Hùng binh Hoàng Sa, Bắc Hải
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 50 của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình”. Bộ chính sử này sau đó lại ghi: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), Vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình”. Theo đó, Phạm Quang Ảnh vâng lệnh Vua Gia Long thực hiện việc “đo đạc hải trình” Hoàng Sa hai lần, lần cuối cùng là năm 1816, đến năm 2016 này là chẵn 200 năm (1816-2016).
Năm Bính Thân 1836, Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật là người đầu tiên được Vua Minh Mạng cử đi cắm mốc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đến nay, năm Bính Thân -2016 vừa tròn 3 vòng lục thập hoa giáp, tức 180 năm đã trôi qua.
Đảo Lý Sơn rộng chưa đầy 10 cây số vuông nhưng có tới gần 100 di tích và phần lớn đều gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như: Âm linh tự, Khu mộ gió lính Hoàng Sa... Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật là những người lính của đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa hay hải đội Hoàng Sa là tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ XVII để làm nhiệm vụ khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Sử sách Việt Nam và Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời Chúa Nguyễn. Sách Hải ngoại kỷ sự (của Trung Quốc) viết năm 1696 chép rằng thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa”. Sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (viết năm 1686) đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn (từng làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa thế kỷ XVIII) ghi rõ hải đội Hoàng Sa phải đi mất 3 ngày, 3 đêm từ đất liền mới đến được các đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở về đất liền vào tháng 8 âm lịch, thuyền vào cửa Eo hay Tư Hiền.
Đội Hoàng Sa còn được giao nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải, một tổ chức được lập ra để thực thi nhiệm vụ trên khu vực quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải chủ yếu là ở khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực biển Côn Sơn, Hà Tiên... Tham gia hải đội Hoàng Sa chủ yếu là ngư dân đảo Lý Sơn - những kình ngư biển cả. Từ 200 năm trước, nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa tham gia vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Khi mới thành lập, Hải đội Hoàng Sa chỉ có 70 người của làng An Vĩnh, An Hải ở đất liền và làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn. Từ khi làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn được tách ra khỏi làng An Vĩnh trong vùng cửa biển Sa Kỳ vào năm Gia Long thứ 3 (1804) thì phiên chế chính thức của Hải đội Hoàng Sa chủ yếu là người Lý Sơn, không chỉ của làng An Vĩnh, mà còn của làng An Hải. Sau khi thành lập thêm đội Quế Hương, đội Bắc Hải cũng do Hải đội Hoàng Sa kiêm quản, các binh phu có thêm người Bình Định, Bình Thuận, Thừa Thiên (Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương).
Hải đội Hoàng Sa vượt biển bằng những chiếc ghe bầu được đóng bằng gỗ chò vùng cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn mà người xưa gọi là tiểu điếu thuyền. Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài lương thực, nước uống được mang theo tạm đủ dùng trong sáu tháng, những người lính này còn bắt cá, chim để ăn thêm. Đặc biệt, từng người lính còn mang theo mình một thẻ bài ghi rõ danh tính, phiên hiệu hải đội, bản quán. Họ còn chuẩn bị cả chuyện hậu sự cho mình trong chuyến hải trình dài hiểm nguy. Mỗi người một chiếc chiếu, bảy nẹp tre và dây mây để khi chết sẽ bó xác mình, thả xuống biển, mong có ngày trôi dạt về đất quê hương hoặc ghe thuyền nào đó vớt được cũng biết quê quán để chở về.
Mộ gió chiêu hồn 200 năm
Chính vì ra khơi gặp nhiều rủi ro bất trắc nên để những người lính Hoàng Sa lên đường đi làm nhiệm vụ yên lòng, cư dân đất đảo tổ chức lễ khao lề thế lính. Từ khi triều Nguyễn thành lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, hàng năm Lý Sơn đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Khi đội Hoàng Sa bị giải thể, lễ này vẫn cứ diễn ra nhưng không còn mang ý nghĩa thế mạng nữa mà chỉ còn là lễ tế lính Hoàng Sa. Song ở địa phương vẫn còn gọi theo tên cũ là khao lề thế lính chứ không gọi là khao lề tế lính. Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.
Những chiếc ghe bầu giả, đáy ghe làm bằng thân cây chuối, thân bằng tre có giấy điều dán kín. Trong khoang lái có bốn hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa. Trong lễ khao lề, pháp sư khấn vái bà Thủy Long gửi linh hồn người chết về cho tổ tiên và linh hồn người sống vào hình nhân thế mạng cho thuyền giả trôi ra biển để họ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.
Luật vua ban con trai trưởng được ở nhà thờ tự cha mẹ, các con trai thứ chưa có gia đình đều có thể vào hải đội, việc đó cứ kéo dài nhiều đời vua. Và tộc họ nào ở Lý Sơn cũng nhiều lần quấn vành tang trắng, hiến dâng con cái của mình cho quần đảo ngoài biển xa. Trong đó, có hai người được lấy tên để đặt cho hai hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa là đảo Quang Ảnh và đảo Hữu Nhật. Đó là Cai đội Phạm Quang Ảnh và Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật.
Phạm Quang Ảnh là người xã An Vĩnh thuộc Cù lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là người khai lập dòng họ Phạm (Quang) trên đảo Lý Sơn. Hiện mộ cát chiêu hồn của vị cai đội này nằm trong vườn nhà ông Phạm Quang Tĩnh - một hậu duệ của ông. Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo Lý Sơn có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa.
Gia phả họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng 200 năm trước cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với 5 chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý tại quần đảo Hoàng Sa cung tiến triều đình. Thuyền gặp bão biển, cả hải đội đã không trở về. Vua Gia Long đã thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ.
Người làm lễ chiêu hồn là thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ông này đã sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét để tự tay ông nặn thành hình 25 người đã chết. Các tượng đất sét được mặc quần dài, áo the, đầu đóng khăn xếp. Nặn xong 25 tượng đất bỏ vào áo quan, suốt đêm, thầy phong thủy lập đàn cúng chiêu hồn, gọi hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 lính, xếp thành một hàng gồm 25 ngôi mộ. Thời gian và gió mưa đã làm các ngôi mộ bị hư hại nên cư dân trên đảo đã đắp 25 ngôi mộ riêng biệt thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như hiện nay.
Công đức với Tổ quốc của Phạm Quang Ảnh đã được chính Vua Gia Long tôn vinh khi phong làm Thượng đẳng thần để thờ cúng tại thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn. Và ông được người dân quê đảo truyền đời thành kính thờ cúng như một nhân thần phù hộ cho các lớp hùng binh tiếp bước ông dong thuyền ra đi giữ vững chủ quyền Hoàng Sa.
Người đầu tiên cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa
Phạm Hữu Nhật cũng là người xã An Vĩnh, cù lao Ré. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã cùng ngư dân trong làng gia nhập đội Hoàng Sa. Ông Phạm Thoại Tuyền - một hậu duệ của Phạm Hữu Nhật đã tình cờ phát hiện nhân thân ông trong nhà thờ của hậu duệ Phạm Văn Đoàn. Nhà thờ của hậu duệ Phạm Văn Đoàn còn lưu giữ các tài liệu phổ hệ, sắc phong, linh vị... viết bằng chữ Hán-Nôm viết về một số người trong tộc họ đi lính Hoàng Sa không về như Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Triều...
Ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ đời thứ tư của suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật - thắp nhang trước ngôi mộ gió của ông Phạm Hữu Nhật trong ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa |
Phổ hệ ghi rõ: Thủy tổ tộc họ Phạm (Văn) tại xã An Vĩnh tên Phạm Văn Tuệ là thế hệ thứ 4 của ông Phạm Văn Nghiêm ở xã Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, có gốc ở Cao Bằng, Bắc bộ. Ông Phạm Văn Triều con ông Phạm Văn Nhiên và bà Dương Thị Lãng là thế hệ thứ tư của thủy tổ họ Phạm (Văn) ở cù lao Ré. Phạm Văn Triều chính là tên húy của Phạm Hữu Nhật.
Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỉ, quyển 165 chép rằng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bộ Công tâu vua cứ hàng năm thì cử người ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia và được vua phê chuẩn. Cũng trong năm này, khi nhận được tấu của bộ Công tâu về việc cử thủy quân, chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật vãng thám Hoàng Sa, Vua Minh Mạng châu cải: “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên”.
Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỉ, quyển 6 còn cho biết nhà vua “sai suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo mười cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc; mặt bài khắc những chữ: “Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư” (tờ 25b), nghĩa là “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ.)” “Sau khi đến nơi, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật ở từng điểm đảo. Mỗi lần ra Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu từ năm đến sáu chiếc thuyền với khoảng mười người trên mỗi thuyền”.
Tháng 3/2009, ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải đã cung cấp cho ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Ngãi bản gốc về sắc chỉ của vua Minh Mạng ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Ất Mùi 1835, ghi rõ: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những người bơi giỏi và khỏe mạnh để gia nhập đội thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm (thuộc dòng họ đang giữ sắc chỉ) làm nhiệm vụ dẫn đường và giao cho ông Võ Văn Công phụ trách hậu cần”. Sắc chỉ này thêm một lần làm sáng tỏ chuyện người dân Lý Sơn được triều đình nhà Nguyễn giao nhiệm vụ trông coi Hoàng Sa.
Năm 1854, Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển. Sau đó, gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt (tức mộ gió) tại thôn Đông, làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ thủy tổ họ Phạm Văn, một trong sáu vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Trên bia mộ của ông ghi rõ: “Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị sanh Giáp Tý niên 1804, Giáp Dần 1854 tôn điệt phụng tự”. Từ đó về sau, các thế hệ luôn ghi nhớ công trạng của Phạm Hữu Nhật. Linh vị Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị của ông luôn hiện diện trong các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như tại lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm.