Hội nghị còn có sự tham dự các đại biểu của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Hiệp hội Công chứng Việt Nam, Hội Công chứng ở một số tỉnh, TP, các đơn vị đối tác liên kết đào tạo, giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng là các công chứng viên ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước và đại diện học viên tham gia Chương trình đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Tư pháp TS Nguyễn Xuân Thu cho biết sau 3 năm Học viện Tư pháp tổ chức triển khai đào tạo nghề công chứng theo hình thức tín chỉ đã đạt được những kết quả tích cực. Nhân dịp này, Hội nghị cũng mong muốn tiếp thu các ý kiến để có thể sửa đổi một số quy định có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng ở Việt Nam nhằm đưa công tác đào tạo những con người làm nghề công chứng phát triển xứng tầm, đồng thời góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện pháp luật về nghề công chứng trong thời gian tới.
Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Tư pháp TS Nguyễn Xuân Thu phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, chương trình đào tạo nghề công chứng hiện nay có tổng thời lượng 38 tín chỉ (TC) được thiết kế theo chuẩn đầu ra với các khối kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp rõ ràng. Để triển khai thực hiện, Học viện Tư pháp đã ban hành Chương trình chi tiết, đề cương môn học; chọn lựa đội ngũ giảng viên gồm 76 người là những giảng viên, công chứng viên kỳ cựu, uy tín và có chuyên môn giỏi đang hành nghề trong các tổ chức hành nghề ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên về nội dung, phương pháp đào tạo theo tín chỉ; biên soạn bộ giáo trình, sưu tầm, khai thác, biên tập mới 66 hồ sơ tình huống phục vụ hoạt động đào tạo…
Sau 03 năm qua, Học viện Tư pháp đã tuyển sinh được 03 khoá đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ với tổng số 5.000 học viên được đào tạo (chiếm tỷ lệ 47,86% tổng số học viên đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp từ khi thành lập đến nay), trong đó có 2.605 học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ (chiếm tỷ lệ 36,62% tổng số học viên đào tạo nghề công chứng đã tốt nghiệp).
Các đại biểu tham gia trực tuyến |
Tuy nhiên, hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về sự phân định đối tượng cũng như chất lượng đầu vào không đồng đều người học của chương trình, hiệu quả hoạt động đào tạo chưa cao như kỳ vọng, hệ thống học liệu phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập vẫn còn hạn chế nhất là khi phải tổ chức đào tạo trực tuyến; chưa có sự gắn kết thực sự giữa giai đoạn đào tạo ban đầu tại Học viện Tư pháp với giai đoạn tập sự hành nghề công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng và kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng của Bộ Tư pháp.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề công chứng các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: tiếp tục công tác phát triển đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo nghề công chứng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nhằm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học, bổ sung những nội dung mới phát sinh trong thực tiễn hành nghề công chứng mà chương trình còn thiếu như các kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị văn phòng, quản trị nguồn nhân lực, các vấn đề về thuế, các hợp đồng giao dịch, kỹ năng nhận diện, đánh giá xử lý, phòng ngừa lừa đảo của chủ thể tham gia hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định, quy chế về đào tạo theo hệ thống tín chỉ và các quy chế khác có liên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động đào tạo nghề công chứng ...
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác sửa đổi, bổ sung Chương trình khung đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ theo hướng nâng chuẩn đầu ra đối với người học và sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Công chứng và những văn bản pháp luật khác có liên quan hoặc ban hành Thông tư quy định hướng dẫn về đào tạo và tập sự hành nghề công chứng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc đào tạo nghề công chứng.
Hình ảnh một số đại biểu tham gia thảo luận: