Liệu pháp này bao gồm việc truyền huyết tương từ những người khỏi bệnh cho bệnh nhân nhiễm virus, mặc dù có nhiều tranh cãi về việc liệu nó sẽ thành công và hiệu quả đối với tất cả bệnh nhân nhiễm virus corona hay không.
Vẫn chưa có vắc-xin phòng virus corona mới, cũng như thuốc đặc trị cho bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus này gây ra nên một số chuyên gia đã nói rằng phương pháp điều trị bằng huyết tương đáng để thử.
Hàn Quốc đã điều trị bằng huyết tương cho 9 bệnh nhân MERS vào năm 2015 và một số đã được chữa khỏi. Huyết tương chứa kháng thể sau khi bị bệnh đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chữa các bệnh truyền nhiễm.
Kwon Joon-wook, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng các hướng dẫn trị liệu bằng huyết tương sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới.
Vẫn thận trọng về hiệu quả của liệu pháp huyết tương, ông Kwon cho biết, các cơ quan y tế sẽ áp dụng các hướng dẫn cho bệnh viện sau khi thu thập ý kiến từ các chuyên gia.
Một nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Severance ở Seoul, nơi điều trị huyết tương cho hai bệnh nhân, đã tải phương pháp điều trị của họ lên trang web của Tạp chí Khoa học Y khoa Hàn Quốc. Hai bệnh nhân là một phụ nữ 67 tuổi, có tiền sử bệnh tăng huyết áp, xét nghiệm dương tính vào ngày 6/3 và một người đàn ông 71 tuổi khỏe mạnh trước đó được xác nhận mắc bệnh vào ngày 22/2.
"Mặc dù có những hạn chế, các trường hợp của chúng tôi cho thấy rằng huyết tương từ những bệnh nhân đã hồi phục sau nhiễm COVID-19 có thể là một lựa chọn bổ sung để điều trị cho bệnh nhân mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào", theo bài viết của các bác sỹ trên.
"Ngoài ra, khi được sử dụng với corticosteroid toàn thân, chúng tôi có thể mong đợi khả năng giảm phản ứng viêm quá mức của corticosteroid cũng như thúc đẩy giảm tải virus bằng huyết tương điều hòa đồng thời. Các nghiên cứu được thiết kế tốt là cần thiết để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của việc huyết tương ở bệnh nhân COVID-19" - thông tin trong bài báo.