ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu: Tôi thấy dự luật hiện chỉ quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp được hưởng sự hỗ trợ mà chưa quy định trách nhiệm của người có nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu có vi phạm xảy ra thì xử lý đối tượng này như thế nào? Trong khi đó, đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi chính sách.
Cũng liên quan đến vấn đề quy trách nhiệm, đại biểu nói: Dự luật quy định nếu vi phạm thì phải hoàn trả lại hỗ trợ. Nhưng vấn đề chúng ta cần quy định rõ là mức hoàn trả như thế nào, tiêu chí nào để xác định mức vi phạm, mức hoàn trả tương xứng với vi phạm. Có như thế, mới tạo ra được sự công bằng, và có tính khả thi.
“Việc hỗ trợ liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể, xác định trách nhiệm hoàn trả là ai? Khi quy định không cụ thể thì có khả thi không? Hỗ trợ thì dễ, nhưng hoàn trả là khó” – ĐB Hạnh nói.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị khi có vi phạm, cần thiết phải thực hiện cả chế tài xử phạt và công khai hành vi vi phạm.
Đồng quan điểm với ĐB Hạnh, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu: Doanh nghiệp vẫn kêu vẫn phải “bôi trơn”. Trong khi đó, tinh thần của Thủ tướng là xây dựng chính phủ kiến tạo. Theo tôi, cần quy định trách nhiệm cá nhân trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Điều 32 cũng có những quy định về vấn đề xử lý vi phạm. Nhưng tôi thấy đó là xử lý vi phạm của doanh nghiệp, chứ không có quy định xử lý những sai phạm của người hỗ trợ. Cần quy định chặt chẽ nghiêm khắc hơn. Cần xử lý và công khai những sai phạm.” – ông nói.
ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề nghị cần xác định lại đối tượng được hưởng sự hỗ trợ theo luật này. Lý do ông đưa ra là bởi nguồn lực hỗ trợ của chúng ta không lớn, nên cần thu hẹp phạm vi, không nên bình quân dàn đều. “Cần xác định, tập trung doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vì đây là doanh nghiệp yếu thế, đồng thời cần xem xét một số đối tượng không nên hỗ trợ dù là vừa và nhỏ.” – ĐB đưa quan điểm.
Cũng theo ĐB tỉnh Long An, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ là vấn đề lãi suất cao, mà còn nhiều vấn đề khác như tài sản thế chấp.
Dự thảo đã đưa ra hai công cụ hỗ trợ nhưng đại biểu cho rằng như hiện nay, quy định này rất hạn chế. Đại biểu đề nghị: “Hình thức có thể mở rộng là cho vay có tài sản bằng động sản theo thông lệ quốc tế. Kiến nghị dự thảo cần có quy định rõ hơn về bảo lãnh tín dụng cho đối tượng này.”
Phát biểu trong buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Đây là bộ luật hết sức quan trọng. Nghị quyết TW 5 đã xác định kinh tế tư nhân là thành phần quan trọng. Bày tỏ quan điểm về buổi thảo luận của Quốc hội, ông nói: Qua những phát biểu của QH, đều cho thấy đây là đối tượng cần hỗ trợ. Tuy nhiên có một số ý kiến của ĐB rất khó để đưa vào luật hóa, có những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp. Ban soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu ở mức tối đa.
Bộ trưởng cũng bày tỏ: Đây là lần đầu tiên chúng ta ban hành luật để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta làm như vậy là chậm. Nhưng phải làm để có cơ sở pháp lý. Cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hết sức quan tâm. Cách tiếp cận của chúng ta xác định nhu cầu các doanh nghiệp này cần để thiết kế nội dung hỗ trợ, chứ không phải ta có cái gì thì đưa vào để cấp cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã khảo sát để biết các khó khăn, các hạn chế khiến doanh nghiệp không thể lớn, không thể phát triển. Chúng ta đã chuyển hóa theo tinh thần xây dựng nhà nước kiến tạo, doanh nghiêp không phải là đối tượng quản lý, mà là đối tương phục vụ, đồng hành cùng sự phát triển.”
Dự kiến Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được thông qua tại kỳ họp này.