Vừa mới ra đời hơn 1 tháng, nhưng ứng dụng tải app IBG được cho là của Công ty IBG tại Mỹ (được Công ty IBG Việt Nam liên kết phát triển) đã thu hút hơn 40 ngàn người tải ứng dụng vì được quảng bá rằng đây sẽ là nơi “làm giàu không khó”. Chỉ cần tải app, người dùng sẽ không cần làm gì vẫn được app tự động tặng 0,033% điểm IBG/1 ngày.
Về bản chất, người dùng app này muốn tiêu dùng thật sự thì phải dùng tiền thật đổi qua USD sau đó đổi ra USDT (một loại tiền ảo được một số nơi chấp nhận) và từ USDT này sẽ đổi qua IBG của Công ty IBG. Giá trị của 1USD = 1USDT = 1 IBG rồi dùng IBG để mua bán các sản phẩm có trên cộng đồng app IBG.
Cái để thu hút lòng tham của các nhà đầu tư đổ tiền vào app này nằm ở chỗ nghe quảng bá có tính năng tự động nhân 5 lần số điểm mỗi lần nạp tiền vào app và sẽ còn hoàn tiền 80% (hoàn điểm) bằng việc tự động nhân tiếp 0,2%/1 ngày nên khi đầu tư vào đây sẽ mang lại khoản lợi kếch xù.
Thế nhưng điều lạ là trong buổi làm việc với Báo Pháp luật Việt Nam vừa qua, ông Kim Ngọc Phác, đại diện Công ty IBG Việt Nam đã hoàn toàn phủ nhận những tính năng như được quảng bá rầm rộ suốt thời gian qua trên mạng xã hội và cho rằng những lời quảng bá như vậy là sai sự thật và không phải do IBG đưa ra mà do người dùng tự quảng bá đồn đoán với nhau.
“Công ty IBG chưa bao giờ nói sẽ hoàn tiền 80%, mà đây chỉ là dịch vụ tích điểm, hoàn điểm cho khách hàng thân thiết. Số điểm này sẽ tự động sinh ra bằng các thuật toán. Tuy nhiên không có chuyện số điểm sẽ tự nhân lên gấp 5 lần mỗi khi người dùng nạp tiền vào. App cũng không tự động nhân 0,2%/1 ngày trên số IBG khách hàng đang có, mà nó chỉ sinh ra trên số IBG đã tham gia giao dịch. Để hoàn được 80% điểm tiêu dùng thì ít nhất phải mất 10 năm mới hoàn được 80% điểm đó, chứ không phải một vài năm như nhiều người nghĩ. Chính vì thế thuật toán này chỉ là chiêu trò đánh lừa vào nhận thức, lòng tham của con người, chứ không phải siêu lợi nhuận như mọi người nghĩ”, ông Phác nhấn mạnh.
Ông Phác cũng thừa nhận, IBG Việt Nam chỉ có 3 nhân viên, nhưng sau khi bị truyền thông vào cuộc thì hai nhân viên đã xin nghỉ vì sợ tai tiếng, còn lại duy nhất là ông Phác, nhưng ông cũng chỉ là nhân viên thử việc của Công ty IBG Việt Nam. Thế nhưng trớ trêu thay, trên trang web của IBG thì ông Phác lại được giới thiệu là Giám đốc đào tạo của IBG Việt Nam.
Quá rủi ro khi nộp tiền vào app IBG
Đến thời điểm hiện nay, app IBG vẫn chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào tại Việt Nam thừa nhận, cấp giấy phép hoạt động vì đây được xem là hoạt động kinh doanh tiền ảo.
Tuy nhiên, đại diện Công ty IBG cho rằng, đây không phải kinh doanh tiền ảo, không phải là hoạt động đa cấp, chia hoa hồng 18 cấp, mà đây chỉ là một trang bán thương mại điện tử, tích điểm tiêu dùng cho cộng đồng trong app IBG.
Vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư vào app này quên mất, liệu rằng điểm IBG và IBG có đổi ra được USDT, USD, VNĐ hay không? Trả lời về vấn đề này, đại diện IBG Việt Nam khẳng định, không thể biết vì IBG Việt Nam hoàn toàn không chịu trách nhiệm về giá trị của IBG cũng như quá trình người tiêu dùng mang tiền thật đi đổi qua trung gian thành IBG.
“Việc IBG có giá trị để mua hàng hóa, để đổi ra tiền hay không là do người dùng app tự thỏa thuận với nhau, thích thì người ta đổi, mua được hàng, còn không thích, không vui thì quyền của người ta vì đó là sự tự nguyện thỏa thuận”, đại diện IBG Việt Nam nói.
Từ những thừa nhận trên của đại diện IBG Việt Nam cho thấy, việc nộp tiền để tham gia vào app IBG là quá nguy hiểm và rủi ro vì như đại diện IBG đã khẳng định, sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm gì về việc IBG có giá trị hay không vì đó là sự tự nguyện thỏa thuận. Do đó, đại diện IBG Việt Nam cho rằng nên cảnh báo cho người dùng không nên bỏ nhiều tiền vào app này, mà chỉ nên bỏ vào khi có nhu cầu thật sự để mua các sản phẩm trên app này.
IBG Mỹ có quan hệ như thế nào với IBG Việt Nam. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT IBG Việt Nam cho biết do thấy mô hình IBG Mỹ rất hay nên năm 2018, vợ chồng ông đã qua Mỹ tham khảo để tìm cách hợp tác và trước dịch Covid-19, hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác tại Mỹ.
Tuy nhiên thực tế cho thấy app IBG Mỹ (IBG.zone) mới được thành lập năm 2020 và đến giữa năm 2020 IBG Việt Nam mới được thành lập nên không thể có chuyện vợ chồng ông Bình qua Mỹ để tham khảo và tìm cách hợp tác làm ăn với IBG Mỹ từ 2018.
Hiện nay trang ibg.zone đã ngưng hoạt động sau khi bị truyền thông vạch trần những chiêu trò giống với app MyAladin.
Một trang mới đã xuất hiện thay thế cho ibg.zone là ibgloyalty.com, nhưng xem qua thì người dùng vẫn bị mê hoặc bởi những lời quảng bá hết sức ngọt ngào về những lợi ích khi tham gia app này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.