Tình yêu nảy mầm trước khi gặp gỡ
Có lẽ, Hồ Tây bước vào trong trái tim mỗi người phương Nam đã từ rất lâu rồi, từ trước khi được đặt chân ra Hà Nội, Thủ đô yêu dấu. Trong tình yêu về Thủ đô, luôn thấp thoáng bóng dáng hồ Tây ở đó. Bởi đã có quá nhiều áng văn, thơ bất hủ, những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời viết về hồ Tây, thấm vào tâm hồn mỗi người Việt nói chung và người dân phương Nam nói riêng, từ thuở thiếu thời.
Từ trong kho tàng ca dao, những câu thơ về Hồ Tây hầu như ai ai cũng đều thuộc làu làu: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Nếu nói về văn chương Hồ Tây, có lẽ kể hoài không hết những tác phẩm đặc sắc từ cổ chí kim. Hầu như ai từng ngồi trên ghế nhà trường, những ai yêu văn chương cũng đều đã từng thưởng thức, từng xuýt xoa trước một Hồ Tây trong thi từ ca phú, trong những áng văn bất hủ. Hầu hết các thi nhân danh tiếng Việt Nam, có thể kể đến Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan... đều từng bị hồ Tây hớp mất hồn vía. Hay những tác phẩm nổi danh như “Lĩnh Nam chích quái” (Vũ Quỳnh - Kiều Phú), “Vũ trung tùy bút” (Phạm Đình Hổ), “Thượng Kinh ký sự” (Lãn Ông), “Tây Hồ chí” (khuyết danh), “Thánh Tông di thảo” (khuyết danh)... cũng ngập tràn những hình ảnh đẹp về Hồ Tây.
Trong âm nhạc, những ca khúc về Hồ Tây chứa chan trong đời sống tinh thần mỗi người Việt, khó mà kể hết: “Một thoáng Tây Hồ”, “Chiều phủ Tây Hồ” (Phó Đức Phương), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), “Kỷ niệm mùa thu Hà Nội” (Minh Khang & Vũ Cẩm), “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (Ngọc Khuê)...
Trịnh Công Sơn là một người con sinh ra ở Huế, sống chủ yếu ở miền Nam. Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” sáng tác năm 1985 sau một khoảng thời gian người nhạc sĩ gắn bó với Thủ đô. Trong những câu hát dịu dàng, hồ Tây hiện lên với vẻ đẹp diệu kỳ, vỡ oà cảm xúc trong con mắt của người quen thuộc với nhịp sống phương Nam: “Hồ Tây chiều thu/Mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/Màu sương thương nhớ/Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.
Từ những tác phẩm thấm vào hồn ở thuở thiếu thời, người phương Nam đã chính thức “làm quen” với Hồ Tây. Và tình yêu dần dà nảy mầm trong tâm khảm. Đó là xúc cảm trước những gì đẹp đẽ, thân thương, là niềm ngưỡng vọng trước một địa danh, một thắng cảnh quan trọng của Thủ đô. Là ước mơ được nuôi dưỡng trong tâm hồn người phương Nam, rằng một ngày kia sẽ đặt chân đến, tận mắt thưởng thức vẻ đẹp diệu kỳ ấy, để hiểu hơn về Thủ đô, yêu thêm tâm hồn người Hà Nội.
Cho đến nay, Hồ Tây vẫn là một đề tài tuyệt vời trong văn chương, thi phú, đặc biệt đối với những văn sĩ, thi sĩ phương Nam. Nhà văn Hoài Hương, người con của TP Hồ Chí Minh, trong đoản văn “Thơm từng búp gió sen hồng Hồ Tây” đã miêu tả một buổi ngoạn hồ ngắm sen, đắm chìm vào vẻ đẹp đầy chất thiền: “Miên man nghĩ, ngày xưa hồ Tây có sen vàng hay không mà ở nơi này tọa lạc ngôi chùa Kim Liên đẹp như trong cổ tích. Hay chính nơi này gắn với huyền thoại trâu vàng ngàn năm trước cùng huyền tích sư Không Lộ ngàn năm sau vẫn cho phàm trần ngưỡng mộ thành kính? Mà cũng lạ, tất cả các ngôi chùa cổ ở hồ Tây đều quay hướng về mặt hồ sen và mỗi sáng mai tiếng chuông gõ nhịp vào thinh không nghe như tiếng xưa vọng về lời cổ nhân, cho một ngày mới không tạp niệm, nhiều lòng từ bi đến cõi nhân gian.
Quay về phố, đi dưới hàng cây cổ thụ trầm mặc hòa nhịp cùng thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai, trên tay tôi là một bó hoa sen, hương thơm vương vấn theo gió quẩn quanh trong bảng lảng sương chiều tím nhạt… Và một sự kỳ công hiếm có, cho dù phương Nam của tôi quanh năm có sen, nhưng tôi vẫn mang sen về, để rồi lúc này ngồi ngắm hoa, cảm nhận từng búp gió sen hồng hồ Tây như khoảnh khắc tĩnh lặng, buông mọi tục lụy, thanh lọc sân si.
Sen Hồ Tây hình như là một cõi thiền của riêng tôi”.
Nỗi nhớ Hà Nội, nỗi nhớ hồ Tây
Hồ Tây trong trái tim người phương Nam là những khoảnh khắc đẹp đẽ, những hoài niệm ngọt ngào. (Ảnh: KTĐT) |
Hồ Tây, với những người dân Hà Nội là một niềm tự hào lớn lao, để rồi mỗi lần bạn bè phương Nam đến Thủ đô, bao giờ cũng được các “công dân” yêu Hà Nội đưa đến Hồ Tây ngoạn cảnh. Với những người phương Nam từng đắm mình vào vẻ đẹp của hồ Tây, tình yêu từ chớm nảy nở đã bén rễ sâu sắc, thành một nỗi nhớ nhung, lưu luyến khi đi xa.
Là một cô giáo dạy sử với tâm hồn lãng mạn, cô giáo Phan Thị Kim Oanh, giảng dạy ở Trường THPT Bà Điểm Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều ký ức đẹp về Hồ Tây: “Là một người con của phương Nam, không nhiều cơ hội thăm thú đất Bắc, nhưng mỗi lần được đặt chân đến Hà Nội, tôi đều dành chút thời gian tản bộ quanh hồ Tây, nơi mà tôi cảm thấy gần gũi và thân thuộc đến lạ. Hồ Tây trong ký ức của tôi không chỉ là một hồ nước lớn xanh mát, “lá phổi xanh” giữa lòng Hà Nội, mà còn là một nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm, cảm xúc.
Người phương Nam chúng tôi, dẫu không phải ai cũng từng đặt chân đến Hồ Tây, nhưng qua những câu chuyện kể, những bức ảnh, những đoạn phim, Hồ Tây vẫn hiện lên trong tâm trí một cách rõ nét. Có lẽ bởi sự khác biệt về địa lý và khí hậu, Hồ Tây mang đến cho người phương Nam một cảm giác mới lạ, một chút mơ màng và huyền bí. Nơi đây không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là nơi chứa đựng biết bao giá trị văn hóa, lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Những lúc áp lực công việc đè nặng, chỉ cần nhắm mắt lại và nghĩ đến Hồ Tây, tôi như tìm thấy một chốn bình yên, nơi mà mọi lo toan, phiền muộn tan biến, chỉ còn lại sự thanh thản, nhẹ nhàng”.
Là người sinh ra ở miền Nam, từng sống ở Hà Nội một năm rồi lại quay về miền Nam, Phạm Nguyễn Huyền Châu (chủ doanh nghiệp Xanhflowers) chia sẻ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ những ngày lang thang Hồ Tây: “Năm 2012, đứa con gái hai hai tuổi lần đầu đi xa, bay hơn nghìn cây số đáp xuống Hà Nội giữa cái nắng tháng Tư. Khi mùa loa kèn cuối vụ, mùa sen chớm nở.
Ngày đầu tiên ở Hà Nội là một đêm thâu ở hồ Tây. Đơn giản vì muốn ngắm hồ sen mùa hạ, muốn ngắm trăng rơi bên hồ. Và quả thật, ấn tượng đầu về Hồ Tây và sen thật đúng như trong tưởng tượng.
Cũng trong chuyến đi lạc đó, khám phá ra một bán đảo nhỏ, có chiếc quán nước bán sấu ngâm giòn tan, thơm lựng, với những “ô cửa” dệt bởi tán cây xanh trong nhìn ra mặt hồ rộng lớn. Hồ Tây, lắm chỗ trú chân hay ho cho lữ khách xa lạ, kẻ tìm men sấu ngâm đường thơm ngọt, chua như mối tình đầu.
Mùa thu, khi sen chưa kịp tàn, vài cơn gió lạnh bất ngờ thổi đến. những gánh hoa cúc đi bán dạo ven hồ, hay đứng thành đoàn ngay góc Yên Hoa. Dưới tán xà cừ trăm năm, bao con người chen nhau mời gọi mua hoa. Thi thoảng, lại bắt gặp các bà, các cô mang cốm từ làng Vòng lên bán. Thứ cốm thơm lựng gói tỉ mẩn trong chiếc lá sen xanh biếc.
Rồi đông sang, thời điểm thú vị nhất của Hồ Tây với bóng dáng những con thuyền lấp ló giữa màn sương bàng bạc. Lũ sâm cầm say mồi đi theo lưới chài mà bay lên, bay xuống, thoắt ẩn, thoắt hiện. Mùa đông khung cảnh xám xịt, màn sương dày kéo liền bầu trời và mặt nước, giấu cả những cánh sen tàn vào lòng hồ chờ ngày xuân sang lại tươi tắn đâm chồi mới…
Rời đi từ mùa xuân 2013 và vài lần tái ngộ với Hồ Tây, gặp lại mình ở chính con đường thênh thang kỷ niệm thanh xuân. Vẫn ngõ nhỏ, phố nhỏ, con đường ôm lấy hồ, những người bạn gắn bó bốn mùa Hà Nội cùng nhau ôn lại chuyện lạc đường thuở nào. Thời gian trôi đi, hình ảnh mất đi, chỉ còn hoài niệm luôn tồn tại trong tim như cách hồ Tây yên ả nằm đó, “Lãng Bạc” đợi người về”…
Có thể nói, trong trái tim người phương Nam, Hồ Tây không chỉ là một thắng cảnh để thăm thú mà còn là nơi để tìm về những giây phút lắng đọng, tìm lại chính mình giữa bộn bề cuộc sống.
Hồ Tây còn là một phần ký ức, một phần trái tim. Mỗi lần có dịp trở lại Hà Nội, hầu như không mấy người phương Nam có thể bỏ qua việc đến Hồ Tây, ngồi bên bờ hồ, ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng, mặt hồ mênh mông đến dường như vô tận. Lắng lòng mình trong bảng lảng khói sương. Lắng nghe những câu chuyện về lịch sử, về con người Hà Nội. Để cảm thấy mình như được hòa mình vào dòng chảy của thời gian, của không gian và của những tình cảm sâu sắc, chân thành.
Hồ Tây trong trái tim người phương Nam không chỉ là một địa điểm, mà còn là một biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, của tình yêu và lòng biết ơn đối với mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.