Ở tuổi 33, anh Bùi Văn Hùng (Ninh Bình) luôn thấy cơ thể khỏe mạnh, sung sức. Tuy nhiên gần đây, anh thường xuyên thấy khó thở, tức ngực nhiều, người mệt mỏi.
Khi đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám bệnh, bác sĩ thông báo anh mắc ung thư phổi, giai đoạn không còn sớm.
Anh Hùng cho biết bản thân hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, dần nghiện lúc nào không hay, ngày hút nhiều nhất từ 1,5 đến 2 bao thuốc.
“Giờ phát hiện ra bệnh thì đã muộn. Thực sự tôi rất ân hận vì nếu biết như này tôi sẽ quyết tâm bỏ thuốc sớm hơn, không để hậu quả như bây giờ”, anh Hùng tiếc nuối.
Anh Hùng nhập viện điều trị tại Bệnh viện K
Cùng phòng bệnh với anh Hùng là bệnh nhân Long Xuân Hiền, 60 tuổi quê ở Lạng Sơn được chẩn đoán ung thư phổi di căn xương.
Do công việc thường xuyên làm đêm, ông bắt đầu hút thuốc từ năm 18 tuổi, từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau hút ít nhất 2 bao.
Gần đây, ông thấy khó thở khi làm việc nặng, thậm chí vận động thông thường cũng tức ngực. Bác sĩ thông báo, cuộc chiến của ông còn dài.
"Giờ tôi ân hận lắm, thấy có lỗi với con cháu và gia đình mình. Giá như tôi không hút thuốc lá thì có lẽ sẽ không để lại hậu quả như hôm nay", ông Hiền ngậm ngùi nói.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đây chỉ là 2 trong số nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại bệnh viện tiếc nuối do hút thuốc thời gian dài.
Tại Việt Nam, ung thư phổi xếp thứ 2 sau ung thư gan về số ca mắc mới và tử vong. Số liệu Tổ chức Y tế Thế gới (WHO) năm 2020 công bố, Việt Nam có thêm hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong. Đây thực sự là con số đáng báo động.
Theo thống kê, 90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất gây hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen đã được chứng minh gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.
Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 10-30 lần so với người không hút. Người hút 20 điếu/ngày nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Đáng lưu ý, người hít phải khói thuốc thụ động cũng chịu tác hại không kém, thậm chí đứng xa 10m vẫn bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của WHO cho thấy, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.
Hiện Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với 22,5% người trưởng thành sử dụng thuốc lá, tương đương hơn 21 triệu người, ngoài ra tỉ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53%. Tỉ lệ này ở nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%.
Ung thư phổi được xếp vào nhóm khó chẩn đoán, điều trị khó khăn. Ngay tại các nước phát triển, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư phổi cũng chưa tới 25%.
Tại Việt Nam, trên 75% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư phổi rất nghèo nàn. Các biểu hiện như ho khan dai dẳng, sốt về chiều, sút cân, đau ngực, ho ra máu... đều không phải những dấu hiệu đặc hiệu của ung thư phổi, các triệu chứng này cũng dễ gặp trong viêm nhiễm phế quản phổi.
Vì vậy, bệnh nhân ung thư phổi khi chụp X-quang phát hiện ra bệnh, khối u đã to 2-10cm.
Vì vậy để phát hiện sớm ung thư phổi, bác sĩ luôn khuyến cáo người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ, không hút thuốc, tránh xa khói thuốc lá và môi trường độc hại, ô nhiễm.