74 năm nay, cứ đúng dịp mùng 2/9, người dân miền ngược miền xuôi từ công sở đến các gia đình, ai cũng rục rịch xem lịch để lên kế hoạch hội ngộ, mừng Ngày Quốc khánh. Ban đầu, cụm từ “Tết Độc lập” được dành riêng cho Tết Bính Tuất năm 1946 - Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Kể từ ngày đó, Tết Độc lập được nhân dân ta sử dụng trong dịp mừng Quốc khánh hằng năm.
Có lẽ, hơn một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới, người dân Việt Nam thấm thía vô cùng sâu sắc giá trị của “độc lập”, “tự do” được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ thực dân, phát xít.
Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền.
Những người già vẫn kể lại rằng, vào Tết Độc lập đầu tiên, trước thời khắc Giao thừa, Bác Hồ đã cải trang, hoà mình vào dòng người đi lễ và hái lộc trong đền Ngọc Sơn rồi đến thăm một vài gia đình nghèo nhất, không có Tết và đề nghị lãnh đạo Hà Nội lo Tết cho đồng bào nghèo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Sau này, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc, Bác vẫn không ngừng trăn trở: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù.
Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong Di chúc, điều mong muốn cuối cùng và cũng là mong muốn lớn nhất của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Khát vọng ấy cũng chính là lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu và hướng tới.
***
Đối với dân tộc Việt Nam, không một gia đình, không một xóm làng nào trên khắp dải đất hình chữ S này mà không phải chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Để tới được cái đích là hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có khoảng 3 triệu người Việt Nam nằm xuống. Hàng vạn ngôi mộ Liệt sỹ chưa biết tên vẫn là nỗi đau chưa bao giờ nguôi trong mỗi gia đình.
Bởi vậy, khát vọng hoà bình, khát khao xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN luôn là đích đến trong mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Để tới được cái đích hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, biết bao thế hệ cha anh đã phải chiến đấu hi sinh. |
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học lớn, là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta ngày nay là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, được tạo ra trên cơ sở kết hợp giữa các hoạt động: chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, đối ngoại….
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến quyền con người của các cuộc cách mạng ở Mỹ và ở Pháp. Từ quyền con người đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành quyền của các dân tộc thuộc địa được sống trong độc lập, tự do. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu cao cả, thiêng liêng của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
***
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền với nội dung cơ bản là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nguyên tắc thống nhất quyền lực và có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp…
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã khẳng định nhất quán đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phải tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả cao hơn trong thực hiện dân chủ, tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.
Hình ảnh lễ diễu binh mừng Ngày Độc lập 2/9. |
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, gắn với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn đan xen, lồng ghép vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn.
Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội.
Phát biểu tại khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp quốc tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc”.
Lễ diễu binh mừng Ngày Độc lập 2/9. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bởi vậy, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là người “gác gôn” của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc, thời gian qua, ngành Tư pháp đã không ngừng nỗ lực góp phần vào việc tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngành Tư pháp cũng đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, kỷ cương xã hội.
***
Có lẽ, mùa thu luôn là thời khắc khiến mỗi người chúng ta dâng trào nhiều cảm xúc. Trong tiết thu ấy, được sống trong không khí tưng bừng mừng Ngày Quốc khánh trên khắp mọi miền Tổ quốc, được hít thở không khí trong lành của một đất nước hoà bình, mỗi nhà báo cách mạng Việt Nam, trong đó có những người làm báo Báo PLVN càng không quên được trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm báo với việc giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc. Và mỗi chúng ta càng trân trọng hơn khát vọng hoà bình, khát vọng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.