Làng Quán Hương nằm bên quốc lộ 1A, hình thành cách đây 200 năm và nổi tiếng nhờ có bí quyết đặc biệt để làm ra loại hương trầm có mùi hương đặc biệt. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều thế hệ nơi đây vẫn gắn bó với nghề, tạo thu nhập ổn định, nhất là dịp Tết đến, xuân về.
Nghề sản xuất hương trầm làm quanh năm, nhưng vào vụ Tết là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Hiện tại, làng có khoảng 100 hộ với hơn 300 lao động thường xuyên tham gia sản xuất.
Bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, các cơ sở, hộ sản xuất trong làng đã chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, tăng cường công suất để phục vụ sản xuất hàng Tết.
Nguyên liệu sau khi được kết dính với tăm hương sẽ được mang đi phơi, tùy thuộc vào thời tiết mà có thể phơi từ 1 đến 3 ngày để giữ lại mùi thơm của hương.
Hương trầm Quán Hương có đặc trưng riêng không lẫn với nơi khác bởi bột hương được làm từ 2 hỗn hợp bột quế Trà My và bột vỏ cây Bời Lời đỏ vùng Tây nguyên.
Hiện gần như tất cả các hộ sản xuất hương ở làng nghề này đã đầu tư mua sắm máy móc và trang thiết bị làm hương như máy trộn nguyên liệu, máy bắn que.
Cả làng cung cấp ra thị trường khoảng 50 vạn cây hương, trung bình mỗi gia đình có thể thu lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, thương lái từ các nơi sẽ đổ về thu mua tại làng. Lượng hàng không chỉ cung ứng tại địa phương mà đã có mặt trên nhiều tỉnh thành khác trong nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, làng nghề Quán Hương có tuổi đời hàng trăm năm.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt, mỗi nén hương khi đốt lên sẽ tạo ra cầu nối vô hình giữa hai thế giới hiện tại và tâm linh.