Ngày 3/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) và các hội nghị Bộ trưởng ngoại giao liên quan bao gồm ASEAN +1 với 10 nước đối tác đối thoại, ASEAN +3 với các nước Đông Bắc Á lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia cấp cao Đông Á lần thứ 7 và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại Manila, Philippines từ 4 đến 8/8/2017. Cũng trong thời gian này sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng các khuôn khổ hợp tác Mekong với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ và lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN 8/8/1967-8/8/2017.
Theo Người phát ngôn, với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm mục tiêu tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc tiếp tục cam kết đẩy mạnh xây dựng cộng đồng và đóng góp sáng kiến thúc đẩy triển khai, góp phần vào việc tăng cường hợp tác, củng cố đoàn kết nội khối, tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực; đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN và các đối tác, nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, việc tham gia hội nghị cũng nhằm nâng cao hình ảnh và vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, quy định của ASEAN thì các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ xem xét thông qua thỏa thuận khung COC đã được các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc hoàn tất tại Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về tham vấn COC diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.
Trả lời câu hỏi về hiệu quả của Bộ quy tắc này đối với việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, bà Hằng khẳng định lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và Biển Đông. “Trên cơ sở đó, ASEAN luôn nhất trí cần sớm có một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, bà nhấn mạnh.
Trước đó, tờ Sun Star Manila ngày 1/8 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho biết ông mong đợi bản khung về Quy tắc ứng xử sẽ được các Bộ trưởng diễn ra vào ngày 6/8 tới. Ông Bolivar nói rằng việc thông qua khung COC sẽ “củng cố cam kết” của các bên liên quan, muốn đạt COC để tránh xung đột quân sự trên Biển Đông. Theo ông này, ngay sau khi tiến trình thông qua dự thảo khung COC được hoàn tất, một nhóm làm việc sẽ bắt tay ngay vào các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử này để trình ra cho các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc thông qua tại hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Nếu được các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc phê chuẩn, dự thảo khung COC sẽ dọn đường cho hai bên soạn thảo COC vào năm sau. Các nhà quan sát cho rằng đây sẽ là bước tiến lớn của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông và cũng là thành tựu quan trọng của Philippines trên cương vị Chủ tịch ASEAN.