Điện thương phẩm hay sản lượng điện thương phẩm là chỉ số quan trọng, là thước đo và xếp hạng tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối điện năng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ở tiêu chí này, EVNNPC dường như là đơn vị đang có nhiều tham vọng. Cụ thể, năm 2015, doanh nghiệp này chạm mốc con số 45 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng khi đó đạt chừng 14%. Nhưng 5 năm tới đây, chỉ tiêu này dự kiện sẽ trên gấp đôi, với mục tiêu năm 2025, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 110 tỷ kWh.
Quan sát cả quá trình thấy rõ, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2016 - 2020 của EVNNPC là cấp điện an toàn - ổn định; tối ưu hóa chi phí, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực, khả năng tự cân đối tài chính trong từng đơn vị và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo phương châm 3 dễ - “dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát”…
Nếu quy ra con số các chỉ tiêu giai đoạn này, thì EVNNPC cũng đã có mặt trong nhóm dẫn đầu của 5 tổng công ty phân phối thuộc Điện lực quốc gia, với sản lượng tăng tuyệt đối bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,26 tỷ kWh/năm. Nhưng kịch bản của 5 năm tới, chỉ tiêu này của EVNNPC được dự tính với mức tăng tuyệt đối bình quân gần 7 tỷ kWh/năm.
“Ở giai đoạn trước đây, tổng công ty với nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu quản trị theo hướng tăng giá bán bình quân, tăng sản lượng điện thương phẩm và giảm tổn thất điện năng, thì trong giai đoạn 2021 - 2025 vẫn với định hướng phát triển, đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ chính trị là cung cấp điện cho xã hội. Nhưng sẽ đáp ứng theo chiều sâu hơn, đó là nâng cao độ tin cậy cấp điện, chất lượng điện năng cho khách hàng bao gồm điện áp cho khách hàng và gián đoạn ở mức thấp nhất, nhưng dịch vụ chăm sóc khách hàng phải phấn đấu ở mức cao nhất”, Tổng Giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh nhấn mạnh khi bàn về kế hoạch tăng trưởng của tổng công ty trong vòng 5 năm tới.
EVNNPC đặt mục tiêu đến 2025, tỷ lệ tổn thất điện năng đạt con số dưới 4,5% |
Rõ ràng, việc xây dựng và đảm bảo tính khả thi của một kịch bản dài hạn, dưới gốc độ của người làm kế hoạch không phải là đơn giản vì muốn tăng trưởng điện thương phẩm, EVNNPC phải đồng thời đạt được những chỉ tiêu kỹ thuật có tính bền vững như gợi ý của Tổng Giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh.
Chẳng hạn trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ tổn thất điện năng của “Tổng” này ước là 5%, thì mục tiêu 5 năm tới sẽ dưới 4,5%. Theo đó, các chỉ số khác về độ ổn định, tin cậy trong cung cấp điện sau 5 năm nữa cũng được EVNNPC xây dựng với những chỉ tiêu tốt hơn, như: SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới phân phối) đạt ≤ 500 phút/khách hàng/năm, SAIFI (số lần mất điện trung bình của lưới phân phối) đạt ≤ 3,88 lần/khách hàng/năm…
Để đạt được điều này, trong vòng 1 năm tới, tất cả các trạm biện áp 110 kV thuộc địa bàn EVNNPC phải áp dụng công nghệ tiên tiến, vận hành theo hướng không người trực; đồng thời cần hiện đại hóa hệ thống điện theo hướng lưới điện thông minh tại các thành phố, thị xã của 27 tỉnh phía Bắc.
“Chúng tôi đã có một thời gian khá dài dồn sức cho công tác dịch vụ khách hàng, nhờ đó một số tiêu chí trong lĩnh vực này đã được xác lập, vận hành ổn định. Giờ là lúc phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác quản lý kỹ thuật vận hành, vì đó là cái gốc rễ của ngành Điện. Kỹ thuật tốt thì phục vụ khách hàng sẽ tốt”, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC trao đổi với PLVN.
Cụ thể, EVNNPC đã sơ bộ đặt mục tiêu chỉ số tiếp cận điện năng trên địa bàn đến năm 2025 là ≤ 3 ngày làm việc; điểm đánh giá sự hài lòng khách hàng đến lúc đó ước 8,5/10 điểm trở lên; 100% dịch vụ điện cung cấp theo phương thức điện tử, tỷ lệ khách hàng yêu cầu qua cổng dịch vụ công quốc gia đạt từ 50% trở lên.
Nếu giải quyết được những vấn đề có tính chất đặc thù của một ngành kinh tế - kỹ thuật như đã nêu trên, thì kịch bản tăng trưởng cho chặng đường 5 năm tới của EVNNPC là khá thực tế và hoàn toàn có thể thực hiện được./.