Trước nhưng thông tin trên, báo PLVN đã có buổi phỏng vấn Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, để làm rõ nội dung sự việc.
Thưa luật sư, việc mua – bán tinh trùng có được quy định theo pháp luật?
Việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như hiến tặng tinh trùng, noãn là một việc mang tính nhân đạo, giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có con cái. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đang lợi dụng điều đó để trục lợi. Có nhiều trường hợp mang tinh trùng đi để buôn bán, xuất hiện những dịch vụ mang tính bất thường, trái phép như bán tinh trùng của những người có chỉ số thông minh cao, người có ngành nghề được coi trọng như bác sĩ, kỹ sư, ca sĩ,…
Bên cạnh đó, việc mua bán tinh trùng còn bị thực hiện theo những cách phản khoa học, phản cảm như việc lấy trực tiếp hay quan hệ tình dục. Việc lạm dụng việc hiến tặng tinh trùng này gây ra nhiều hệ lụy và nguy cơ cho xã hội như việc đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, lây truyền các bệnh truyền nhiễm, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai nhi,…
Tuy nhiên, pháp luật nước ta đã có quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 10/2015 ngày 28/01/2015 quy định:
“1. Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.
2. Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.
4. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.”
Đồng thời, không phải nơi nào cũng có thể được phép thực hiện việc lấy/ xét nghiệm tinh trùng mà chỉ có các cơ sở khám chữa bệnh có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Y tế thì mới có thẩm quyền này.
Hành vi mua bán này nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý thế nào?
Mặc dù pháp luật nước ta đã bắt đầu có những quy định về việc hiến tặng tinh trùng, noãn và thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản, nhưng trái lại những chế tài xử phạt về các hành vi vi phạm quy định trên lại chưa đủ, chưa tạo được tính răn đe cần thiết. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc mua bán tinh trùng trái phép diễn ra tràn lan hiện nay.
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2014, xử phạt vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản, thì các hành vi như thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật; không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật... sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Trong trường hợp thực hiện việc cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời thì mức phạt là từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người/ cơ sở vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Ngoài điều luật nêu trên, hiện tại chưa có bất kỳ các quy định nào khác để điều chỉnh, kể cả trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên nếu cá nhân nào biết mình đang bị các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội mà cố tình đi bán tinh trùng theo các phương thức trái phép gây lây lan bệnh truyền nhiễm thì sẽ bị xử lý riêng theo quy định của Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Bộ luật hình sự hiện hành.
Người môi giới phải chịu mức hình phạt ra sao?
Hiện nay pháp luật chưa quy định củ thể về việc xử lý đối với hành vi môi giới tinh trùng. Tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chỉ quy định về việc “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi”, mà chưa có những chế tài đủ cứng rắn cũng như quy định củ thể để xử lý hành vi môi giới tinh trùng này.
Hiến tinh trùng được coi là một hành động nhân văn, thế nhưng đã bị biến tướng. Hiện nay, có sự thoả thuận ngầm giữa người hiến (thực chất là bán) với người nhận nên rất khó để phát hiện. Vậy, làm thế nào để có thể phát hiện và ngăn chặn được hành vi mua bán này?
Hành vi mua bán, cho và nhận tinh trùng một cách tràn lan không tuân theo đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Do việc cho và nhận tình trùng thực hiện một cách tràn lan không tuân theo quy định pháp luật. Không xét nghiệm để xác định việc người cho tinh trùng có bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau hay không; có bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức được, làm chủ được hành vi của mình hay không; có bị nhiễm HIV hay không. Chính vì vậy người nhận tinh trùng ngoài việc có thể bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm qua bộ phận sinh dục hoặc thai nhi gặp vấn đề di truyền từ người hiến tinh trùng thì còn có thể dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết sau này từc là những con cái của người mua bán tinh trùng có thể vô tình kết hôn với nhau dẫn đến hậu quả con cái đẻ ra có thể bị dị tật.
Vì vậy việc phát hiện cũng như ngăn chặn được hành vi mua bán tinh trùng tràn lan là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân thì chúng ta cần có những chế tài cứng rắn hơn, mang tính chất răn đe chung đối với những người thực hiện hành vi này, có thể hình sự hóa đối với những hành vi nêu trên.