Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Một tương lai tích cực với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học (COP16) đã diễn ra trong thời gian 21/10 đến 1/11 tại Cali, Columbia, với lời kêu gọi khẩn thiết về hành động và hỗ trợ tài chính nhằm đảo ngược sự tàn phá nghiêm trọng mà con người đã gây ra đối với đa dạng sinh học (ĐDSH). Khoảng 23.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia đã tham dự, trong đó có khoảng 100 bộ trưởng và hàng chục nguyên thủ quốc gia, nhằm tìm ra các biện pháp cấp bách để ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu.

Một trong những mục tiêu chính của COP16 là thúc đẩy việc thực hiện Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), được thông qua tại COP15 vào năm 2022 tại Canada. Kế hoạch GBF đề ra lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn về một thế giới hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050, với 23 mục tiêu cụ thể nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái ĐDSH đến năm 2030. Trong số đó, mục tiêu khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển toàn cầu đến năm 2030, cùng với việc ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài do con người gây ra, là những ưu tiên hàng đầu.

Trước thềm COP16, trong thông điệp qua video gửi đến Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang đi chệch hướng trong việc thực hiện các mục tiêu ĐDSH đến năm 2030. Ông cảnh báo rằng sự phá hủy thiên nhiên dẫn đến gia tăng xung đột, bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu và sự mất mát di sản văn hóa. Ông kêu gọi các quốc gia biến những lời nói thành hành động cụ thể, với những cam kết đầu tư mới và mạnh mẽ vào các quỹ bảo tồn để triển khai GBF.

Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), công bố vào ngày 9/10, cho thấy số lượng các loài động vật hoang dã, bao gồm động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm hơn 70% trong vòng 50 năm qua. Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), dựa trên dữ liệu của 35.000 quần thể từ hơn 5.000 loài, phản ánh tốc độ và quy mô suy thoái ĐDSH chưa từng thấy. Lin Li, Giám đốc cấp cao về chính sách toàn cầu của WWF nhấn mạnh: “Những con số này cho thấy hệ sinh thái trên hành tinh đang ở mức báo động. Nếu không giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất ĐDSH, hệ sinh thái sẽ đạt đến điểm giới hạn và không thể phục hồi”.

Tại COP16, Tổng thống Colombia, Gustavo Petro đã chỉ ra những thách thức lớn hiện nay như sự tích tụ của cải vào tay 1% dân số toàn cầu, sự leo thang của bạo lực và chiến tranh, các nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và trí tuệ nhân tạo tiêu tốn nhiều năng lượng. Những yếu tố này đang làm mất đi sự cân bằng cần thiết cho sự sống trên Trái Đất. Ông kêu gọi một “cuộc cách mạng toàn cầu” để bảo vệ sự sống còn, thông qua các giải pháp như giảm phát thải carbon, tái cấu trúc hệ thống tài chính và kinh tế, cải cách chính sách khí hậu…

Đồng thời, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển Bền vững của Colombia, Susana Muhamad cũng bổ sung rằng, để đạt được “hòa bình với thiên nhiên” cần các cơ chế thực thi và sự thay đổi nhận thức, trong đó thiên nhiên không chỉ là một nguồn tài nguyên, mà là nền tảng cho sự sống của loài người. Bà khẳng định quá trình giảm phát thải carbon và khôi phục thiên nhiên phải được thực hiện đồng thời để đảm bảo sự cân bằng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh có khoảng 1 triệu loài trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Phối hợp giữa hành động khí hậu và đa dạng sinh học

Các chuyên gia toàn cầu khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hành động về khí hậu và ĐDSH. (Ảnh: enb.iisd.org).

Các chuyên gia toàn cầu khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hành động về khí hậu và ĐDSH. (Ảnh: enb.iisd.org).

Bên lề COP16, các chuyên gia toàn cầu khuyến nghị việc cải cách hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp gây tổn hại môi trường là giải pháp then chốt để bảo vệ và sử dụng bền vững ĐDSH. Đây cũng là Mục tiêu 18 của GBF, các quốc gia cần xác định và loại bỏ các biện pháp gây hại trước năm 2025, đồng thời cắt giảm ít nhất 500 tỷ USD trợ cấp có hại mỗi năm đến năm 2030; đồng thời tăng cường các biện pháp khuyến khích tích cực nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm những tiến bộ trước đây chưa đủ mạnh, do đó cần thêm điều chỉnh trong dòng chảy tài chính để ngăn chặn suy thoái ĐDSH. Chuyên gia Eva Zabey từ tổ chức Business for Nature chỉ ra rằng toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ điều này. Bà khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia cải cách trợ cấp. Tuy nhiên, trở ngại, khó khăn lớn đối với các cuộc cải cách đến từ sự phản đối từ những người hưởng lợi trực tiếp từ các nguồn tài chính này.

Cạnh đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và ĐDSH đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ nhằm giải quyết các thách thức lớn mà cả hai lĩnh vực đang đối mặt. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lồng ghép các chiến lược bảo tồn ĐDSH (NBSAP) và các đóng góp quốc gia (NDC) về khí hậu vào chính sách phát triển của mình. Mặc dù các lĩnh vực này thuộc những hiệp ước quốc tế riêng biệt, nhưng sự phối hợp sẽ mang lại hiệu quả vượt trội cho cả hai cuộc khủng hoảng.

Chuyên gia Lena Katzmarski từ tổ chức GIZ (Đức) nhấn mạnh rằng việc khai thác mối liên kết giữa khí hậu và ĐDSH sẽ giúp các quốc gia ứng phó tốt hơn trước những thách thức chung; tuy nhiên, để các chính sách này có thể thực thi, cần nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Do đó, việc phối hợp giữa khí hậu và ĐDSH không chỉ đơn thuần là thừa nhận sự kết nối, mà cần có chiến lược thực hiện rõ ràng và quyết liệt.

Ông Jeffrey Sachs từ Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu và ĐDSH là hai mặt của cùng một vấn đề và giải pháp tổng thể sẽ giúp xây dựng một tương lai đáng mong đợi.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Daniel Mukubi từ Cộng hòa Dân chủ Congo chia sẻ rằng đất nước của ông đã tìm ra những yếu tố giúp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong cả hai lĩnh vực. Tuy nhiên, một thách thức lớn là không có cơ chế tài trợ riêng biệt cho ĐDSH, giống như với lĩnh vực khí hậu, khiến việc triển khai các chiến lược bảo tồn trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Brazil đã hoàn tất kế hoạch khí hậu và mỗi bang cũng đã có những kế hoạch bảo tồn riêng biệt, thể hiện sự kết hợp toàn diện giữa các lĩnh vực này.

Đáng nói, quá trình chuyển đổi năng lượng không thể tách rời khỏi việc bảo vệ các hệ sinh thái quý giá và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Diễn đàn “Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy bảo tồn ĐDSH” trong khuôn khổ COP16, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp hai lĩnh vực này. Jinyu Xiao, đại diện Tổ chức Phát triển và Hợp tác Liên kết Năng lượng Toàn cầu (GEIDCO) cho rằng, đây là cơ hội để các quốc gia cùng xây dựng sự đồng thuận trong việc thiết lập các chính sách quản trị toàn diện, vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, vừa bảo vệ ĐDSH.

Theo đó, ngành năng lượng cần chuyển mình, không chỉ trong sản xuất mà còn trong tiêu thụ, theo hướng hài hòa với thiên nhiên. Đây là con đường duy nhất để bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn, Columbia có “Sứ mệnh truyền tải” - một kế hoạch hiện đại hóa hệ thống lưới điện quốc gia nhằm hỗ trợ mô hình năng lượng bền vững. Trong khi đó, Trung Quốc có giải pháp hợp tác quản trị để vừa bảo vệ ĐDSH, vừa đảm bảo sự chuyển đổi năng lượng. Các giải pháp quan trọng khác bao gồm việc đổi mới, kết hợp công nghệ và bảo vệ thiên nhiên.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc tích hợp các yếu tố biến đổi khí hậu vào chiến lược bảo tồn thiên nhiên. Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH và Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) đều nhằm mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời giảm thiểu tác động của khí hậu. Việt Nam không chỉ cam kết bảo vệ rừng tự nhiên mà còn tích cực tái sinh các hệ sinh thái ngập nước, vùng đầm lầy và vùng biển - những khu vực đặc biệt nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cũng đang được đẩy mạnh. Các dự án năng lượng ở Việt Nam đang ngày càng gắn kết với việc bảo vệ rừng và các hệ sinh thái biển, nhằm đảm bảo rằng sự phát triển không đi ngược lại với mục tiêu bảo tồn ĐDSH.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.