Ngày 29/3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đứng trên bậc thềm trụ sở Bộ Quốc phòng đã đón tiếp John Bolton và “nói mát”: “Tôi nghe nói ông là hiện thân của quỷ thần, do vậy tôi muốn gặp ông”. John Bolton đã nở nụ cười dưới hàm râu to trắng và không giấu sự hài lòng.
Khi Donald Trump thông báo lựa chọn ông làm cố vấn an ninh quốc gia, người thứ ba trong vòng 14 tháng, tòa nhà Eisenhower – văn phòng của các nhân viên, kế bên Nhà Trắng, trong bầu không khí choáng váng đã vắng bóng người hơn thường lệ. Tại Bộ Ngoại giao cũng như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ở New York, những ai nhớ tới thời John Bolton làm việc ở đó, đã lôi “bộ áo giáp” của mình ra.
1. Người thay thế tướng H.R McMaster, chưa bao giờ tỏ ra nổi trội hơn với các ý tưởng ôn hòa hoặc cách thức nhẹ nhàng. Mark Groombridge, trước đây là trợ lý của Bolton tại Bộ Ngoại giao, báo trước: “Phong cách của ông ta là lãnh đạo một Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu hoàng đế, các bộ ngành sẽ phải thực hiện chính sách do Nhà Trắng quyết định, mà không được phép bàn thảo”.
Cuộc khủng hoảng do vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gây ra sẽ thử thách ngay lập tức quan điểm của John Bolton về chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. John Bellinger, nguyên thành viên Hội đồng nêu trên và từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, nhận xét: “Bolton luôn luôn là kẻ khiêu khích. Nhưng người ta có thể nghĩ rằng một số hành động hung hăng mà ông ta chủ trương khi chưa ở trong chính phủ, có thể sẽ khác so với hiện nay, khi ông ta phải chịu trách nhiệm về các hậu quả”.
Christopher Hill, một nhà ngoại giao lão luyện trong các cuộc thương lượng với Triều Tiên, nói với tạp chí The Atlantic rằng: “Bolton đã được bổ nhiệm ở vị trí rất cao vì trước đây, ông ta chưa bao giờ có được chức trách ở tầm cỡ này. Trước đây, ông ta luôn luôn là một dạng phân tử dao động tự do, bông đùa nhưng không hề quả quyết. Giờ đây tất cả đã thay đổi”.
Các nhà quan sát hay ngờ vực này chính là loại quan chức văn phòng mà tân cố vấn an ninh quốc gia coi thường – đây là một điểm mà ông giống với tổng thống Mỹ đương nhiệm. Trong cuốn hồi ký “Đầu hàng không phải là một sự lựa chọn”, Bolton chỉ trích “những người tranh thủ kiếm chác lợi lộc ở Bộ Ngoại giao được đào tạo để dĩ hòa và thỏa hiệp với nước ngoài, thay vì phải quyết liệt bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ”.
Nếu lấy ý kiến các cơ quan, Bolton có thể bị từ chối. Thế nhưng chức cố vấn an ninh quốc gia lại không cần có sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ.
2. Donald Trump dường như bị thuyết phục qua nhiều lần Bolton xuất hiện trên một kênh truyền hình bảo thủ và không bao giờ kiệm lời ca ngợi tổng thống. Trong một cuộc điều trần năm 2005 trước Thượng viện để được chấp thuận làm đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc – nhưng ông không qua được – Carl Ford, bên đảng Cộng hòa, đã từng làm việc với Bolton ở Bộ Ngoại giao đã miêu tả ông “nịnh trên nạt dưới”.
Thế nhưng, John Bolton, con trai một người lính cứu hỏa ở Baltimore, lại có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn. Tốt nghiệp đại học Yale, được đào tạo thành luật sư, ông chủ yếu làm việc trong chính quyền liên bang và phục vụ tất cả các đời tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, từ thời Reagan – hoặc trong các nhóm tư vấn bảo thủ, nơi được coi như là phòng chờ, trong thời gian đảng Dân chủ cầm quyền.
Trong tư cách là thứ trưởng ngoại giao dưới thời George W.Bush, ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế và đã thành công trong việc đưa ra chương trình Sáng kiến An ninh chống phổ biến hạt nhân (PSI). Với tư cách là quyền đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc – chỉ trong vòng 17 tháng vì chưa có sự phê chuẩn của Thượng viện – ông đã thể hiện rõ quan điểm của mình về Liên Hiệp Quốc “một định chế có thể mất đi tới 10 tầng mà cũng chẳng hề hấn gì”.
John Bolton và tổng thống Mỹ Donald Trump |
Quá tự tin về sự nổi tiếng của mình, John Bolton, trong một giai đoạn ngắn, dự tính lao vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2016. Để làm việc này, ông đứng tên, lập ra hai ủy ban hành động chính trị (PAC), và từ năm 2013, đã huy động được 15 triệu USD. Thế nhưng, sau đó, ông đành bỏ lửng hai ủy ban này cũng như Quỹ An ninh và Tự do của nước Mỹ.
Nhà hảo tâm chủ chốt của John Bolton là tỷ phú Robert Mercer, cũng là nhà tài trợ của Bannon, cổ đông của công ty tư vấn và truyền thông Breibart News và công ty Cambridge Analytica. John Bolton là một những khách hàng đầu tiên tại Hoa Kỳ của Cambridge Analytica, và công ty này bị cáo buộc thao túng dữ liệu của 87 triệu tài khoản người dùng Facebook.
Hai lần kết hôn, có một cô con gái cũng theo học ở Yale như cha, John Bolton giữ kín đời tư trong bóng tối. Theo các tài liệu của vụ ly dị năm 1983, người vợ đầu tiên của ông đã tranh thủ một trong những lần ông vắng mặt, để bỏ gia đình và mang theo đồ đạc.
3. Các nhà bình luận chính trị đã ngạc nhiên khi thấy tổng thống Donald Trump lại tuyển dụng một nhân vật chủ trương can thiệp thuộc phe tân bảo thủ. Là người thân cận với cựu phó tổng thống Dick Cheney, John Bolton đã thúc đẩy trận đánh Iraq và cho đến nay, ông không bao giờ giấu giếm điều này, trong khi đó, Trump lại coi đó là “một quyết định tai hại”.
Theo Jon Soltz, chủ tịch hiệp hội cựu chiến binh chiến tranh Iraq, “không có một cuộc chiến tranh nào nhằm thay đổi chế độ, ở bất kỳ nơi nào, mà John Bolton không ủng hộ”. Đài truyền hình Fox News phong “danh hiệu” cho ông là “người có lập trường kiên quyết triệt để trong hồ sơ Triều Tiên”.
Trong mục diễn đàn hồi tháng 2/2018, trên báo Wall Street Journal, John Bolton cho rằng “Hoa Kỳ hoàn toàn chính đáng đáp lại sự thách thức về hạt nhân của Triều Tiên bằng cách tấn công trước tiên”. Sau khi tuyên bố rằng “nói chuyện với Kim Jong Un còn tồi tệ hơn là mất thời gian”, ông ta lại vui mừng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh mà Donald Trump đã chấp nhận, bởi vì điều này “sẽ ngăn cản Kim Jong Un tìm cách kéo dài thời gian”. Năm 2003, chính quyền Bush đã rút John Bolton ra khỏi nhóm đàm phán sau khi ông thóa mạ nhà lãnh đạo Kim Jong Il.
Các nhà lãnh đạo Iran cũng coi John Bolton là người tìm cách phá hỏng hiệp định hạt nhân. Hồi tháng 1/2018, ông nhắc lại lời tố cáo thỏa thuận hạt nhân, coi đó là một “bước đi sai lầm chiến lược quan trọng”. Trước đó, năm 2015, ông đã tư vấn như sau: “Để ngăn chặn Iran làm bom nguyên tử, thì chúng ta hãy ném bom Iran”. Theo khuyến nghị của John Bolton, có thể Donald Trump sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân vào giữa tháng 5/2018 tới đây.
Trong nhãn quan của Bolton, thế giới chia làm hai phe, chư hầu và đối thủ. Năm 1994, ông nói: “Liên Hiệp Quốc không tồn tại. Chỉ có cộng đồng quốc tế tồn tại và có thể ngẫu nhiên do một cường quốc thực sự duy nhất trên thế giới lãnh đạo, nếu như điều này phục vụ lợi ích của chúng ta”.
Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, niềm tin vào việc “dùng vũ lực để có hòa bình”, ngờ vực các quy tắc và định chế quốc tế, ưa thích các thỏa thuận song phương và các liên minh tự nguyện, tất cả những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với tổng thống Mỹ, vì hồi tháng 11/2015, Donald Trump đã tuyên bố: “Theo một nghĩa nào đó, tôi rất thích chiến tranh”
Cũng giống như Donald Trump, “tư tưởng” của John Bolton gây chia rẽ. Nhật báo New York Times viết về ông như sau: “Đó là một nhân vật diều hâu trong số các chính trị gia diều hâu, một nhân vật cực đoan triệt để làm nức lòng phe bảo thủ và làm cho các chính trị gia ôn hòa rùng mình”.
Tờ New Yorker tặng ông danh hiệu “nhà ngoại giao Mỹ cay độc nhất thế kỷ 21”. Thế nhưng, chính trị gia Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng hòa phản bác: Việc bổ nhiệm John Bolton “là một tin tốt đẹp đối với các đồng minh của Mỹ và là một tin dữ đối với những kẻ thù của Hoa Kỳ. Ông ta có một sự hiểu biết vững chắc về các mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Mặc dù đánh giá John Bolton là “thông minh, có học, có nguyên tắc và kinh nghiệm”, bình luận gia George Will cho rằng chức vụ mới của John Bolton làm cho ông ta trở thành người Mỹ thứ hai thuộc loại “nguy hiểm nhất”, sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.