Từ thuê máy bay đến hiện thức “giấc mơ bay Mỹ”
- Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam. Ngay sau đó, Vietnam Airlines lần đầu đã thuê những chiếc Boeing 767 đầu tiên của Mỹ để khai thác. Trung tuần tháng 9/2023, lãnh đạo cấp cao của Boeing tại Hà Nội đã khẳng định quan điểm “đề cao mối quan hệ lịch sử với Vietnam Airlines từ năm 1995”... Thưa ông, sự hợp tác giữa hai bên trong gần 3 thập kỷ qua có ý nghĩa như thế nào đối với Vietnam Airlines?
Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Hợp tác giữa Vietnam Airlines và Boeing trong gần 3 thập kỷ là cơ sở quan trọng để chúng tôi hiện đại hóa đội tàu bay, làm chủ công nghệ và nâng cao năng lực bảo dưỡng máy bay.
Quá trình hợp tác với Boeing gắn liền với nỗ lực nâng cấp đội tàu bay vươn ra thế giới của Vietnam Airlines. Từ năm 1992, Vietnam Airlines đã bắt đầu khai thác các loại tàu bay Boeing 737-300, Boeing 767 thông qua hình thức thuê ướt. Từ năm 1995, Vietnam Airlines bắt đầu triển khai tiếp nhận và khai thác những chiếc máy bay Boeing 767 đầu tiên theo hình thức thuê khô.
Sau khi có các máy bay tầm trung, Vietnam Airlines xác định cần bổ sung máy bay tầm xa. Tháng 4/2003, Vietnam Airlines tiếp nhận và đưa vào khai thác chiếc máy bay thân rộng Boeing 777 đầu tiên. Thời gian cao điểm nhất, Vietnam Airlines có 10 máy bay Boeing 777. Năm 2015, Vietnam Airlines đưa vào khai thác và chuyển giao công nghệ thành công dòng máy bay hiện đại thế hệ mới nhất là B787 - Dreamliner - giấc mơ bay hàng đầu thế giới. Hiện, đội bay Boeing 787 của Vietnam Airlines có 15 chiếc, chủ yếu được đưa vào sử dụng trên các đường bay nội địa dài như Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, các đường quốc tế tầm trung và dài như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...
"Năm 2004, cùng với đội tàu bay Boeing 777 thân rộng Vietnam Airlines khai thác, đã đánh dấu thời kỳ bùng nổ về hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực hàng không", Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa
Cùng với quá trình hiện đại hóa tàu bay, hàng trăm phi công được Vietnam Airlines phối hợp cùng Boeing đào tạo để làm chủ công nghệ điều khiển tàu bay thế hệ mới. Đây là một trong những lực lượng phi công nòng cốt của Vietnam Airlines nói riêng, cũng như toàn ngành Hàng không Việt Nam nói chung, giúp đảm bảo hàng chục triệu chuyến bay nội địa, quốc tế cất cánh an toàn, hiệu quả suốt hàng chục năm qua.
Vào thời kỳ đầu, các tàu bay Boeing của Vietnam Airlines vẫn phải đi bảo dưỡng lớn (A-Check và cao hơn) tại nước ngoài. Một số kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Vietnam Airlines được cử đi đào tạo tại Hoa Kỳ, Anh, Úc. Đến năm 2004, cùng với đội tàu bay Boeing 777, đây là thời kỳ bùng nổ hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực hàng không. Nhiều kỹ sư, nhân viên kỹ thuật hàng không được gửi sang đào tạo trực tiếp tại các cơ sở của Boeing và các đối tác liên quan tại Hoa Kỳ. Năng lực bảo dưỡng kỹ thuật máy bay của Vietnam Airlines được nâng mức và phê chuẩn bảo dưỡng dạng C-Check. Các đại diện thường trú của hãng Boeing và các hãng sản xuất động cơ GE, Pratt&Whitney tại Việt Nam là cầu nối để đảm bảo năng lực khai thác và bảo dưỡng máy bay. Ngoài các công việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ bảo dưỡng máy bay, Boeing còn hỗ trợ một số lĩnh vực thuộc khai thác, thương mại và nhận diện thương hiệu mới (Bông sen vàng).
Có thể nói, hợp tác giữa Vietnam Airlines và Boeing là những bước tiến vô cùng quan trọng cả về lượng và chất cho công cuộc đổi mới ngành Hàng không Việt Nam, làm tiền đề cho những quá trình phát triển bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Việc khai thác, bảo dưỡng hiệu quả các tàu bay tiên tiến, thế hệ mới cũng khẳng định vai trò tiên phong của Vietnam Airlines, cũng như tốc độ hiện đại hóa và khả năng làm chủ công nghệ của Hàng không Việt Nam.
Đồng thời, quá trình này góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và chính trị giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Các ký kết mua tàu bay, hợp tác lớn giữa Vietnam Airlines và Boeing thường được thực hiện dưới sự chứng kiến của nguyên thủ Việt Nam và Mỹ, trong các chuyến thăm lãnh đạo cấp cao của 2 nhà nước.
Trải qua nhiều thủ tục khắt khe, ngày 28/11/2021, chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ đã cất cánh, hành trình TP.Hồ Chí Minh - San Francisco |
- Năm 2015, Vietnam Airlines chính thức khai thác dòng máy bay thân rộng Boeing 787, và 6 năm sau (tháng 11/2021) Vietnam Airlines đã hiện thực hóa được “giấc mơ bay Mỹ” của ngành Hàng không Việt Nam. Để có chuyến bay lịch sử này, Vietnam Airlines kiên trì thăm dò thị trường và tạo lập nền tảng cho chuyến bay suốt 20 năm. Điều đó chứng tỏ Vietnam Airlines đánh giá rất là cao thị trường hàng không Việt - Mỹ, trong đó có những đường bay triển vọng như TP.Hồ Chí Minh - Los Angeles, San Francisco và ngược lại?
Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Thị trường vận tải hàng không đến Mỹ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng bình quân 8%/năm trong giai đoạn trước dịch Covid-19, đạt 1,3 triệu lượt khách năm 2019.
Việc Hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng thiết lập đường bay trực tiếp tới Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy mà còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành Hàng không Việt Nam và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia.
Mở đường bay Mỹ là hành trình rất bền bỉ và khó khăn vì trong hoạt động hàng không, đường bay càng dài thì thách thức càng lớn. Năm 2001, Vietnam Airlines đã thành lập Văn phòng đại diện tại San Francisco, cho thấy tầm nhìn chiến lược của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đối với thị trường Mỹ được đặt ra từ rất sớm, trước cả khi hai nước ký kết Hiệp định Hàng không. Bay đến Mỹ có yêu cầu về an toàn kỹ thuật và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới, mức độ cạnh tranh giữa các hãng trên thị trường cũng rất khốc liệt nên trong lịch sử hình thành và phát triển ngành Hàng không Việt Nam chưa từng có đường bay nào mất nhiều thời gian và công sức để lập kế hoạch khai thác như vậy.
Xin phép bay đến Mỹ phải vượt qua rất nhiều thủ tục vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trước hết sẽ đánh giá năng lực Cục hàng không của quốc gia có hãng nộp đơn xin phép bay. Chỉ khi Cục hàng không được FAA chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) thì hãng hàng không quốc gia đó mới được phép mở đường bay đến Mỹ. Qua nhiều đợt thanh sát, tháng 2/2019, Cục Hàng không Việt Nam được FAA cấp CAT 1. Về phía hãng hàng không cũng phải hoàn tất thủ tục đánh giá của 9 cơ chức năng của Mỹ.
Ngày 28/11/2021, chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ đã cất cánh, hành trình TP Hồ Chí Minh - San Francisco. Đến nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển được hơn 139 ngàn lượt khách.
Chúng tôi tiếp tục nhận định Mỹ là thị trường lớn, dung lượng cao so với các thị trường đường dài khác của Vietnam Airlines. Tại Mỹ có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất của các tập đoàn Mỹ tới các nước Đông Nam Á. Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu các phương án bay đến Mỹ nhằm tăng tần suất lên 7 chuyến/tuần trên đường bay TP.Hồ Chí Minh - San Francisco và mở rộng mạng bay đến các điểm khác tại Mỹ trong thời gian tới.
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa: “Lập đường bay trực tiếp tới Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy mà còn thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia” |
Sân bay Long Thành, tàu bay 737 MAX và cơ hội của 2 bên…
- Đại diện cấp cao của Boeing đã nhận định rằng, Đông Nam Á là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Vậy, đối với Việt Nam, nhà chế tạo máy bay Mỹ có những cam kết hợp tác gì, nhất là khi Boeing và Vietnam Airlines đã ký Ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, trị giá 10 tỷ USD trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Joe Biden?
Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Nếu Vietnam Airlines đưa tàu Boeing 737MAX vào khai thác, Boeing cam kết hỗ trợ Vietnam Airlines trong công tác chuẩn bị để đưa tàu bay mới vào khai thác, đảm bảo an toàn hiệu quả. Các hỗ trợ đó là: đào tạo phi công, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, khai thác mặt đất; xây dựng chương trình bảo dưỡng, cung ứng phụ tùng vật tư, dụng cụ; thiết lập hệ thống, trang bị đào tạo phi công, tiếp viên trong và ngoài nước như thiết bị giả lập buồng lái B737Max (simulator), mô hình mô phỏng cabin tàu bay.
Năm 2001, Vietnam Airlines thành lập Văn phòng đại diện tại San Francisco, cho thấy tầm nhìn chiến lược của hãng đối với thị trường Mỹ được đặt ra từ rất sớm, trước khi hai nước ký kết Hiệp định Hàng không
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Boeing sẽ hỗ trợ Vietnam Airlines trong suốt quá trình đưa tàu bay vào khai thác. Đáng chú ý, Boeing sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ Vietnam Airlines xây dựng trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại sân bay Long Thành.
- Thưa ông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Tương lai gần, Vietnam Airlines sẽ có các trung tâm hậu cần và dịch vụ để cung cấp cho các đội bay quốc tế khai thác tại đây. Điều này chắc chắn sẽ thuận lợi hơn khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa Vietnam Airlines và Boeing?
Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Với vị trí chiến lược, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà với bán kính 4 giờ bay có thể bao quát toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này rất phù hợp đối với khai thác các đội bay thân hẹp như B737/A321 cũng như cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, dịch vụ logistic cho các khách hàng trong khu vực.
Boeing rất muốn chiếm lĩnh thị trường đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một thị trường có quy mô phát triển đội bay nhanh nhất thế giới. Còn Vietnam Airlines đang có kế hoạch đầu tư phát triển một cơ sở bảo dưỡng máy bay với khả năng cung cấp khoảng 1,5 triệu giờ bảo dưỡng/năm tại Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng cho các đội bay trong khu vực.
Ngày 10/9/2023, Vietnam Airlines đã ký Ghi nhớ về việc mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, trị giá 10 tỷ USD |
Sự hợp tác giữa Vietnam Airlines và Boeing có thể mang đến những lợi ích vô cùng to lớn cho cả hai bên. Boeing có thể gia tăng thị phần trong khu vực, Vietnam Airlines có hạ tầng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho đội bay Boeing và đồng thời có thể thu được lợi nhuận từ cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng.
Sự hợp tác của hai bên không chỉ mang lại lợi ích cho riêng cho Vietnam Airlines hay Boeing, mà còn cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và toàn ngành Hàng không Việt Nam. Với năng lực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay tốt, các hãng hàng không quốc tế có thể tin tưởng lựa chọn Long Thành làm sân bay khai thác, trung chuyển chính yếu trong khu vực, qua đó mang lại doanh thu lâu dài cho sân bay, cho ngành Hàng không và nền kinh tế Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!