Hàn Quốc: “Cơn rung chấn” chưa lường hết hậu quả

Tổng thống Park Geun-hye
Tổng thống Park Geun-hye
(PLO) - Hàn Quốc hiện chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tương lai của Tổng thống Park Geun-hye đang rất bấp bênh. Bê bối chính trị xung quanh người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye đã khiến Hàn Quốc chệch hướng, báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính trường, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 12/2017. 

Ngày 25/10, trong một cuộc họp báo được triệu tập gấp gáp chỉ kéo dài 90 giây, được ghi âm lại và không cho phép đặt câu hỏi, Tổng thống Park xin lỗi vì đã chia sẻ “một số tài liệu” với bà Choi Sun-sil. 

“Người em gái” lâu năm

Bà Choi Sun-sil, con gái của thủ lĩnh tôn giáo Choi Tae-min, là một người bạn lâu năm của bà Park kể từ những năm 1970. Ông Choi Tae-min, người từng kết hôn 6 lần và sử dụng 7 cái tên khác nhau, từng là người thầy dạy dỗ bà Park trong những tháng ngày đen tối khi bà mất đi cả cha lẫn mẹ. 

Bà Choi đã bay sang Đức hồi tháng 9/2016 khi các cáo buộc bắt đầu rộ lên. Ít nhất, từ 200 file tài liệu được các nhà báo (chứ không phải các công tố viên) tìm thấy trong văn phòng của bà, có thể thấy một người không có chức vụ cấp cao hoặc có quyền hạn đặc biệt đã tiếp cận các tài liệu tối mật của Nhà nước.

Đây được coi là vụ phạm tội, tuy nhiên, ảnh hưởng của bà Choi thậm chí còn lớn hơn thế. Hiện có ý kiến cho rằng bà Choi đã thao túng chính sách trong các lĩnh vực chính và thậm chí cả cách tiếp cận thay đổi với Triều Tiên của người bạn thân Park Geun-hye. 

Có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy sự phạm tội của bà Choi. Một tài liệu dài 8 trang có tên “cuộc họp tại Nhà Xanh” đã được lưu 10 tiếng trước khi Tổng thống Park (khi đó mới đắc cử) gặp người tiền nhiệm Lee Myung-bak vào ngày 28/12/2012. Tài liệu này dường như là nội dung bài phát biểu của bà Park cho cuộc họp quan trọng này, trong đó bao gồm câu hỏi: “Hai miền Triều Tiên đã thực hiện loại hình liên lạc nào?” và câu trả lời là “Quân đội đã có các liên lạc bí mật với Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên gần đây”. Các quan chức liên quan hiện đã xác nhận các cuộc liên lạc này, nhưng không ai biết về thời điểm diễn ra. Đây là bí mật an ninh quốc gia mà bà Choi không có quyền được tiếp cận. 

Vụ việc thứ hai liên quan đến Sáng kiến thống nhất hòa bình, còn gọi là Tuyên bố Dresden của bà Park vốn nhận được nhiều lời ca ngợi. Như hãng NK News đưa tin, các tài liệu trong máy tính cho thấy nhiều đoạn trong bài phát biểu quan trọng này được bà Choi soạn thảo. Tuyên bố này bao gồm sáng kiến lựa chọn Dresden là mô hình thống nhất cho bán đảo Triều Tiên - mặc dù tiến trình thống nhất nước Đức bằng cách sáp nhập không áp dụng thành công ở Bình Nhưỡng. 

Choi Sun-sil, người gọi Tổng thống Park là “chị gái” bởi tình bạn thân thiết của 2 người trong nhiều thập kỷ đã bị các công tố viên bắt giữ khẩn cấp hôm 1/11 bởi các cáo buộc can thiệp vào công việc nhà nước và tư hữu hóa 2 quỹ phi lợi nhuận. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm những cáo buộc mới về hành vi phạm pháp của bà Choi. Các tổ chức sinh viên và giáo sư ở các trường đại học cũng như các nhà hoạt động của các tổ chức dân sự đã tập hợp và tổ chức họp báo trên toàn quốc để phản đối Tổng thống Park và người bạn thân của bà bị nghi ngờ đã tìm cách gây ảnh hưởng và giật dây ở hậu trường. 

Hiện cũng có tin đồn cho rằng quan điểm của bà Choi bị ảnh hưởng bởi sự mê tín. Nhật báo theo quan điểm bảo thủ “JoongAng” đã nhấn mạnh rằng đầu năm nay, con dấu của Cục Tình báo Quốc gia (NIS) đã bất ngờ bị thay đổi. Con dấu mới của NIS mang biểu tượng con rồng, theo tiếng Hàn cổ là “Mireu”. Tờ “JoongAng” cho rằng đây là biểu tượng cho Quỹ Mi-R, được bà Choi lập ra, người “đang sử dụng quỹ này để uy hiếp các tập đoàn lớn buộc họ đóng góp các khoản tiền xa xỉ và sau đó biển thủ chúng”. 

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, các công tố viên Hàn Quốc ngày 2/11 đã đề nghị một tòa án ra lệnh bắt giữ chính thức đối với bà Choi Soon-sil. Trước đó, rạng sáng 31/10, các công tố viên đã tạm giữ khẩn cấp bà Choi sau nhiều giờ thẩm vấn về những lời cáo buộc chống lại bà, với lý do bà có thể bỏ trốn hay tìm cách tiêu hủy chứng cứ. Bà Choi đã trở về Hàn Quốc hồi cuối tuần trước sau khi ở châu Âu trong gần 2 tháng. 

Bà Choi Sun-sil, “người em gái” lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye, trung tâm của “cơn rung chấn” trên chính trường Hàn Quốc
Bà Choi Sun-sil, “người em gái” lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye, trung tâm của “cơn rung chấn” trên chính trường Hàn Quốc

Rung động chính trường

Trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình giận dữ đổ ra khắp đường phố thủ đô Seoul và các thành phố lớn trên cả nước tối 29/10, Tổng thống Park đã cải tổ ban phụ tá của bà hôm 30/10 với việc chấp thuận đơn từ chức của các cố vấn cấp cao; trong đó, có 3 phụ tá thân cận nhất, từng làm việc chung với bà kể từ năm 1998 khi bà bước vào chính trường Hàn Quốc với vai trò nghị sĩ đảng Quốc đại, tiền thân của đảng Saenuri cầm quyền hiện nay. Một trong 3 phụ tá này bị tình nghi đã mang bản sao các tài liệu tuyệt mật của Tổng thống cho bà Choi xem hàng ngày, bao gồm kế hoạch chuyến công du nước ngoài của bà Park và các liên lạc quân sự bí mật với DPRK dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak. 

Danh sách từ chức cũng bao gồm cố vấn cấp cao của Tổng thống phụ trách điều phối chính sách, người bị cáo buộc gây sức ép buộc các tập đoàn ủng hộ hàng chục triệu USD cho các quỹ mà bà Choi kiểm soát, cũng như thư ký cấp cao phụ trách vấn đề dân sự có nhiệm vụ giám sát các công tố viên, cảnh sát và cơ quan tình báo. Chánh văn phòng Nhà Xanh và thư ký báo chí của Tổng thống Park cũng xin từ chức, cùng cố vấn cấp cao về vấn đề chính trị, người có nhiệm vụ liên lạc với các đảng chính trị khác. 

“Khoảng trống quyền lực” sau đó được thay thế bởi 2 thư ký khác. Bà Park đã bổ nhiệm 2 người mới vào vị trí cố vấn cấp cao về vấn đề dân sự và thư ký báo chí. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng thông báo cải tổ nội các, theo đó bổ nhiệm ông Kim Byong-joon, người từng là thư ký cấp cao của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, làm Thủ tướng mới. Ngoài ra, ông Yim Jong-yong, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính. Ông Park Seung-joo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An toàn công cộng và An ninh.

Thế nhưng, các đảng đối lập ở Hàn Quốc ngày 2/11 đã phản đối cuộc cải tổ nội các được công bố trước đó. Đảng đối lập chính Minjoo, đảng Nhân dân và đảng Công lý đã nhất trí tẩy chay phiên điều trần của Quốc hội để thông qua việc bổ nhiệm các thành viên mới của nội các. Theo Chủ tịch đảng Minjoo Choo Mi-ae, việc bổ nhiệm Thủ tướng mới là một quyết định đơn phương. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Nhân dân Park Jie-won cho rằng việc cải tổ nội các mà không thảo luận và thông báo trước sẽ chỉ khiến dư luận thêm bức xúc.

Một số nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri cũng phê phán việc cải tổ nội các mà không thông báo trước thậm chí với cả đảng này. Khoảng 50 nghị sĩ thuộc phái không ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye trong đảng Saenuri đã kêu gọi ban lãnh đạo đảng này từ chức để nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ảnh hưởng đến bầu cử và Hiến pháp

Bê bối chính trị xung quanh người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye đã khiến Hàn Quốc chệch hướng, báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính trường. 

Trước hết, đảng Saenuri theo quan điểm bảo thủ của Tổng thống bị đẩy vào tình trạng rối loạn và gây xáo trộn chính trường Hàn Quốc trước năm bầu cử 2017. Theo điều tra của hãng thăm dò dư luận Realmeter, mức độ tín nhiệm của bà Park đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 17,5%. 

Phe đối lập đang hành động một cách cẩn trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng liên quan đến bà Choi Sun-sil nổ ra, không đặt ra yêu cầu Tổng thống từ chức hay đưa ra ý tưởng về vụ luận tội. Nếu bà Park từ chức, theo luật pháp, một cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày, người thắng cuộc sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống nhiệm kỳ 5 năm. Giới phân tích cho rằng phe đối lập chưa sẵn sàng để đối đầu với đảng cầm quyền trong cuộc “so găng” sớm như vậy. Kim Man-heum, Giám đốc Học viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc, nói: “Nếu bà Park từ chức, điều này sẽ khiến mọi người nổi giận bởi họ đã chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử ‘hoành tráng’ trong năm tới”. 

Trong khi đó, bà Park lại đưa thêm một nhân tố khó đoán khác vào triển vọng chính trị nước này khi đề xuất thay đổi Hiến pháp để cho phép Tổng thống có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ hoặc thiết lập hệ thống quốc hội. Tổng thống Hàn Quốc hiện chỉ được đảm nhiệm nhiệm kỳ 5 năm duy nhất và bổ nhiệm một Thủ tướng chủ yếu phụ trách công việc hành chính. Việc thay đổi này bị các nhà chỉ trích cho là sẽ trao quá nhiều quyền lực cho Tổng thống. Theo luật hiện hành, bà Park sẽ không thể ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 2 cho dù Hiến pháp được sửa đổi thành công. Các đảng đối lập có thể thành lập một liên minh để thúc đẩy vấn đề sửa đổi Hiến pháp, vốn nhận được sự ủng hộ lớn của người dân, một khi Thủ tướng mới nhậm chức.

Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của bà Park, khiến bà có thể sẽ không hoàn tất nhiệm kỳ này. Bất kể những gì được công bố sắp tới là gì đi chăng nữa, bà Park hiện đã bị suy yếu hoàn toàn và có nguy cơ mất đi quyền lực tại quê nhà cũng như sự tôn trọng của quốc tế. Vụ bê bối này còn rất lâu mới chấm dứt, ngay cả khi bà Park từ bỏ chức vụ đi chăng nữa..

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.