Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, do UBND TP Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức.
Hội chợ năm nay diễn ra từ ngày 23/11/2022 - 27/11/2022 tại Quảng trường (Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall - Khu Đô thị Vinhomes Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).
Không chỉ cư dân Khu Đô thị Vinhomes Royal City, mà nhiều người dân Thủ đô đến Hội chợ để thưởng thức đặc sản vùng miền |
Hội chợ có quy mô 260 gian hàng, thu hút 350 doanh nghiệp, Hợp tác xã của hơn 60 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Đặc biệt, tại Hội chợ năm nay có 54 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia tổ chức “Gian hàng đặc sản” của địa phương, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Bánh tráng dừa- Sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Định |
Không gian hội chợ được phân bổ thành các không gian như: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung... Nhiều Khu không gian của các tỉnh, thành phố trên cả nước có thiết kế đặc biệt, tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền như: An Giang, Bình Định, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Hà Giang... tạo thành những ngày hội đặc sản, du lịch, văn hóa của các vùng miền trong cả nước.
Bên cạnh đó, hội chợ còn có Khu trưng bày các sản phẩm quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch các nước; Khu trưng bày, trình diễn ẩm thực 3 miền; Khu thưởng trà; Khu trưng bày sản phẩm OCOP...
Trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Phát biểu tại Lễ khai mạc tối 23/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam được tổ chức vào tháng 11 hàng năm tại TP Hà Nội nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho biết, qua các kỳ tổ chức, Hội chợ không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Hành, tỏi Lý Sơn |
Đồng thời, Hội chợ là cầu nối giao thương cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị và người tiêu dùng.
“Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác tổ chức hội chợ luôn được Thành phố chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng. Sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm, lựa chọn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp, quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương, các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... “ - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm.
Khách mời thưởng thức đặc sản địa phương ngay tại Hội chợ |
Không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam diễn còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch...
Đặc biệt, bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức bố trí chương trình giao thương kết nối doanh nghiệp giữa 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội như: Winmart, Lotte Mart, Aeon, Central Retail, MM Mega Maket, BRG, hệ thống siêu thị Tứ Sơn An Giang, BigGeen, các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Hội chợ còn là nơi quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch |