Được đăng ký theo yêu cầu với một số loại tài sản
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan cho biết: Thực hiện sự phân công của Lãnh đạo Bộ, Cục đã tiến hành rà soát tổng số 59 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ĐKTS để đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng chính sách hoàn thiện. Qua rà soát, bên cạnh những kết quả đạt được thì thể chế về ĐKTS hiện nay có nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện để việc đăng ký thực sự là công cụ quan trọng góp phần đảm bảo sự an toàn của chủ sở hữu, của giao dịch; công khai, minh bạch hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản; khuyến khích các tổ chức, cá nhân yên tâm làm giàu cho mình, cho xã hội.
Dự kiến phạm vi điều chỉnh của đạo luật về ĐKTS chỉ tập trung đăng ký quyền, giao dịch đối với tài sản là bất động sản và các loại tài sản khác theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Còn việc quản lý về hiện trạng bất động sản (diện tích, kết cấu, tính chất, mục đích sử dụng sẽ được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng...).
Đáng chú ý, đạo luật về ĐKTS sẽ giới hạn các loại tài sản thuộc đối tượng đăng ký, phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là các loại tài sản bắt buộc phải đăng ký, áp dụng đối với quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản là bất động sản... Đây là những tài sản mà Nhà nước phải quản lý chặt chẽ để thúc đẩy các giao dịch được xác lập, thực hiện an toàn và phục vụ sự phát triển bền vững của đời sống kinh tế - xã hội.
Nhóm 2 là các loại tài sản được đăng ký theo yêu cầu. Việc đăng ký được thực hiện theo yêu cầu trong trường hợp chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền lợi liên quan đến tài sản mong muốn được pháp luật công nhận và bảo vệ thông qua hệ thống đăng ký. Trường hợp này có thể là đăng ký đối với những tài sản có giá trị kinh tế lớn mà pháp luật hiện nay chưa quy định về đăng ký quyền sở hữu, có thể là đăng ký cho các giao dịch/hợp đồng liên quan đến bất động sản như cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ... hoặc cơ chế đăng ký tạm áp dụng đối với các trường hợp đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nhiều tài sản mới chưa được nghiên cứu điều chỉnh
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải chỉ ra hàng loạt bất cập của hệ thống đăng ký hiện nay của Việt Nam và đề xuất ĐKTS cần theo hướng là ghi nhận sự kiện pháp lý về tài sản và công khai sự kiện đó, tương tự như đăng ký hộ tịch. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai nhận định, tuy đạo luật về ĐKTS dự kiến giới hạn 2 nhóm tài sản nhưng chưa chú trọng đến các loại tài sản được đăng ký theo yêu cầu, trong đó có tài sản hình thành trong tương lai như quyền sở hữu trí tuệ.
Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn chứng một số trường hợp cụ thể đang có sự chưa nhất quán. Chẳng hạn, quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký, trong khi nhà ở và tài sản gắn liền với đất lại đăng ký theo yêu cầu nhưng chỉ khi nào đăng ký mới được giao dịch thì có khác gì bắt buộc đăng ký không. Hay việc đăng ký phương tiện giao thông thì Bộ Công an cho rằng đăng ký là để lưu hành, song Bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng đăng ký là để sở hữu nữa. Từ đây, nguyên Thứ trưởng đánh giá, chúng ta vẫn chưa có một chủ quyết thống nhất, phụ thuộc vào các bộ, ngành liên quan nên đạo luật về ĐKTS phải tạo cơ hội thống nhất được nhận thức.
Yêu cầu tiếp tục rà soát pháp luật về ĐKTS, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh nguyên tắc không bắt buộc ĐKTS nhưng nếu dân tự nguyện, thấy sự cần thiết đăng ký để khi đưa vào giao dịch trên thị trường thì phải làm sao rất dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện, không mất công sức, thời gian xác minh. “Đăng ký là tham gia vào đầu vào của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm chi phí cho xã hội” - Bộ trưởng bày tỏ. Theo Bộ trưởng, hiện đã có một hệ thống đăng ký rồi nhưng ngày càng có nhiều loại tài sản mới xuất hiện thì nên đi theo hướng “lấp” được các khoảng trống, dư địa đối với những loại tài sản này nhằm tăng tính chuyên nghiệp về hoạt động đăng ký.