ASLOM 17 là một hoạt động quan trọng giữa hai kỳ Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN - ALAWMM 9 (2015) và ALAWMM 10 (2018) nhằm rà soát, cập nhật, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy triển khai những Sáng kiến đã được các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN thông qua tại Hội nghị lần thứ 9, đồng thời bắt đầu chuẩn bị các nội dung trình lên Hội nghị 10, dự kiến được tổ chức vào năm sau (2018) tại Lào.
Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp tích cực cho quá trình thảo luận, đề ra các phương hướng nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch hợp tác pháp luật đã đề ra theo những khuôn khổ và lộ trình đã được xác lập, góp phần triển khai Cộng đồng ASEAN đã được thành lập ngày 31/12/2015.
Trưởng đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 17, bà Đặng Hoàng Oanh đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, từ một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á đã trở thành một thiết chế liên kết chặt chẽ, một bộ máy hoàn chỉnh và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng; nhận thức những thời cơ, vận hội mới cũng như những thách thức không nhỏ cần vượt qua trước bối cảnh đã thành lập cộng đồng của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Bà Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và khẳng định bí quyết tạo nên một ASEAN như hôm nay chính là ở tinh thần đoàn kết vì mục tiêu xây dựng “một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung”.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng chia sẻ những thách thức không nhỏ cần vượt qua bên cạnh những thời cơ, vận hội mới mà Cộng đồng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt. Bối cảnh khu vực và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương đang dần trở thành một trong những trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng của thế giới, là nơi hội tụ và giao thoa lợi ích chiến lược của tất cả các nước lớn. Về phần mình, Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để định hướng phát triển và giải quyết các quyết sách lớn của ASEAN; góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực.
Bà Đặng Hoàng Oanh cho rằng các mục tiêu và khuôn khổ cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong những năm tới nói riêng và mục tiêu xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN trong tương lai không thể hoàn thành nếu thiếu một nền tảng pháp lý vững chắc, nhằm cụ thể hóa các cam kết chính trị thành các ràng buộc mang tính pháp lý giữa các quốc gia thành viên, hoạt động theo pháp luật và lấy người dân làm trung tâm. Trong bối cảnh đó, việc củng cố, tăng cường vai trò của Hội nghị ALAWMM và ASLOM càng cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
ASLOM 16 sẽ tiến hành họp các phiên toàn thể trong 2 ngày 15 và 16/5. ASLOM 17 cũng sẽ xem xét Báo cáo và kiến nghị của Nhóm công tác ASEAN về hài hòa hóa pháp luật thương mại, do Singapore chủ trì tổ chức ngay trước ngày diễn ra Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (14/5).
Dự kiến trong lần họp này, Đoàn Việt Nam cũng sẽ trình bày Báo cáo cập nhật tình hình Việt Nam triển khai các Sáng kiến ASEAN, đặc biệt là việc triển khai Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN, trong đó có việc tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN vào tháng 11/2016, đề xuất các giải pháp mới, phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam và một số quốc gia ASEAN đã và đang chuẩn bị trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cũng như các Công ước của Hội nghị này.
Đại biểu Việt Nam và các nước thành viên hy vọng Sáng kiến đã được thông qua tại các kỳ ALAWMM trước đây, cùng những Sáng kiến sẽ tiếp tục được thông qua tại ASLOM 17 lần này sẽ được tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đưa hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN đi vào thực chất hơn, góp phần xây dựng Cộng đồng pháp luật và tư pháp ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất, đề ra được những giải pháp về khía cạnh pháp lý góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong một môi trường ASEAN hòa bình và ổn định, một ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.
Tin tức về kết quả Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 17 sẽ tiếp tục được Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp cập nhật từ Putrajaya, Malaysia.