Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo kết luận thanh tra, bên cạnh một số ưu điểm trong việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc tận thu khoáng sản tại những dự án, công trình quan trong quốc gia, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản, góp phần tăng ngân sách nhà nước… Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều hạn chế, khuyết điểm.
Cụ thể, tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn còn chậm so với kế hoạch phê duyệt; hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản chưa kịp thời, chất lượng nội dung một số văn bản còn hạn chế, chưa rõ ràng, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với Luật Khoáng sản hiện hành.
Thậm chí, TTCP còn khẳng định, có văn bản ban hành nhưng khó thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, lúng túng trong xử lý, thực hiện như việc thu nộp tiền điều tra, thăm dò, tăng thủ tục hành chính. Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương) để xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khai thác các loại khoáng sản, đảm bảo mục tiêu chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, hoạt động khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động cấp phép, nguồn thu tiền cấp quyền, phát triển kinh tế, xã hội; chưa thực hiện tốt trong công tác hướng dẫn một số địa phương về khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Chưa kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
“Thực trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra phổ biến trên nhiều tỉnh, thành phố với nhiều loại khoáng sản khác nhau” – Cơ quan Thanh tra nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007 còn hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân thiếu vốn, phân bổ ngân sách chưa phù hợp, dẫn đến tỷ lệ công việc hoàn thành so với nhiệm vụ điều tra cơ bản được giao chiếm tỷ lệ thấp (đạt 35% khối lượng công việc), đã ảnh hưởng đến việc cập nhật, bổ sung, sử dụng kết quả điều tra.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền tăng nguồn vốn cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết 02/2011 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 535/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Trước mắt tập trung vốn để hoàn thành công tác điều tra cơ bản địa chất hàng năm, đánh giá một số đề án của Chính phủ như than đồng bằng sông Hồng, thăm dò quặng urani Pà Lừa - Pà Rồng đã phê duyệt. Cùng với đó, căn cứ kết quả thu tiền cấp quyền nộp ngân sách nhà nước theo quy định…
Các bộ ngành địa phương trong toàn quốc có liên quan tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác lập, phê duyệt các quy hoạch, khoanh vùng khoáng sản, vùng nguyên liệu, đảm bảo nguyên tắc có vùng nguyên liệu mới phê duyệt dự án đầu tư về chế biến. Trong công tác tổng hợp báo cáo tình hình quản lý khoáng sản phải có nội dung quản lý về đất đai, sản lượng, trữ lượng, khoáng sản theo thực tế khai thác.
Trong hoạt động cấp phép đảm bảo nguyên tắc đủ vùng nguyên liệu cho chế biến sâu theo mục tiêu chiến lược khoáng sản đã phê duyệt tại Quyết định 2427/2011 của Thủ tướng Chính phủ, như việc cấp phép thuộc vùng nguyên liệu chì-kẽm khu vực Bó Pia, Pù Quéng, Khuổi Giang, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho Nhà máy chế biến sâu chì-kẽm công suất 31.000 tấn/năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
TTCP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn quốc, nhất là các loại khoáng sản, những vùng thuộc dự trữ quốc gia, ra soát tình hình thuê đất của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, hoàn thành việc ký hợp đồng…
Đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, các trường hợp thuê đất vượt giấy phép, các trường chưa tiến hành thuê đất nhưng đã có hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật.
Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý khoáng sản đối với các sở, ban, ngành có liên quan theo thẩm quyền, việc cấp phép, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, ven biển, xuất khẩu cát nhiễm mặn. Đôn đốc các bộ, ngành địa phương việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch khoáng sản, khoanh định các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; các khu vực cấm, tạm thời cấm, khu vực dự trữ quốc gia…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp tích cực truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp theo quy định.
Đặc biệt là, phải rà soát lại các giấy phép khoáng sản, kiên quyết thu hồi đối với các mỏ có vi phạm các quy định về thu hồi giấy phép theo Luật Khoáng sản hiện hành; gia hạn hoặc làm thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản đối với giấy phép hết hạn; xử lý theo thẩm quyền và phối hợp với UBND các tỉnh xử lý đối với 28 doanh nghiệp có vi phạm, khuyết điểm theo biên bản kiểm tra, xác minh mà Thanh tra Chính phủ và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản đã ghi nhận.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong phân giao nhiệm vụ xác định, tính tiền điều tra thăm dò…/.