Chồng Nhàn là con trai của ông chủ tiệm tạp hóa gần trường cao đẳng, chuyên cầm cố xe đạp, cầm thẻ sinh viên của đám sinh viên nghèo. Vậy nên khi cưới Nhàn về cũng chẳng có hôn thú gì, coi như nhà họ có thêm một nhân viên trực ở tiệm cầm đồ không phải trả công.
Mang thai nặng nề, mệt mỏi nhưng Nhàn vẫn phải quần quật làm việc từ sáng đến đêm. Tiền nong nhà chồng quản rất chặt chẽ, sổ sách ghi chép phải cẩn thận rõ ràng, còn gắn cả camera để theo dõi.
Chồng Nhàn vốn là kẻ ăn chơi trác táng, phá gia chi tử, chẳng quan tâm gì đến vợ con khiến cuộc sống của Nhàn chẳng khác gì địa ngục trần gian. Gia đình biết chuyện rất xót thương Nhàn, chính bản thân chị An đã mấy lần đến vận động Nhàn hãy bỏ về nhà, chấp nhận làm mẹ đơn thân.
Nhưng vì mầm sống trót hình thành trong bụng, Nhàn vẫn cam tâm chịu đựng, coi như định mệnh đã chọn sẵn cho mình một con đường, không thể nào khác được. Mỗi khi nhìn bạn bè phơi phới tới trường, hoặc thậm chí tận mắt thấy chồng dắt gái về nhà, Nhàn chỉ biết cúi mặt nhìn xuống bụng mình hoặc giả câm, giả điếc.
Trong thân tâm, có lẽ Nhàn hy vọng đứa con ra đời sẽ thay đổi được chồng, hoặc chí ít cô cũng có niềm an ủi, niềm hy vọng mà sống tiếp cuộc hôn nhân tù ngục? Ấy vậy mà mong ước đơn giản đó trời cũng không cho.
Trong một lần cố vác chiếc xe đạp từ trên gác xuống để trả cho một sinh viên chuộc đồ, không may Nhàn trượt chân ngã, bất tỉnh. Do được cấp cứu kịp thời nên Nhàn qua cơn nguy kịch nhưng không thể giữ được cái thai đã 7 tháng tuổi. Sau lần đó, xét thấy không còn gì để mà ràng buộc, quyến luyến nhà chồng, một phàn cũng do gia đình thúc ép nên Nhàn đã gạt nước mắt trở về nhà đẻ.
Một thời gian sau đó, Nhàn rơi vào trạng thái trầm cảm, suốt ngày cô ru rú trong nhà, không ra ngoài, không tiếp xúc với ai. Gia đình khuyên cô đi ôn thi để tiếp tục giấc mơ đèn sách nhưng Nhàn chán nản, không còn tâm thế học hành. Sau đó, Nhàn đi học nghề may nhưng làm được ít thời gian thì bỏ dở. Cô còn tuyệt vọng nói rằng muốn đi tu để tránh xa dòng đời trầm luân bể khổ.
Thương em, chính chị An là người đã gợi ý và lo làm thủ tục cho Nhàn đi xuất khẩu lao động ở Nga với hy vọng môi trường sống mới, con người mới sẽ khiến con tim Nhàn vui trở lại. Vậy là Nhàn đi xuất khẩu lao động sang Nga, chuyên ngành may mặc.
Quả thật, cả nhà đã mừng rơi nước mắt khi đọc được những lá thư Nhàn gửi về sẻ chia niềm vui sướng, háo hức khi ở nơi xa xứ, do chăm chỉ, thông minh nên cô được đề bạt vị trí tổ trưởng tổ may, rồi trưởng ca trong xưởng.
Rồi Nhàn may mắn tìm được người đàn ông của cuộc đời mình. Đó là một chàng trai gốc Việt, bố anh người Nga nhưng mẹ là người Việt Nam, vậy nên anh có khả năng nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga. Như con chim sợ cả cành cong, ban đầu Nhàn lo âu, e dè không dám giang tay đón nhận niềm hạnh phúc.
Tiếp sau đó, nỗi mặc cảm quá khứ đã khiến cô tâm sự tất cả nỗi đau khổ từ mối tình đầu của mình với anh. May mắn cho Nhàn là đã gặp được người đàn ông đôn hậu, rộng lượng. Anh chấp nhận tất cả những gì thuộc về cô và hai người đã hoàn tất các thủ tục kết hôn theo pháp luật nước sở tại.
Chị An cho biết, sau khi cưới, vợ chồng Nhàn mở tiệm riêng vừa gia công may mặc, vừa trực tiếp bán các sản phẩm. Hai đứa con lần lượt ra đời, kháu khỉnh thông minh khiến Nhàn dần trút bỏ được nỗi ám ảnh từ lần đánh mất đứa con đầu tiên ở tiệm cầm đồ. Nhưng rồi khi các con ngày càng lớn, việc làm ăn càng gặp khó khăn, sa sút. Vợ chồng Nhàn nghĩ kế quyết định làm thủ tục về nước để sinh sống làm ăn.
“Nhưng chính lúc này đây Nhàn và gia đình lại vô cùng lo lắng vì mối tình không thú trước đây có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại của cô ấy. Nhàn và gia đình muốn “công khai hóa” cuộc hôn nhân hiện tại nhưng không biết liệu có phải làm thủ tục đăng ký kết hôn lại và tổ chức đám cưới hay không?”- chị An lo lắng.
Các chuyên gia pháp lý của PLVN đã giải thích cho chị An hiểu, pháp luật hiện hành quy định, nếu vợ chồng em gái chị đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Cộng hòa Nga và đã được pháp luật nước sở tại công nhận là hôn nhân hợp pháp thì sự kiện pháp lý trên cũng sẽ được công nhận tại Việt Nam.
Vì vậy, vợ chồng em gái chị không cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam nữa, mà chỉ cần làm thủ tục công nhận việc kết hôn đã được giải quyết tại Nga tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Gia đình có thể tổ chức đám cưới, theo đúng quy ước về cưới hỏi theo nếp sống văn hóa.
Chuyên gia pháp lý nói gì?
Tại Điều 16, Mục 3, Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có quy định:
“Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn”.
Điều 17 Nghị định 24 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ghi vào sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
Theo đó, Sở Tư pháp, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện ghi vào Sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài (sau đây gọi là ghi vào sổ việc kết hôn).
Trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Sở Tư pháp, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam, thực hiện ghi vào sổ việc kết hôn.