Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung vào việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trao quyền cho lao động nữ và giảm rác nhựa trên đại dương. Ông cũng muốn thảo luận về các quy tắc toàn cầu về quản trị dữ liệu nhằm cân bằng việc bảo vệ tài sản cá nhân và trí tuệ với việc tăng cường sự cởi mở trong các dữ liệu y tế, công nghiệp và thông tin không mang tính chất riêng tư.
Ngoài các chủ đề này, sự chú ý của dư luận đang đổ dồn về cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa 2 nước chưa có dấu hiệu lắng dịu. Cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tới là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 7 tháng trở lại đây. Tại cuộc gặp, 2 bên dự kiến sẽ thảo luận về quan hệ đang xấu đi giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc điện đàm và nhất trí gặp mặt tại Osaka, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước vốn đã sụp đổ từ đầu tháng 5 vừa qua, sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc từ bỏ các cam kết của nước này. Sau khi khởi động cuộc chiến thương mại gần 1 năm, 2 bên đã áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước đối tác. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm lại đà tăng trưởng của thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, triển vọng 2 bên đạt được tiến triển tại cuộc gặp lần này là khá mong manh. Các quan chức Nhà Trắng đã từ chối thảo luận về những kỳ vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này, chỉ nói rằng họ hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuân theo các cam kết về cạnh tranh công bằng. Còn giới chức Trung Quốc đã công khai cho biết họ không vội vàng ký kết một thỏa thuận. Theo một nguồn tin, tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng không đi sâu vào các chi tiết của một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa 2 nước mà dự kiến sẽ tìm cách để thiết lập một quỹ đạo mới cho quan hệ với Mỹ. Các chuyên gia thương mại Trung Quốc cũng thừa nhận sự bất đồng trong giới chính sách của nước này về việc đối đầu với Mỹ về thương mại.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế sẽ là vấn đề được tập trung bàn thảo tại hội nghị. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự hội nghị lần này chỉ 1 tuần sau khi hủy bỏ quyết định không kích trả đũa Iran vì vụ Tehran bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Trước đó, một số tàu chở dầu cũng đã bị tấn công ở khu vực vùng Vịnh, kéo theo việc Mỹ điều động thêm lực lượng tới Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 đã ký sắc lệnh điều hành, theo đó áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Đại giáo chủ Ali Khamenei - Lãnh tụ tối cao và các nhân vật cấp cao khác của Iran.
Phản hồi động thái của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 25/6 cho rằng những lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các quan chức nước này đã đóng vĩnh viễn cánh cửa ngoại giao giữa 2 nước. Bộ Ngoại giao Iran cũng cáo buộc Chính phủ của ông Trump đang phá hủy các cơ chế quốc tế đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
Nguy cơ bùng nổ xung đột ở Trung Đông đã khiến giá dầu trên thế giới tăng. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, bên lề hội nghị lần này, ông Trump sẽ gặp ít nhất 8 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin để vận động các nước này ủng hộ cho việc áp các lệnh trừng phạt đối với Iran.