Đa dạng hóa các hình thức đưa pháp luật đến khu vực biên giới, hải đảo
Miền núi cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo - nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nơi có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Từ các chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, do việc tiếp cận kiến thức pháp luật còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết... Đặc biệt là tuyến biên giới đất liền, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí thấp, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” và sau đó là Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”.
Để hoạt động tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành đã phối hợp với Sở Tư pháp và các ban, ngành tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ BĐBP và cán bộ các xã, phường, người có uy tín; tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho các báo cáo viên pháp luật của các xã, phường thuộc các huyện, thành phố biên giới, ven biển; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, ven biển. Xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật và tổ chức đi lưu diễn trên hai tuyến biên giới và các đồn biên phòng.
Các đồn biên phòng cũng tham mưu cho UBND các huyện, thành phố biên giới, ven biển tổ chức các đợt tập huấn, công tác triển khai, thực hiện Đề án và bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ thôn, bản, khu phố trên địa bàn biên giới, ven biển.
Các đồn biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn thực hiện 4 cùng: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với nhân dân; giúp nhân dân đưa cây, con, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từ bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác tuyên truyền PBGDPL của BĐBP cho nhân dân khu vực biên giới đẩy mạnh hơn một bước.
Qua đó, chủ động nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến khu vực biên giới, hải đảo; kịp thời nắm bắt, giải quyết các vụ việc xảy ra trong đời sống.
Đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam đưa pháp luật tới đồng bào vùng biên giới, hải đảo
Ngày 13/8/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BQP quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông tư này thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BQP ngày 27/5/2009 của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, các đại đội đủ quân, đồn biên phòng, phi đội không quân vận tải, trực thăng, tuần thám, ngành của tàu cấp 1 và cấp đội thuộc các kho, xưởng, trung tâm và tương đương được cấp Báo Pháp luật Việt Nam.
Hơn 10 năm qua, mỗi ngày, Báo Pháp luật Việt Nam đã “cõng” luật lên những vùng biên giới xa xôi nhất, nơi các đồn Biên phòng đứng chân, trở thành người bạn tin cậy, thủy chung của những người lính biên phòng.
Ở biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng đọc Báo Pháp luật Việt Nam để cập nhật thông tin pháp luật, tìm hiểu các kiến thức pháp luật, sử dụng các nội dung trên Báo, các vụ án đã được chuyên gia phân tích, mổ xẻ để xây dựng các tình huống pháp luật, sau đó tuyên truyền cho người dân.
Những người lính Biên phòng đã trở thành cầu nối quan trọng, chuyển tải những thông tin pháp luật được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam đến người dân, nhằm tuyên truyền về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chính sách định canh, định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy và các chất gây nghiện... Nhờ đó, những năm gần đây tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Qua tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, các vụ việc vi phạm giảm, tình hình vi phạm liên quan đến tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên địa bàn các tỉnh, thành giảm rõ rệt. Nhân dân tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Cán bộ Ðồn Biên phòng Pa Thơm, BĐBP Điện Biên phát tờ rơi, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật cho người dân trên địa bàn. |
Tại khu vực biên giới biển, việc PBGDPL đã trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của ngư dân khi thực hiện khai thác thủy sản; đồng thời, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ hiểu hơn về pháp luật cũng như các vấn đề liên quan đến quy định vùng đánh bắt, xử phạt đối với vi phạm trong nghề thủy, hải sản và chủ quyền biển đảo… Đảm bảo hoạt động đánh bắt, khai thác đúng quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân khu vực biên giới đã giúp cho bà con các dân tộc trên địa bàn các xã biên giới nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu nại không có cơ sở, khiếu nại vượt cấp, khiếu nại đông người trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giúp cán bộ, nhân dân hiểu sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, từ đó tự giác tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ở cấp cao hơn, Bộ Tư lệnh BĐBP và Báo Pháp luật Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ trong PBGDPL. Báo Pháp luật Việt Nam với chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật vùng biên giới, hải đảo” đã đến nhiều tỉnh, thành biên giới trong toàn quốc tặng quà, nhà tình nghĩa cho người nghèo, tặng Báo Pháp luật Việt Nam, sách pháp luật cho các xã biên giới, góp phần tuyên truyền, PBGDPL.
Kinh nghiệm từ thực tiễn tuyên truyền, PBGDPL
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS ở khu vực biên giới của BĐBP còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là việc vận dụng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL của một số đơn vị chưa thích hợp với điều kiện sống của đồng bào; các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL chưa được đổi mới; phương pháp thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với từng đối tượng và điều kiện kinh tế-xã hội của đồng bào…
Từ những kết quả, hạn chế, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, bám sát đặc điểm của đối tượng để vận dụng hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp. Thứ hai, hình thức và nội dung tuyên truyền, PBGDPL phải phù hợp với nhau. Thứ ba, phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các cơ quan, đơn vị. Thứ tư, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ làm công tác tuyên truyền.
Đối tượng tuyên truyền, PBGDPL ở khu vực biên giới (KVBG) chủ yếu là đồng bào DTTS, có đời sống văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau; đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; cư trú không tập trung, trình độ dân trí thấp; một bộ phận đồng bào không biết tiếng phổ thông; có biểu hiện tự ti và thụ động trong giao tiếp, ứng xử.
Thực tế cho thấy, khi hình thức tuyên truyền, PBGDPL không phù hợp với đối tượng tiếp cận thì kết quả đạt được thường rất thấp; đồng bào chẳng những không hiểu hoặc hiểu không đúng và không vận dụng được các kiến thức pháp lý đã truyền đạt vào cuộc sống, mà có khu còn tỏ thái độ không tốt với pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật.
Nắm vững đặc điểm đó, mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền cần lựa chọn các hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, để đồng bào biết và không mắc phải luận điệu tuyên truyền của chúng.
Chẳng hạn, với lực lượng dân quân, cán bộ xã, phường ở KVBG, công tác tuyên truyền, PBGDPL có thể kết hợp với tuyên truyền miệng (vốn là hình thức truyền thống) với tổ chức đọc sách, báo, tạp chí; mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền lồng ghép khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Đối với các tầng lớp dân cư KVBG, lấy tuyên truyền miệng là chính, kết hợp với sử dụng mạng truyền thanh cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chiếu phim tài liệu. Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, gia đình là hình thức cần được áp dụng rộng rãi.