Hé lộ con số thật để có một phi công kinh nghiệm

Phi công trong buồng lái tàu bay hiện đại
Phi công trong buồng lái tàu bay hiện đại
(PLO) - Thỏa mơ ước chinh phục trời cao, chu du năm châu bốn biển, thu nhập suýt soát 300 triệu/tháng nhưng thử thách cũng luôn song hành với thay đổi mỗi ngày. Phải chăng nghề phi công chỉ dừng ở những hào nhoáng bên ngoài?


Chi phí đào tạo “khủng” cỡ nào?

Phi công được coi là một nghề không bao giờ ngừng học. Để đạt trình độ phi công cơ bản, các học viên sẽ phải học trong khoảng 3 năm với khoản chi phí tính tới vài tỷ đồng.

Việc được học tập tại các Trung tâm huấn luyện hàng không nước ngoài có uy tín tại Mỹ, Úc, New Zealand hay Châu Âu để có được bằng lái quốc tế CPL, IRME hoặc AE là có thật. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại khi nguồn nhân lực đã gần như đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, các hãng hàng không đang dần dần loại bỏ chương trình hỗ trợ dành cho học viên, buộc các học viên phải tự túc học phí đào tạo nếu muốn đi học trở thành phi công. Đây sẽ là thử thách đầu tiên dành cho những người có mong muốn “chinh phục bầu trời”.

Từ một phi công cơ bản trở thành một phi công thương mại khai thác một dòng “chim sắt” cụ thể là một câu chuyện khá phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và đương nhiên là khoản kinh phí cũng rất lớn. Ở thời điểm những năm về trước, để giúp một phi công cơ bản thành phi công khai thác điều khiển các dòng máy bay chủ lực của Hãng, mỗi năm Vietnam Airlines đều phải chi phí đưa phi công đi huấn luyện chuyển loại và định kỳ mỗi 6 tháng. Đó là chưa kể việc các phi công phải hoàn thành khóa học quan trọng chuyển loại phi công nếu muốn điều khiển các máy bay hiện đại hơn.

Năm 2015 về chuyển loại phi công khi Vietnam Airlines nhận về chiếc Airbus A350-900 XWB đầu tiên, các phi công thương mại của hãng đã phải trải qua khóa học chuyển loại toàn phần trên 30 ngày với kinh phí là gần 1 tỷ đồng (chưa tính chi phí đi lại, ăn ở). Còn đối với phi công A330 và A321, kinh phí đào tạo tương ứng là từ 400 tới 700 triệu cho mỗi khóa học trong thời gian nói trên. Đối với dòng máy bay Boeing 787, phi công Boeing 777 muốn điều khiển được dòng máy bay hiện đại này phải chuyển loại toàn phần có mức kinh phí đào tạo gần 900 triệu đồng trong vòng 35 ngày.

Ngay cả khi nhận được chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện chuyển loại, các phi công còn cần tiếp tục huấn luyện tích lũy khai thác trên các loại máy bay. Đơn cử như mỗi phi công chuyển loại từ Boeing 777 lên Boeing 787 và từ A330 lên A350 sẽ thực hiện từ 4 - 8 chặng bay dưới sự bảo trợ của giáo viên phi công Boeing và Airbus trong giai đoạn đầu khai thác. Thời gian bay tích lũy không dưới 45 ngày.

Thời gian bay càng lâu, phi công càng được tích lũy kinh nghiệm cũng như số giờ bay và trải qua thêm nhiều đợt huấn luyện hằng năm, vì vậy rất khó có thể tính toàn chính xác được chi phí đào tạo cho một phi công dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, con số ước tính có thể lên tới vài tỷ đồng.

“Nhảy nghề” không dễ

Tại Việt Nam, sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không khi nhu cầu từ người dân “ai cũng muốn bay” kéo theo sức ép về cơ sở vật chất và nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trong buồng lái. Năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam công bố, đến năm 2020, cả nước cần 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có, cần bổ sung đến 1.320 người.

Nhu cầu cao để tuyển cho đủ số phi công lấp đầy số lượng lớn máy bay và chuyến bay liên tục theo nhu cầu của thị trường khiến các hãng hàng không cạnh tranh đáng kể trong việc “chiêu mộ” các phi công. Tuy thế, với một nghề nghiệp đặc thù vốn được coi là nhân lực trình độ cao như phi công, thì việc “nhảy nghề” không dễ.

Ngay từ khi ký hợp đồng, các phi công đã phải giao kết với hãng hàng không những quy định hết sức chặt chẽ như phải bồi hoàn chi phí đào tạo ban đầu nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng hay phải báo trước 120 ngày trước khi muốn nghỉ việc.

Đương nhiên, trong sự đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp còn có yêu cầu từ một lĩnh vực mang tính chất đặc thù với các yếu tố an ninh, an toàn trong các chuỗi hoạt động ngành Hàng không. Theo các chuyên gia hàng không, những ràng buộc ngay từ khi làm hợp đồng là cần thiết để không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động.

Quyền lợi “đẳng cấp” như tiền lương, các chế độ đãi ngộ khác cũng đi liền với trách nhiệm. Việc có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp ngay từ khi bắt đầu sẽ giúp các phi công nỗ lực trong học hỏi cũng như định hướng chính xác con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Đọc thêm

Thu phí không dừng tất cả các làn tại Sân bay Nội Bài

Dịch vụ thu phí không dừng sẽ được triển khai tại tất cả làn thu phí ô tô ra vào Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
(PLVN) -Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống các làn thu phí không dùng tiền mặt và thu tự động không dừng dịch vụ dừng/đỗ ô tô tại đây đã hoàn tất thời gian vận hành thử nghiệm, chính thức áp dụng trên toàn Cảng.

353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang

 353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang
(PLVN) - Chiều ngày 18/12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến bấm nút triển khai vận hành hệ thống camera giám sát, xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ông Giang Thanh Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
(PLVN) - Ngày 14/12, tại tỉnh Bình Phước diễn ra Lễ động thổ khởi công công trình Đường cao tốc TP HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước và công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, đồng thời khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự các sự kiện.