Hạnh phúc sau những chiến công thầm lặng

Ngoài áp lực công việc và tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý (ảnh minh họa)
Ngoài áp lực công việc và tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý (ảnh minh họa)
(PLO) -“Người làm khoa học phải tuyệt đối trung thành với khoa học và luôn làm đúng lương tâm nghề nghiệp. Không thể mang cái cá nhân chủ quan, những toan tính, vụ lợi ích kỷ vào công việc, nếu không sẽ thay đổi tính chất vụ án, để lọt kẻ gian, làm oan người vô tội”, Bác sĩ Đặng Trần Dũng, cán bộ Trung tâm giám định pháp y, Viện KHHS khẳng định. 

Tai nạn hay án mạng?

22h30 một ngày cuối xuân, tiết trời se lạnh, quán nước nhà ông B cũng như các quán khác dọc tuyến đường 71A đều đã đóng cửa. Mọi người đang tập trung quanh chiếc ti vi để xem bộ phim truyền hình nhiều tập, bỗng phía ngoài đường có tiếng “sầm”..., cả nhà ông Bách giật mình ngơ ngác.

Con trai ông B nhanh chân mở cửa chạy ra đường thì thấy một cảnh tượng hết sức hãi hùng: Một chiếc xe máy đổ kềnh bên cạnh chân chiếc cột mốc cây số, bánh xe sau vẫn còn quay tít. Cách đó khoảng 2 m, nạn nhân và cột mốc cây số bị bắn ra, nạn nhân nằm yên bất động, máu me lênh láng trên mặt đường... Bố con ông B cùng một số người xúm đến bên nạn nhân thì thấy người này đã tắt thở, không còn khả năng cứu chữa, liền đi báo cơ quan công an.

Nhận được tin báo, công an huyện đã tới ngay hiện trường và triển khai kịp thời các biện pháp nghiệp vụ. Rất may là sự việc xảy ra vào ban đêm, mọi người chủ yếu ở trong nhà, lượng người lưu thông trên đường ít nên hiện trường hầu như còn nguyên vẹn. Sơ bộ nhận định qua hiện trường, công an huyện đánh giá nhiều khả năng đây là vụ tai nạn giao thông đơn thuần.

Trong số những người có mặt tại hiện trường, có người cho biết: nạn nhân không phải là người địa phương, buổi chiều người này có đến chơi nhà Đ “trọc” ở thôn gần đó. Tại đây, nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn T, sinh năm 1959, lúc nhỏ sống tại địa phương, lớn lên đã cùng gia đình chuyển vào Vũng Tàu công tác.

Tìm hiểu thêm được biết, cách đây một thời gian, T bị cơ quan sa thải không rõ lý do và vừa từ Vũng Tàu ra Bắc hôm trước để thăm bạn bè, người thân. Nhớ bạn cũ, T đã tìm đến nhà Đ chơi. Với người dân địa phương thì Đ “trọc” là đối tượng thuộc loại “đầu gấu” với khá nhiều thành tích bất hảo và là diện có tên trong sổ đen của cơ quan công an.

Tìm hiểu qua Đ và qua nắm tình hình được biết: chiều đó khi tới nhà Đ chơi, do lâu ngày mới gặp nhau, lại nhân dịp vợ con Đ về quê ngoại chơi nên cả hai đã kéo nhau ra quán ăn nhậu từ 4 giờ chiều, tới khoảng tối muộn mới về nhà Đ, nhưng T vẫn không quên mang theo một chai rượu nữa về để uống tiếp. Cả hai đang lai rai thì Đ có việc riêng phải ra ngoài, một mình T vẫn tiếp tục “nâng ly”.

Lúc này, có hai thanh niên tên Q và M, bạn làm ăn của Đ tới, không thấy Đ, trong nhà lại có người lạ ngồi uống rượu một mình, Q liền lên giọng, hỏi lớn: “Ông là ai mà lại ngồi uống rượu ở đây”. “Tao là cảnh sát hình sự của tỉnh đây, chúng mày muốn gì ?”, T dõng dạc đáp. 

Nghe vậy, M tiến lại gần T, giơ tay nói: “Vậy thì bắt tay làm quen nào”. Bực vì cách bắt chuyện làm quen có phần khiêu khích, T nói: “Tao không thèm bắt tay với mày”.

Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, cuối cùng cả hai bên lao vào nhau đánh lộn, Q đã đấm một phát rất mạnh vào mồm T... Đúng lúc đó, Đ về và đã kịp can ngăn, Q và M mới chịu ra về. 

Tuy nhiên trước lúc đi khỏi, cả hai còn không quên đe dọa: “Hãy nhớ lấy mặt hai thằng này!”. Ít phút sau, T hậm hực ra về và khoảng 10 phút sau thì sự việc đáng tiếc đã xảy ra như trên. Hiện trường vụ việc cách nhà Đ khoảng 1,5 km.

Về phía người nhà nạn nhân, sau khi biết chuyện trước đó, đã khẳng định đây không phải là một vụ tai nạn giao thông đơn thuần, mà là một vụ án mạng, kẻ gây án đã khôn khéo dàn dựng hiện trường giả vụ tai nạn giao thông để che mắt mọi người. Họ cho rằng T bị đánh chết và chiếc cột mốc cây số bị bật ra là do thủ phạm đã dùng xà beng bảy ra dựng hiện trường giả.

Thấy chiều hướng vụ việc phức tạp, công an xác định điểm mấu chốt là phải dựa vào việc khám nghiệm và giám định các dấu vết trên hiện trường và tử thi để tìm ra cơ chế hình thành các dấu vết đó. Kế hoạch bảo vệ hiện trường được triển khai, các chuyên gia pháp y và dấu vết của Viện KHHS được đề nghị hỗ trợ.

Sự thật được làm sáng tỏ

Với tinh thần làm việc khẩn trương, ngay trong đêm, các chuyên gia đã đưa ra những kết luận hết sức khoa học và thuyết phục, giúp công an huyện có cơ sở để kết luận nguyên nhân tử vong của Nguyễn Văn T. 

Theo đó, về hiện trường: trên suốt dọc đoạn đường nơi xảy ra sự việc không phát hiện có vết phanh xe, không có các vết cày xước mặt đường. Điều đó chứng tỏ thời điểm xảy ra sự cố, xe máy không bị loạng choạng nghiêng ngả và nạn nhân có lẽ bị bất ngờ nên không có biện pháp phòng vệ an toàn (phanh xe) vì đây là đoạn đường cua vòng tương đối gấp.

Nghiên cứu về cột mốc cây số thì thấỵ, đây là loại cột mốc có từ nhiều năm trước, chân đế đã bị sạt lở, hở chân, hầu như nó còn tồn tại là nhờ được gắn vào các phía bằng lớp vữa bằng cát - vôi có kết cấu kém, phần chân đế không có dấu hiệu của sự cậy phá. 

Mặt khác, qua báo cáo của cảnh sát giao thông thì chiếc cột mốc này đã vài lần bị ô tô đâm vào nên đã bị lệch nghiêng. Khám nghiệm thấy trên thân cột mốc có một số vị trí bị va chạm cày xước mất lớp sơn bên ngoài, đồng thời trên đó có bám một số vết nghi vết sơn màu đỏ do va chạm, chà sát mạnh gây ra.

Đại úy, ThS Đỗ Lập Hiếu
Đại úy, ThS Đỗ Lập Hiếu

Nghiên cứu chiếc xe máy bị nạn thấy, toàn bộ phía trước của xe bị nén ép co rúm lại theo chiều trước - sau, chắn bùn, đèn, nhan, yếm... bị vỡ bắn tung tóe khắp hiện trường. Trên đầu xe có nhiều dấu vết do va chạm, trên đó có bám dính nhiều vết màu xanh. Tất cả các dấu vết nghi vấn đều được thu giữ gửi về Viện KHHS giám định.

Về tử thi, qua nghiên cứu quần áo thấy phần trên của 2 thân áo trước (cổ - ngực) và 2 ống quần tương ứng 2 đầu gối đều có bám dính chất bẩn màu xanh giống màu sơn của cột mốc. 

Đặc biệt các tổn thương trên cơ thể chủ yếu là các vết xây sát, rách da, rớm máu trên diện rộng và có cùng chiều hướng từ trên xuống dưới, rải rác từ đầu mặt tới 2 chân. Tuy nhiên, trong số các tổn thương này có tổn thương bầm dập 1/2 cả hai môi bên phải, vùng cổ trước và trên ngực có diện xây sát da, bầm tím kích thước lớn, nền tổn thương có màu nâu xám và khô da.

Khi giải phẫu vùng này thấy các xương sườn không bị rạn, gãy nhưng tổn thương bên trong khoang ngực lại rất nặng: bầm dập, tụ máu, tim bị đứt rời khỏi cuống; trong ổ bụng gan bị rạn một đường dài 7cm. Đây là tổn thương cơ thể đặc trưng bởi sự tác động của phần ngực - bụng với một vật tày diện rộng với một lực ép nén lớn gây ra.

Các kết quả giám định: Mẫu dấu vết có màu xanh thu trên xe máy và trên quần áo nạn nhân trùng với mẫu sơ thu trên cột mốc. Mẫu dấu vết có màu đỏ thu trên cột mốc trùng họp với màu sơn của chiếc xe máy. Trong mẫu máu của nạn nhân gửi giám định có thành phần rượu Etylic, nồng độ là 0,33% (3,66mg/ml), với nồng độ này trong máu, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái say rất nguy hiểm nếu tham gia giao thông.

Như vậy, qua công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi cũng như giám định các dấu vết, mẫu vật có liên quan, sự thật đã được làm sáng tỏ: T đã uống quá nhiều rượu tới mức không làm chủ được bản thân, ngay tại khi còn ở nhà Đ cũng vì rượu mà T đã có sự xô xát với Q và M (bị đấm vào mồm). 

Sau đó với một tâm trạng bực tức, kết hợp với lượng “ma men” cao trong người, T đã phóng xe máy với tốc độ cao, trời lại tối, đường không quen, lại gặp đoạn cua vòng bất ngờ nên đã không làm chủ được tay lái, đâm thẳng vào cột mốc bên đường.

Không để oan sai

Một vụ nghi ngờ tai nạn giao thông xảy ra đầu năm 2016 tại Hà Tĩnh đã để lại cho bác sĩ Đặng Trần Dũng những kỷ niệm sâu sắc về nghề. 

Thi thể một người đàn ông bị xe tải cán qua, trên mình mặc chiếc áo mưa, nằm sõng soài trên đường, cách chiếc ô tô tải một đoạn không xa. Nhìn hiện trường thì cái chết của người đàn ông này giống như một vụ tai nạn giao thông. Trong khi đó, anh K, người điều khiển chiếc xe trên khai nhận với CQĐT rằng bản thân “có lái xe cán qua một chướng ngại vật trên đường, nhưng không biết đó là người”.

“Các bác sĩ, giám định viên Trung tâm pháp y, Viện KHHS được cử đến hiện trường, triển khai giám định tử thi làm rõ nguyên nhân chết. Kết quả giám định cho thấy, nạn nhân tử vong trước thời điểm bị chiếc xe tải của anh K cán qua người, do va chạm với một chiếc xe tải khác không cùng loại với chiếc xe tải nói trên. Do đó, anh K không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, nếu các bác sĩ, giám định viên pháp y làm việc qua loa, tắc trách thì có thể người lái xe này sẽ bị oan sai”, anh Dũng chia sẻ.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của pháp y là giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương trên cơ thể người sống. 

Theo ThS Đỗ Lập Hiếu, khi giám định chỉ có thể làm hài lòng một bên. Bên gây hại muốn bác sĩ pháp y xác định thương tổn nhẹ hơn để mình tránh hoặc giảm được tù tội. Còn bên bị hại thì ngược lại. Vì vậy, ngoài áp lực công việc và tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý.

Anh Hiếu kể về một vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại Lục Ngạn, Bắc Giang. 

Theo lời của những người có liên quan, do mâu thuẫn, tranh chấp về đường đi, bà X và ông H đã cãi vã, mạt sát nhau om sòm. Anh Q (con trai ông H) khai đã giằng co chiếc cuốc mà bà X đang cầm, không may chiếc cuốc va vào đầu bà X, dẫn tới bà này bị thương ở vùng đầu. Trong khi đó, bà X một mực khẳng định vết thương trên đầu mình là do ông H chém vào đầu bà.

Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã xác định tỷ lệ % thương tích của bà X và xác định cơ chế hình thành vết thương: vết sẹo vùng đỉnh đầu do vật cứng gây nên. Bà X không băn khoăn gì về tỉ lệ % thương tích, mà chỉ muốn làm rõ người gây ra và cơ chế hình thành thương tích. 

Mặt khác, CQĐT thấy nội dung hung khí mâu thuẫn với tài liệu thu thập nên đã đề nghị Trung tâm giám định pháp y, Viện KHHS tiến hành giám định lại. Lúc này, ông H thú nhận có đứng trong hàng rào với liềm về phía bà X nhưng không trúng đồng thời giao nộp một cái liềm không chuôi.

Quá trình giám định lại cho thấy, vùng đỉnh đầu bà X có vết sẹo nằm dọc và xác định vết này là do vật tày có cạnh tác động gây nên, chiều hướng tác động từ trước ra sau, từ trên xuống dưới.

Bên cạnh đó, giám định viên nhận định, giữa hai người giằng co đối diện, lưỡi cuốc quay về phía trán bà X thì lưỡi cuốc sẽ tác động ngay vào trán, không thể gây vết thương nằm dọc đỉnh đầu. Từ đó, loại trừ khả năng người con ông H gây ra vết thương cho bà X. 

Đồng thời, giám định viên cũng khẳng định, với tư thế ông H đứng ngoài hàng rào, bà X ngoài hàng rào thì cái liềm ngắn không chuôi không thể gây ra thương tích nói trên, mà phải dùng liềm có chuôi gỗ nối vào mới có thể thực hiện được. CQĐT đã tiến hành thực nghiệm và thấy đúng như kết quả giám định.

Nhưng ông H vẫn khăng khăng cãi rằng, nếu ông dùng liềm (vật nhọn có lưỡi sắc) thì tại sao giám định viên lại kết luận là vật tày có cạnh? Giám định viên đã chứng minh được chính phần sống dao cong của liềm đã gây ra vết thương cho bà X với tư thế chém từ trên xuống, phù hợp với cơ chế hình thành vết thương của bà X. Biết không thể chối cãi, ông H đã cúi đầu nhận tội và giao nộp hung khí gây án là cái liềm có chuôi cho CQĐT.

Đại úy, bác sĩ Đặng Trần Dũng
Đại úy, bác sĩ Đặng Trần Dũng

Không chỉ “hai trong một”

Tâm sự về nghề, bác sĩ Dũng cho biết, sau khi tốt nghiệp, cũng như nhiều sinh viên y khoa khác, anh có biết bao ước mơ bay bổng của một bác sĩ trẻ về nghề trị bệnh cứu người. Nhìn gương mặt hạnh phúc của những bệnh nhân được cứu sống sẽ là niềm hạnh phúc vô bờ của người thầy thuốc…

Thế nhưng, anh Dũng đã tình nguyện trở thành một bác sĩ pháp y. Hơn 10 năm trong nghề, trải qua những buồn vui, hỉ nộ ái ố của nghề, đến nay, anh và những đồng đội của mình vẫn nguyện gắn bó với công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa của một giám định viên.

Nói nghề pháp y là “duyên phận” như bác sĩ Trần Dũng sẽ không ngoa, và để đi trọn với nghề, những bác sĩ mang quân hàm cũng phải trải qua không ít “cửa ải”. “Nghề pháp y áp lực lắm, nếu không có lòng yêu nghề, biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân thì không làm được đâu. Lần đầu tiên cầm dao mổ tử thi thực sự là ám ảnh, đến nỗi trong giấc ngủ vẫn còn mơ thấy”, anh Dũng tâm sự.

Theo ThS Đỗ Lập Hiếu, lâu nay, xã hội vẫn nhìn nhận bác sĩ pháp y là những người chỉ chuyên mổ xác, tiếp xúc với tử thi mà chưa có cái nhìn thực sự đầy đủ về công việc này. Thực tế, pháp y là tổng thể của nhiều lĩnh vực khoa học trong một, không chỉ “hai trong một” mà còn có thể có tới… “mười trong một”.

Cụ thể, trong pháp y có pháp y tử thi, pháp y thương tích trên người sống, giám định tuổi, pháp y sinh dục, pháp y tâm thần; giám định các tang vật có nguồn gốc từ cơ thể người, giám định hài cốt, pháp y nghề nghiệp, pháp y lao động, pháp y sinh vật...

Trung tâm Giám định pháp y nơi anh Dũng, anh Hiếu và các đồng nghiệp của mình đang công tác có cả thảy 21 bác sĩ, giám định viên. Họ làm việc với cường độ công việc rất cao: khoảng 1300 ca/năm, nghĩa là bình quân ngày 3-4 ca (mỗi ca cần nhiều kỹ thuật xét nghiệm). Điện thoại của họ phải luôn đặt trong trạng thái hoạt động, kể cả khi ngủ.

Dù là nửa đêm gà gáy hay đang trong bữa cơm, ngày thường hay lễ, Tết, trời nắng gắt hay mưa bão, giám định viên pháp y cũng phải lên đường bất kỳ lúc nào khi được trưng cầu. Gần thì xe máy, ô tô, xa thì tàu hỏa..., bàn chân họ có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Người ta nói rằng, chẳng ai có thể qua mắt được các chuyên gia pháp y, bởi đến người đã mất, những vật vô tri vô giác cũng được “hỏi ra nhẽ”. Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào cũng tĩnh tâm và suôn sẻ để tìm chứng lý khoa học cho một vụ án. 

Quan niệm “chết toàn thây” đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, vì thế mà có không ít trường hợp gia đình người chết viện đủ mọi lý do để ngăn cản việc khám nghiệm tử thi như: tập trung đông người, khóc lóc vật vã, đe dọa hành hung, xách cả valy của tổ khám nghiệm và đuổi đi… Những lúc như vậy, bác sĩ pháp y lại phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, giải thích cho thân nhân người quá cố về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi.

Phương châm làm việc của các bác sĩ, giám định viên pháp y là thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan và toàn diện. Có những nơi phải căng bạt giữa hiện trường, người hiếu kỳ vây kín xung quanh. Mổ thì ngồi hoặc lom khom, tư thế gò bó nên chỉ một lúc là cả người đau nhừ, nhất là đôi chân.

Cũng có lúc phải tiến hành mổ xẻ trong buồng kín của gia đình nạn nhân với không gian chật hẹp, bóng điện lờ mờ, thời gian giới hạn tới từng phút. Nhiều áp lực căng thẳng là vậy mà vẫn phải chính xác, kỹ càng từng cm, không để thiếu sót bất kỳ dấu vết gì, bởi nếu sai một ly sẽ đi một dặm, hậu quả khó lường.

Từ kết quả giám định pháp y, nhiều vụ án phức tạp đã được làm rõ, nhiều người vô tội được minh oan và nhiều kẻ thủ ác phải đền tội trước pháp luật. Phía sau hào quang của những chiến công cùng những nhọc nhằn, vất vả đặc thù của công việc giám định là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi bác sĩ, giám định viên vì đã góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc vạch trần cái ác, đem lại sự công bằng cho xã hội.

 (Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.