Theo bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (WCM) dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng Tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu… phục vụ việc đón Tết.
Cũng theo bà Tạ Thị Minh Hợp, nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ và đa dạng hàng hóa với tiêu chí “Tươi Ngon Thượng Hạng” cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hệ thống VinMart/VinMart+ đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực.
Lượng hàng hoá hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng từ 40% - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết.
Cũng theo đại diện Tập đoàn Masan, chia sẻ với người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, chuẩn bị cho Tết 2022, WCM tập trung vào các chương trình khuyến mại, tăng giá trị giỏ hàng bằng các quà tặng hấp dẫn.
Chương trình Giỏ Quà Tết "Tết Đoàn Viên - Tết Bình Yên" được xây dựng với giá trị giỏ quà rất phù hợp với nhu cầu khách hàng. "Đồng thời, chúng tôi cũng thương thảo với tất cả các nhà cung cấp nhằm cung cấp hàng hóa với giá ổn định trong những thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao", Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho biết.
Cũng theo vị này, về nhân lực, WCM sẽ tập trung vào nhân lực hiện tại và tuyển dụng thêm đội ngũ cộng tác viên. Đội ngũ này sẽ được đào tạo để làm việc tại cửa hàng và bộ phận phân phối kho vận để luôn đảm bảo nhân sự đầy đủ và chuyên nghiệp phục vụ người tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết.
Sức mua dịp Tết năm nay được dự báo giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 |
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trong thời gian qua, để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến vào cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các Sở Công Thương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có dịch bệnh và cho dịp Tết, triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, đồng thời hướng dẫn các chợ dân sinh, chợ đầu mối triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến nhiều mặt, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ Thị trường trong nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán; tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa.