Hé lộ mánh khóe của các đường dây buôn người

Ahlam kể chuyện bị anh trai gả cho tay súng IS, sau đó trốn thoát và bị lừa bán vào nhà chứa ở Baghdad.
Ahlam kể chuyện bị anh trai gả cho tay súng IS, sau đó trốn thoát và bị lừa bán vào nhà chứa ở Baghdad.
(PLVN) - Nạn nhân kể lại bằng giọng run rẩy về những đau đớn trong hành trình trốn thoát sự kìm kẹp của những kẻ khủng bố, nhưng lại bị ép thành gái mại dâm ở Baghdad, thủ đô Iraq. Những câu chuyện như của Nadia rất phổ biến ở quốc gia Trung Đông này sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại.

1. Nadia đang sống ở Sinjar, miền bắc Iraq khi IS vây bắt hàng nghìn phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số Yazidi năm 2014 và ép họ trở thành nô lệ tình dục. Cô sau đó may mắn trốn thoát cùng gia đình tới một trại tạm cư thuộc khu tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq.

Tuy nhiên, ám ảnh bởi số phận những người không may mắn, Nadia bắt đầu gửi tiền cho một người đàn ông mà cô tin tưởng. Nadia gặp gã trên đường chạy trốn IS, y nói đang phối hợp viện trợ nhân đạo cho những người Yazidi khác. Hắn cổ vũ Nadia đứng lên tổ chức biểu tình ở trại, đòi trả tự do cho phụ nữ Yazidi.

Sau đó, Nadia bắt đầu bị khủng bố bởi những cuộc điện thoại nặc danh. “Chúng đe dọa tôi”, cô nói. “Tôi không sợ mình gặp bất lợi, chỉ sợ chúng hại em gái tôi. Chúng nói rằng: “Nếu mày không đến, chúng tao biết em gái mày đang học ở trường nào đấy”“.

Khi nhận được thư từ một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Nadia xin tị nạn ở Mỹ, cô tìm gặp gã kia, đề nghị giúp đỡ đưa tới đại sứ quán ở Baghdad. “Y nói: “Em gái, tôi đưa em đi được. Tôi có người quen trong quốc hội Iraq, tôi sẽ đưa em tới chỗ anh ta”“, Nadia nhớ lại.

Trên đường tới thủ đô, cô nhận ra có điều bất thường. “Hắn cứ dừng lại nói chuyện điện thoại và gửi tin nhắn suốt”, cô nói. “Tôi bảo hắn là “Đưa tôi quay lại, tôi muốn quay lại”. Hắn nói: “Không sao đâu, đừng lo, tôi đang trò chuyện với một nhóm các cô gái Yazidi mà tôi cứu họ từ Fallujah, họ đang đợi chúng ta ở Baghdad”“.

“Hắn hiểu rõ điểm yếu của tôi, tôi đã rất vui khi biết tin có người Yazidi được giải cứu. Hắn thuyết phục tôi tiếp tục hành trình”, Nadia nói.

Khi tới một phu khố tồi tàn, khét tiếng vì ma túy ở Baghdad, một người đàn ông lớn tuổi, người mà gã kia nói là nghị sĩ, chào đón họ trong một căn nhà đổ nát.

“Ông ta bảo tôi: “Giờ cô là của tôi rồi”“, Nadia hoảng hốt nhớ lại lời của kẻ cầm đầu đường dây mại dâm. Cô bị sốc, bởi “người bạn” mà bấy lâu nay mình tin tưởng, kẻ mà cô đã trao hết tiền bạc và kể hết tâm sự, lại bán cô làm nô lệ tình dục.

Nadia bắt đầu chống cự và bị đánh. Chúng tiêm cho cô một mũi khiến cô thấy mọi thứ xung qunh bỗng tối đen. Khi tỉnh dậy, Nadia đau đớn nhận ra mình đã bị khoảng 10 kẻ cưỡng bức tập thể. “Tôi suy sụp hoàn toàn. Suốt ba tháng, ngày nào chúng cũng tra tấn tôi như thế”, cô nói.

Mỗi lần định chạy trốn, chúng lại bắt cô lại và đánh đập. Một lần, chúng đánh Nadia tới nỗi phải vào viện cấp cứu. Cô nghe thấy bác sĩ trao đổi đã cứu mình như thế nào.

Trong bệnh viện, gã cầm đầu băng đảng ngồi cạnh giường cô, vuốt tóc và gọi cô là con gái. Hắn nói với nhân viên y tế là Nadia bị bệnh tâm thần và ngã cầu thang.

Khi Nadia ra viện, một phụ nữ khác là nạn nhân của băng đảng được cử đến để theo dõi cô. Nadia cầu xin người phụ nữ thả cô ra, nhưng bà này chỉ cười, vén áo lên, lộ một vết sẹo lớn trên bụng, nói rằng đó là vết thương do bị chúng mổ bụng lấy thận.

“Đây là những gì chúng đã làm với tôi. Tôi có hai con nhỏ, chúng đã bán các con tôi đi”, người phụ nữ nói. “Cô sẽ bị ép phải ở với chúng, sẽ phải quen với việc này, kiểu gì cô cũng giống tôi thôi”.

Sau nhiều tháng bị lạm dụng, khi nghĩ rằng đời mình đã hết, Nadia may mắn được giải cứu. Cô không nhớ rõ ai đã cứu mình, nhưng họ đưa cô tới một khách sạn do người Yazidi làm chủ và giúp cô liên lạc với gia đình. Bây giờ, Nadia muốn đòi công lý.

“Tôi đang chiến đấu”, cô nói. “Tôi đang dùng hơi thở cuối cùng để lên tiếng vì chúng tôi, để chuyện này không xảy ra với bất kỳ ai nữa”.

2. Rất khó để thống kê số liệu phụ nữ Yazidi mắc kẹt trong thế giới tình dục ngầm ở Iraq. Theo một số cơ quan phòng chống buôn bán người ở Iraq, nạn buôn người rất phổ biến tại các trại tị nạn rải rác khắp đất nước, cũng như tại các thành phố như Baghdad, nơi nô lệ hiện đại và mạng lưới mại dâm ngày càng phát triển.

Những tay môi giới của các mạng lưới buôn người thường hứa hẹn đưa người tị nạn ở Kurdistan tới khu tái định cư, nhưng thay vào đó, chúng đưa họ tới khách sạn và nhà thổ ở Baghdad, Basrah và những thành phố khác ở miền nam Iraq, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và SEED, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Kurdistan.

“Ở đâu cũng có nạn nhân”, tiến sĩ Ali Akram al-Bayati, thành viên Ủy ban Nhân quyền Cấp cao Iraq về phòng chống buôn bán người, nói. Ủy ban được chính phủ Iraq thành lập, có nhiệm vụ thu thập thông tin, điều tra và đưa ra xét xử những vụ buôn người, nhưng ông cho hay họ thiếu tài chính và quyền lực để hoạt động hiệu quả.

Trường hợp của Nadia là một trong nhiều vụ mà ủy ban đang cố gắng hỗ trợ. Nadia đang thất vọng với hệ thống tư pháp Iraq bởi vụ án đang bế tắc ở cả Kurdistan và Baghdad. Trên giấy tờ, chính phủ Iraq đã nỗ lực truy tố và kết án những kẻ buôn người nhưng thực tế, họ không giải quyết được bản chất vấn đề.

Al-Bayati cho hay trong Báo cáo Buôn bán người tại Iraq. Năm 2019, ông đã viết chính phủ Iraq “tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật, nhưng không buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc buôn bán, bao gồm buôn bán trẻ em và mại dâm”.

Báo cáo chỉ ra các quan chức an ninh cấp cao đóng vai trò bảo kê cho những kẻ buôn người khỏi bị truy tố. “Chính phủ thiếu các biện pháp thực thi luật chống buôn người, cản trở khả năng thi hành luật pháp, đưa những kẻ buôn người ra công lý và bảo vệ nạn nhân”.

Trụ sở của tổ chức phi chính phủ giúp đỡ Ahlam.
Trụ sở của tổ chức phi chính phủ giúp đỡ Ahlam.

Al-Bayati cho hay việc nêu tên các quan chức bảo kê này là “vô nghĩa” bởi họ quá quyền lực, còn ủy ban của ông quá yếu. Ông nhận được nhiều đe dọa rằng nếu cố đẩy sự việc đi xa hơn, mạng sống của ông sẽ gặp nguy hiểm.

Năm ngoái, 426 người bị bắt vì cáo buộc liên quan tới tội phạm buôn người ở Iraq nhưng chỉ có 53 người bị đưa vào tù. Số liệu hiện có không phản ánh quy mô của nạn buôn bán người ở Iraq. Nạn nhân cũng như những người làm việc với họ sợ bị trả thù và kỳ thị, cũng như thiếu niềm tin vào chính phủ và hệ thống tư pháp.

3. Tuy nhiên, vẫn còn những tổ chức cố gắng giúp đỡ họ. Khi đoàn phóng viên tới địa chỉ một tổ chức phi chính phủ (NGO), họ bất ngờ bởi bên ngoài không có bảng hiệu, cũng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy đây là một nơi làm việc của tổ chức.

Họ phải ngụy trang để đảm bảo an toàn. Trong một căn phòng, Ahlam ngồi trên ghế nhựa, giọng nói run rẩy phát ra dưới tấm khăn trùm đen giấu mặt, kể lại việc mình trở thành con mồi cho tội phạm buôn bán tình dục ở Baghdad. 

“Mọi việc bắt đầu từ anh tôi”, Ahlam nói. Năm 2014, anh của Ahlam gia nhập IS tại tỉnh Diyala, phía bắc thủ đô và nhanh chóng thăng chức thủ lĩnh. Anh ta gả Ahlam cho một tay súng IS nhưng khi chồng cô bị bắt vài tháng sau, Ahlam quay về với anh.

Anh trai cô trở nên tàn nhẫn và cực đoan hơn trong thời gian ở IS, thường đánh đập cô và các chị em gái, nhốt và bỏ đói cô trong phòng. Khi cô than phiền với một người nhà, anh ta dọa giết cô. Cuối cùng, một người anh em họ giúp cô trốn đi Baghdad, nhưng khi đã tới nơi, Ahlam chẳng quen ai để nhờ giúp đỡ.

“Tôi lang thang ngoài đường. Baghdad là một thành phố lớn, đông đúc”, cô nói. “Tôi lên taxi, tài xế hỏi địa chỉ, tôi nói rằng không biết”.

Bối rối và sợ hãi, Ahlam kể chuyện chạy trốn cho tài xế nghe. Ông ta tỏ ra thông cảm, đề nghị giúp đỡ. Khi đó, Ahlam nghĩ rằng cứu tinh đã đến nhưng cô đã nhầm.

Gã tài xế đưa cô tới một sòng bạc, trước khi bán cô cho nhà chứa. “Hắn đưa tôi tới chỗ một phụ nữ và tôi nhận ra các cô gái ở đó đều bị ép bán dâm”, Ahlam nhớ lại.

Ahlam cầu xin bà chủ để cô rời nhà chứa, nhưng bị bà ta đấm đá, đập vỡ điện thoại và bán cho người khác. “Bà ta ép tôi bán dâm, đưa đàn ông vào nhà chứa và ép tôi quan hệ với họ”, Ahlam nói. Cô mắc kẹt trong nhà chứa vài tháng trước khi chớp cơ hội chạy trốn.

Câu chuyện của Ahlam là điển hình cho cách thức hoạt động của các đường dây buôn người khắp Iraq. Những kẻ làm việc cho mạng lưới, như gã tài xế taxi, luôn để mắt tới những phụ nữ dễ bị tổn thương và cố gắng dụ dỗ họ. Mạng lưới ấy ngày càng phình to, vươn khắp đất nước và lên tới cấp cao nhất của chính phủ.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.