Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nếu kết quả điều tra khảo sát thị trường 3 năm trước cho thấy 77% người tiêu dùng ưa chuộng hàng có nhãn mác nước ngoài, thì nay tình hình đã chuyển biến rõ rệt, 71% người tiêu dùng được khảo sát ưa chuộng và sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, để đưa hàng Việt chiếm lĩnh các kênh bán lẻ hiện đại vẫn là một câu chuyện dài.
Cả nước có hơn 8.700 chợ, 698 siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) và nhiều cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện ích; hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm 24%. Năm 2006, tỷ trọng hàng Việt bán trong các siêu thị chỉ chiếm chưa đầy 50% nhưng đến nay, con số này đã tăng dần, thậm chí, có những đơn vị đã coi hàng Việt là sự lựa chọn duy nhất, như Vinatexmart chỉ bán 100% hàng Việt, hay Saigon Coopmart, Big C bán tới 95% hàng Việt.
Hàng Việt ngày càng được bán nhiều trong các siêu thị nhưng chất lượng vẫn bị chê nhiều. Ảnh mang tính minh họa. |
“Lợi thế của thị trường vẫn còn rất tiềm năng và rộng mở, bởi người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam chiếm số lượng lớn (người dưới 30 tuổi chiếm 60%) và xu hướng mua sắm đã thay đổi - người tiêu dùng thời nay ngày mỗi thích kênh mua sắm ở TTTM và siêu thị, cửa hàng tiện ích” – bà Thứ trưởng nói.
Tuy vậy, bà Thoa cũng chỉ ra, thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng và nhân lực phục vụ ngành bán lẻ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, các dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ và chuyên nghiệp, chất lượng, mẫu mã hàng hóa sản xuất vẫn còn nhiều “vấn đề”…
Đặc biệt, chuỗi cung ứng hàng hóa từ các nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng phải trải qua rất nhiều khâu, “vòng vèo”, làm gia tăng chi phí và thời gian. Cụ thể, các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2, mà không chọn siêu thị, cửa hàng tiện ích – là kênh trực tiếp để giao hàng (vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa giảm chiết khấu hoa hồng bán hàng, hậu mãi...). Chưa hết, chi phí quảng cáo “quá đắt” – chỉ vài chục giây trên truyền hình, số phí quảng cáo đã lên tới vài chục triệu đồng, khiến các DN bán lẻ trong nước khó mà ...“chịu nổi”.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam bày tỏ, dù các sản phẩm hàng Việt đang chiếm tới 90% trên kệ hàng hệ thống siêu thị Fivimart, song “nói thật” vẫn bị nhận nhiều lời chê từ khách hàng, kể cả về chất lượng sản phẩm đến mẫu mã...
So với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có thể coi là địa phương đầu tàu về phát triển các kênh phân phối hàng Việt. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tính đến nay, thành phố có 243 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 162 siêu thị, 24 TTTM và 500 cửa hàng tiện ích, trong đó có 300 cửa hàng chuyên bán thịt, rau củ quả ...
Để phát triển mạng lưới phân phối, thành phố có những chính sách ưu tiên cụ thể, đặc biệt là việc hỗ trợ mặt bằng cho các cơ sở bán lẻ. Thời gian qua thành phố đã rà soát mặt bằng đất công, sử dụng không hiệu quả, giao cho cửa hàng tiện ích xen lẫn khu dân cư; ngoài ra còn hỗ trợ tiền thuê đất và thủ tục pháp lý.... Tất nhiên, không phải DN nào cũng được hưởng các ưu đãi đó, mà muốn lọt vào “top” này, DN cần đáp ứng các tiêu chí quan trọng do thành phố đề ra, nhằm đảm bảo “chọn đúng mặt để gửi vàng”....
Về kế hoạch trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cùng các DN, UBND các tỉnh, thành phố và hiệp hội ngành hàng tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN, như hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, các biện pháp ưu tiên mặt bằng, thuế, tín dụng ... cũng như chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi, công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn uy tín trên thế giới.
Đồng thời, cần sự “chung tay” của các địa phương, trong việc tạo điều kiện nhằm tăng cường các hoạt động kết nối giữa các DN sản xuất và DN phân phối, đảm bảo nguồn cung sản phẩm có chất lượng và độ an toàn ổn định, bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa. Đặc biệt, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình hiện đại để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ lên 40%.
Mai Hoa