Ngày 8/1, tọa đàm khoa học với chủ đề “Hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội – những vấn đề pháp lý đặt ra” đã diễn ra tại Đại học Luật Hà Nội với sự tham gia của nhiều giảng viên, luật sư, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phân tích dưới góc nhìn khoa học hiện tượng xã hội này.
Hình ảnh cá nhân cũng chính là “tài sản” riêng
Ngày 28/12/2019, mạng xã hội xôn xao thông tin Văn Mai Hương bị lộ hình ảnh thay trang phục tại nhà riêng. Theo đó, 5 video được cho là trích xuất từ camera ở nhà riêng của nữ ca sĩ bị tung lên mạng. Những đoạn video này được ghi vào năm 2015, tức đã 4 năm trôi qua. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao những hình ảnh đó lại bị tung ra vào lúc này. Về phần nữ ca sĩ, khi mới biết hình ảnh tại nhà riêng của mình bị phát tán, cô đã rất sốc và lên tiếng phản đối kẻ có hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của cô.
Ca sĩ Văn Mai Hương không phải trường hợp cá biệt mà trước đó, rất nhiều người nổi tiếng trong giới showbit cũng đã bị phát tán hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, mà nguồn rỏ rỉ thông tin đến từ nhiều hình thức như: mang điện thoại đi sửa bị chiếm đoạt dữ liệu, bị hack hộp thư cá nhân để lấy thông tin, bị chụp, quay trộm…
Hầu hết những nạn nhân của các hành vi xấu này chọn sự im lặng bởi họ cho rằng có đi kiện cũng khó mà kiện được, vì vừa mất thời gian, vừa thiếu bằng chứng. Nhưng cũng vì sự im lặng này mà nhiều người cho rằng họ “đồng lõa” với hành vi xấu này để dựa vào đó mà “nổi tiếng” và với nhiều người đây quả thực là tiếng oan khó lòng thanh minh.
Trong xã hội hiện nay, thông tin, hình ảnh cá nhân có thể được xã hội dùng để phục vụ mục đích nhìn nhận và đánh giá một con người. Chính vì vậy, thông tin, hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân. Hiện nay, pháp luật các nước trên thế giới cũng như pháp luật Việt Nam đều đặt ra các quyền đối với thông tin, hình ảnh cá nhân và có cách thức để bảo vệ quyền đó trước hành vi xâm hại.
Pháp luật các nước cũng như Việt Nam đều đặt ra quyền đối với thông tin, hình ảnh cá nhân và có cách thức để bảo vệ quyền đó. |
Cụ thể, đó là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.. đã được ghi nhận tại văn bản pháp luật cao nhất là Hiến pháp cũng như pháp luật dân sự, hình sự, hành chính. Theo PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – ĐH Luật Hà Nội thì trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau: dân sự, hành chính, hình sự.
Cũng theo PGS.TS Tô Văn Hòa, hiện nay vẫn có khá nhiều quan điểm khác nhau về hình ảnh cá nhân, tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, hình ảnh cá nhân được hiểu là sự sao chép, tái hiện lại hình dáng, ngoại hình, đặc điểm bề ngoài,... của một cá nhân cụ thể bằng một cách thức nhất định mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt. Hình ảnh cá nhân có thể tồn tại dưới hình thức như ảnh chụp, ảnh do quay phim, ghi hình, ảnh vẽ, thậm chí là bức tượng của người đó,… Hình ảnh này là những điều riêng tư, chỉ thuộc về cá nhân nhất định và không dễ dàng để chia sẻ với người khác.
“Ở một góc độ nào đó, đây cũng chính là “tài sản” riêng của mỗi cá nhân và họ sở hữu “tài sản” đó một cách hợp pháp, nên bất kỳ ai nếu có được tài sản đó và sử dụng vì bất kỳ mục đích gì đều phát sinh trách nhiệm” - PGS.TS Tô Văn Hòa nêu quan điểm.
“Chỉ mặt, đặt tên” hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân
Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định về các quyền đối với thông tin, hình ảnh cá nhân và cách thức để bảo vệ quyền đó trước hành vi xâm hại, nhưng chưa có một định nghĩa chính thức về hành vi phát tán, thông tin hình ảnh cá nhân.
Theo PGS.TS Tô Văn Hòa, hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân được hiểu là sự chia sẻ, lan truyền rộng rãi các hình ảnh, thông tin riêng tư của một chủ thể nhất định và được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức với các mục đích khác nhau.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Minh Giang – Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, hiện nay có nhiều hành vi thu thập để phục vụ cho mục đích phát tán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác rất tinh vi mà ngay chính người trong cuộc cũng không nhận ra, thậm chí còn “vô tư” tham gia, hưởng ứng. Đó chính là các trò chơi trắc nghiệm trên trang mạng xã hội facebook với những câu hỏi gợi tò mò như: Năm 2020 bạn sẽ như thế nào; Bạn phù hợp với nghề gì; Kiếp trước bạn là ai…
Bà Nguyễn Minh Giang – Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, hiện nay có nhiều hành vi thu thập để phục vụ cho mục đích phát tán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác rất tinh vi. |
“Ngoài ra hiện nay nhiều cá nhân khi tham gia mạng xã hội toàn cung cấp thông tin cá nhân ảo và để tiện cho việc quản lý thì việc yêu cầu phải cung cấp thông tin thật là việc cần và nên làm. Nhưng một khị người dùng đã cung cấp thông tin chính xác về họ thì việc quản lý sẽ như thế nào để không bị rò rỉ, mua bán và hành động nào liên quan đến hình ảnh thông tin cá nhân của người khác thì được xem là vi phạm, hành động nào không?” – bà Giang đặt câu hỏi.
Đây cũng chính là băn khoăn của luật sư Đào Ngọc Lý từ góc độ luật sư. Theo ông Lý, có những thông tin, hình ảnh cá nhân được chính cá nhân đó công khai trên mạng xã hội hoặc internet để phục vụ cho công việc của mình và người khác hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin công khai đó.
“Việc họ sử dụng như vậy thì có vi phạm không vì theo tôi có thể hành vi đó xấu với người này nhưng lại không xấu với người kia. Chính vì thế, để bảo vệ quyền bí mật thông tin các nhân trước hành vi xâm hại cần tạo ra ngưỡng hợp lý từ đó có định hướng xử lý, giới hạn xử lý cho phù hợp” – ông Lý nêu quan điểm.