025. 

     Tăng cường cơ chế hợp tác với Hiệp hội Luật gia Châu Á (ALA) về hài hòa hóa và thống nhất pháp luật thương mại giữa các quốc gia thành viên

Hội nghị đã được nghe Xinh-ga-po cập nhật thông tin về việc ALA đã thành lập Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN. Nhóm công tác đã nhóm họp 2 lần và đưa ra một loạt khuyến nghị trong lĩnh vực này. Singapore nhắc lại kiến nghị trước đây của nước này về việc ASLOM cân nhắc chấp nhận Nghị định thư do ALA xây dựng cũng như các văn kiện khác, trong đó có Hướng dẫn về công nhận và thi hành Quyết định của Trọng tài nước ngoài. Việt Nam ủng hộ Xinh-ga-po trong việc tạo cơ chế để thu hút sự tham gia cũng như nâng cao vai trò của giới luật gia châu Á,góp phần hướng tới mục tiêu “luật hóa” các cam kết chính trị, xây dựng một Cộng đồng ASEAN hoạt động trên cơ sở luật lệ. Tuy nhiên Việt Nam cũng như một số nước khác chưa nhất trí việc ASLOM xem xét trình Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp phê duyệt các văn kiện nói trên của ALA với lý do ALAWMM  không giao ALA nghiên cứu các nội dung này. Ngoài ra, việc cả ALA và ASLOM cùng triển khai các Nhóm công tác về cùng một lĩnh vực nội dung rất có thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp và trước mắt là sự tốn kém về thời gian và nhân lực. ASLOM nhất trí cho rằng cơ chế hợp tác, điều phối các hoạt động của ASLOM và ALA cần được thảo luận thêm. Trước mắt các nước thành viên đề nghị phương án tổ chức cuộc họp để ALA giải thích cụ thể về chương trình hoạt động của thiết chế này và các đề xuất hợp tác cụ thể của ALA với ASLOM.

         II. Kết quả Hội nghị

Hội nghị đã thông qua Báo cáo của Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN được tổ chức trước thềm ASLOM 17 và báo cáo kết quả Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN lần thứ 17.

Về cơ bản, ASLOM 17  đã diễn ra thành công với sự nhất trí cao của các quốc gia thành viên ASEAN về các nội dung và sáng kiến được đưa ra thảo luận.

Các nước cũng rất ủng hộ và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục thực hiện Sáng kiến về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, đánh giá cao việc Việt Nam nghiên cứu một phương thức mới, phù hợp hơn để triển khai Sáng kiến này, trogn đó có hình thức tổ chức Hội nghị quốc tế, Diền đàn pháp luật ASEAN về chia sẻ kinh nghiệm xem xét, gia nhập một số Công ước La Hay liên quan tới nội dung này.

Về cơ bản, ASLOM 17 ghi nhận các Sáng kiến/đề xuất của các nước ASEAN đang được thực hiện và/hoặc xây dựng có thể góp phần quan trọng cho những nỗ lực đang được triển khai nhằm tăng cường pháp luật và khung khổ thể chế ASEAN và các quốc gia thành viên, hướng tới việc xây dựng ASEAN thành một cộng đồng hoạt động dựa trên pháp luật nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, điểm mới và là điểm mang tính thực chất hơn của Hội nghị này so với các ASLOM trước đây là ở chỗ các nước thành viên đã mạnh dạn loại bỏ một số Sáng kiến/đề xuất mới không phù hợp với thẩm quyền của ALAWMM vừa được nêu ra trong vài kỳ ASLOM gần đây, như các Sáng kiến của Ma-lai-xi-a về (i) xây dựng luật mẫu về an ninh hàng hải; (ii) xây dựng luật mẫu về bảo tồn môi trường biển và vùng duyên hải. Hội nghị nhất trí mọi Sáng kiến của ASLOM cần được thực hiện thật hiệu quả, tránh tình trạng nhiều Sáng kiến được đề xuất nhưng bị “bỏ lửng” không thực hiện được do hạn chế về nguồn lực.

Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, đoàn kết, mang tính xây dựng cao để hoàn thành Chương trình làm việc. Hội nghị đã thống nhất ASLOM lần thứ 18 và ALAWMM lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2018.

III. Các cuộc gặp song phương

Để chủ động nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN và thúc đẩy quan hệ song phương, trưởng đoàn Việt Nam  đã có các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị với 5/9 Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Tại các cuộc gặp này, các Trưởng đoàn đều nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á hội nhập sâu rộng. Việc hợp tác này không chỉ hạn chế thông qua các thiết chế khu vực mà cần triển khai thông qua cả việc đẩy mạnh hợp tác song phương phù hợp với quan hệ đặc thù riêng mỗi nước. Trưởng đoàn Việt Nam và Trưởng đoàn các nước Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Lào trong các cuộc gặp song phương đã thống nhất cần tăng cường việc trao đổi các đoàn cấp cao, ký kết các thỏa thuận/ Kế hoạch hợp tác giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam và nước liên quan cũng như tăng cường hợp tác về tương trợ tư pháp tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ chung được phát triển bền vững, bảo đảm các quyền và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức.

Các cuộc gặp song phương của Trưởng đoàn Việt Nam với các Trưởng đoàn của 05 nước nêu trên đều được chuẩn bị trước về nội dung và nằm trong tổng thể định hướng tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp với các quốc gia thành viên ASEAN, phục vụ các nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Trưởng đoàn Việt Nam đã 1) thống nhất sơ bộ với Trưởng đoàn Singapore về kế hoạch họp Ủy ban điều phối lần thứ 4 về hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Singapore, dự kiến vào tháng 7/2017 tại Singapore; 2) trao đổi với trưởng đoàn Indonexia về các nội dung cơ bản của Dự thảo Thỏa thuận hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước; 3) thống nhất với Trưởng đoàn Thái Lan về Kế hoạch hợp tác năm 2017 giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Thái Lan; 4) thống nhất với Campuchia về Kế hoạch hoạt động năm 2017, Kế hoạch tổ chức Hội nghị tư pháp lần thứ nhất các tỉnh đường biên Việt Nam – Campuchia, dự kiến vào cuối tháng 8/2017 tại Việt Nam và; 5) thống nhất với Lào về việc tiếp tục triển khai các hoạt động trong Kế hoạch hợp tác năm 2017, trong đó có sự kiện quan trọng Kỷ niệm 35 năm hợp tác tư pháp Việt Lào (1982-2017).

IV. Đánh giá và kiến nghị

Hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đi vào thực chất và có chiều sâu hơn. Điều này được thể hiện rõ nét qua bài phát biểu của các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị ASLOM 17. Trong bối cảnh ASEAN đã hình thành một Cộng đồng liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý, một Cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài”,  vai trò pháp luật và tư pháp ngày càng được khẳng định và trở thành một nhân tố không thể thiếu. Với tinh thần đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã thể hiện các cam kết chính trị và nỗ lực trong việc hài hòa hóa pháp luật quốc gia và xây dựng các điều ước quốc tế nhằm xây dựng một môi trường pháp lý làm cơ sở thúc đẩy các quan hệ hợp tác mọi mặt giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Các nội dung, sáng kiến hợp tác được triển khai trong khuôn khổ Hội nghị ASLOM và ALAWMM đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia ngay từ đầu và có nhiều đóng góp thiết thực vào cơ chế hợp tác này. Tại Hội nghị lần này, các quốc gia thành viên đều đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khu vực, đặc biệt là việc triển khai Sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại.

Tuy nhiên, sự tham gia của Việt Nam trong cơ chế ASLOM cũng như ALAWMM vẫn còn một số hạn chế nhất định xuất phát từ những khác biệt về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp Việt Nam so với các nước khu vực. Do tính chất đặc thù của Bộ Tư pháp các quốc gia thành viên ASEAN (trừ Việt Nam và Lào) là có chức năng tư pháp hình sự, bao gồm chức năng thực hiện quyền công tố, quản lý thi hành án hình sự, quản lý xuất nhập cảnh... theo mô hình của các quốc gia tiên tiến trên thế giới nên cơ chế hợp tác trong ALAWMM cũng chủ yếu tập trung vào các nội dung hợp tác tư pháp hình sự. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tham gia của Bộ Tư pháp nói riêng và Việt Nam nói chung vào hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp trong khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 đã được hình thành, Việt Nam càng cần phải chủ động tích cực hơn nữa trong công tác này. Với chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hiện nay của Bộ Tư pháp, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa của tất cả các cơ quan liên quan của Việt Nam, như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp... mới bảo đảm hiệu quả hợp tác pháp luật và tư pháp khu vực của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò trung tâm của Bộ Tư pháp khi các đề xuất, sáng kiến hợp tác pháp luật và tư pháp đều được thông qua bởi Hội nghị ALAWMM, vai trò điều phối của Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện Cộng đồng An ninh – Chính trị và vai trò tổ chức thực hiện các đề xuất, sáng kiến hợp tác cụ thể của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp... để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các Sáng kiến đã được ALAWMM thông qua và được Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành triển khai.

Bên cạnh hợp tác đa phương, tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của hợp tác pháp luật và tư pháp song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là điều không thể phủ nhận và cũng cần được chú trọng, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Với tính chất về chức năng, quyền hạn của Bộ Tư pháp các nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, các hoạt động hợp tác cần được tăng cường dưới hình thức trao đổi các Đoàn cấp Bộ trưởng, trao đổi chuyên gia, cử cán bộ sang thực tập nghề tại các cơ quan, tổ chức của nhau, tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tài liệu, ấn phẩm pháp luật... Điều này sẽ góp phần tăng cường hợp tác “song phương trong đa phương”, đưa hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đi vào chiều sâu, hướng tới sự “thống nhất trong đa dạng” đồng thời học hỏi kinh nghiệm trên cơ sở tìm hiểu rõ và tận dụng được thế mạnh của hệ thống pháp luật và tư pháp các nước thành viên trong khối, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập sâu rộng ASEAN sau 2015.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.