Thừa nhận một số ngân hàng (NH) đang gặp vấn đề về thanh khoản nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định điều này cũng đã được NHNN lường trước từ tháng 6/2011 khi các NH chủ yếu huy động được tiền gửi ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn… Đây cũng là nguyên nhân chính khiến việc hạ lãi suất (LS) không phải “cứ nói là hạ ngay được…”
"Từ nay đến hết tháng 6/2012, bỏ trần là không tưởng..." |
Sử dụng cơ cấu kỳ hạn không đúng
Tại buổi gặp gỡ báo chí hôm 11/1 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng một thời gian dài hệ thống huy động chủ yếu là ngắn hạn, người gửi tiền hiếm khi gửi 3 – 5 năm. “ Nếu tôi đi gửi tiền thì cũng 1 tháng, cùng lắm là 3 tháng…”- Thống đốc nói.
Theo quy định, các NH được dùng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, năm vừa rồi rút xuống còn 30% . “Thế nhưng thời gian qua việc tuân thủ quy định này nhìn chung còn yếu, NHNN cũng chưa xử lý trường hợp nào”- Thống đốc thừa nhận. Do vậy, khi dư nợ tăng, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn tăng lên, tỷ lệ này không còn 30%, 40% như quy định mà cá biệt có NH cho vay trung dài hạn gần như 100% vốn huy động ngắn hạn.
Thế nên thanh khoản của NH hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường, huy động được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu, dẫn đến rủi ro. Trước đây thị trường tương đối “hồng hào” thì có thể huy động các kênh khác để bù đắp, nhưng do thắt chặt tiền tệ thì sự bù đắp đó thiếu hụt, dẫn đén tình trạng mất thanh khoản. “Tất nhiên mất thanh khoản có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc sử dụng cơ cấu thời gian không đúng!”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Tuy nhiên ông Bình cũng cho biết giữa tổng dự nợ và tổng tài sản NH nhận thế chấp thì hợp lý, có NH cho vay 40% giá trị tài sản thế chấp, cao thì 70%, điều này phù hợp với quy định…
“Bơm" tiền - Bao nhiêu cho đủ
Trước một số ý kiến cho rằng NHNN bơm tiền ra để giải bài toán thanh khoản cho các NH, Thống đốc Bình cho rằng cần phải cân nhắc dưới nhiều góc độ, bởi “nếu bơm mà không thay đổi được tập quán thì bơm bao nhiều cho đủ”? Trước khi bơm ra thì phải thay đổi tập quán, tiền ra thì phải tập trung cho sản xuất, theo các kỳ hạn. Vậy thì trước hết phải tái cấu trúc hệ thống NH, dài hạn 5 – 10 năm tới, chia ra các bước đi cụ thể.
“Từ 2012, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là tập trung tái cấu trúc các NH yếu kém. Để các NH hoạt động như hiện nay thì có nguy cơ đổ vỡ chính NH đó và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Cho nên phải thay đổi, phải chặn đứng được thực tiễn đó thì mới bơm tiền ra, dòng vốn ra mới hiệu quả hơn, giúp tăng trưởng kinh tế phù hợp, không làm tăng áp lực lạm phát….”- Thống đốc phân tích.
Thống đốc cũng cho biết, trong quý 1 này, dự kiến sẽ có khoảng 5 - 8 NH thương mại thuộc diện xem xét cho phép hợp nhất hoặc mua bán lại. “Đó là dự tính, còn nó có diễn ra đúng như vậy hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố nội tại của các ngân hàng. Khi triển khai thì vẫn thực hiện trên cơ sở tự nguyện và theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc nói.
Hạ lãi suất - Không dễ
”Chúng ta ai cũng mong muốn hạ LS, nhưng không phải nói là làm được ngay. Cái khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được LS. Bình thường tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được LS. Nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được?. Do vậy, nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản thì khó giảm được LS. Lạm phát đang có chuyển biến. Đây là nền tảng để có thể giảm LS. Nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà phải đảm bảo thanh khoản…”, Thống đốc phân tích.
Ông cũng cho rằng phải đến hết quý I/2012 sau khi cân nhắc các yếu tố mới có thể tính đến việc hạ LS.
Vấn đề bỏ trần LS huy động cũng được Thống đốc chia sẻ với báo giới. Theo ông chỉ có thể bỏ được trần LS khi các nguyên do buộc phải áp cơ chế trần LS huy động không còn.
Từ năm 2010, cơ chế trần LS huy động được đưa ra xuất phát từ những xáo trộn trên thị trường. Nhu cầu vốn của hệ thống NH cao, nếu để tự do thì mặt bằng LS huy động cao dẫn tới LS cho vay cao và DN khó khăn, tăng trưởng kinh tế theo đó khó đảm bảo… và cơ chế trần được đưa ra nhằm đảm bảo hệ thống huy động vốn ở một mức nhất định, cho vay ra ở mức LS “chấp nhận được”. Thống đốc cho rằng đến nay, các điều kiện để áp trần LS vẫn còn nên cơ chế này chưa bỏ được, cho nên từ nay đến hết tháng 6/2012, bỏ trần là không tưởng….”Cái khó bó cái khôn, chúng tôi cũng không mong muốn áp trần. Nhưng có những thời điểm là cần thiết để đảm bảo ổn định, vì lợi ích chung của nền kinh tế…”- Thống đốc khẳng định.
Về định hướng lâu dài, để bỏ trần LS, theo Thống đốc cần phải xử lý được những bất cập hiện nay trên thị trường. Đó cũng là mục tiêu của tái cấu trúc.
“Tái cấu trúc, mục tiêu cuối cùng là đưa thị trường tiền tệ trở về đúng vai trò của nó. Nếu làm được điều đó thì nhất định không có trần LS , không còn chuyện căng thẳng, khó khăn thanh khoản!”, Thống đốc nêu quan điểm.
Năm 2012: Dự kiến tỷ giá tăng 2- 3% Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu bỏ đi 2 tháng đầu năm 2011 (tính từ thời điểm tháng 2/2011 khi tỷ giá tăng 9,3%) thì trong năm 2011 vừa qua ai đầu tư ngoại tệ là lỗ, đầu tư VND thì lãi. Ông phân tích: 10 tháng cuối năm 2011, tỷ giá VND/USD giao động khoảng 1% , trong khi LS VND 14%, 10 tháng đó gửi NH, tính ra LS khoảng12%, trừ 1% biến động tỷ giá thì vẫn lãi 10 – 11%. Gửi USD được LS 2%, nếu tính thỏa thuận vượt trần được 5%, cộng thêm 1% tăng tỷ giá, thì LS vẫn chỉ bằng khoảng 1/2 so với gửi VND. Chính sách SBV trong thời gian tới cũng sẽ theo hướng đảm bảo vị thế cho VND, cho lợi ích nắm giữ VND. Thống đốc cũng cho biết, trong năm 2011 vừa qua, nếu không có biến động mạnh về giá vàng (từ 1.600 USD/oz lên 1.900 USD/oz) thì dự trữ ngoại hối còn tăng lên nữa, thậm chí VND còn lên giá. Thống đốc dự báo: Nếu không có những yếu tố bất ngờ, xáo trộn lớn, với cách điều hành nhất quán của chính phủ và NHNN thì trong năm 2012 này, tỷ giá sẽ trơn tru hơn, ổn định hơn, dự kiến chỉ tăng khoảng 2% - 3%. |
T.Lan